Tết Giáp Thìn năm 2024 là năm thứ hai thành phố Thanh Hóa tổ chức chương trình “Tết xưa làng cổ” tại làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng. Với mục đích tái hiện lại Tết Nguyên đán truyền thống của dân tộc, bên cạnh các hoạt động văn hóa - văn nghệ, UBND phường Hàm Rồng cũng đưa vào chương trình nhiều môn thể thao truyền thống như: Kéo co, Ném còn, Đá cầu, cờ Tướng, thi đấu Cờ người. Bên cạnh đó là nhiều trò chơi dân gian như: Đi cà kheo, Chọi gà, “Bịt mắt đập nồi”...
Chủ tịch UBND phường Lê Thị Thanh cho biết: Phát huy những kết quả đạt được sau lần tổ chức đầu tiên, phường tiếp tục tổ chức chương trình “Tết xưa làng cổ” vào dịp Tết Giáp Thìn 2024, trong đó các môn thể thao truyền thống đặc sắc mùa Xuân sẽ là điểm nhấn để thu hút đông đảo người dân và du khách được giao lưu, thi đấu. Với thời gian dự kiến tổ chức từ ngày 25 tháng Chạp năm Quý Mão đến ngày mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn, “Tết xưa làng cổ” sẽ là điểm đến hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu vui Xuân, đón Tết của Nhân dân. Đây là cơ sở để phường tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, qua đó trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn của phường nói riêng và của thành phố Thanh Hóa nói chung.
Cũng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Liên đoàn Vovinam Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Thanh Hóa tổ chức Hội diễn Voviam các câu lạc bộ mừng Đảng - mừng xuân. Năm nay, Hội diễn được tổ chức với khí thế mới sau khi môn Vovinam được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây cũng được xem là môn thể thao truyền thống quen thuộc vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Bên cạnh sự kiện cấp tỉnh này, nhiều địa phương có phong trào Vovinam mạnh trong tỉnh như thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, các huyện Ngọc Lặc, Đông Sơn... cũng đã xây dựng chương trình biểu diễn và giao lưu thi đấu trong dịp Tết, qua đó tạo sân chơi ý nghĩa, thiết thực, đáp ứng nhu cầu vui chơi của Nhân dân, đồng thời khích lệ cho phong trào thể dục thể thao của địa phương trong năm mới.
Đến hẹn lại lên, các sới vật dân tộc tại các xã Hoằng Lưu và Hoằng Phong tiếp tục là điểm nhấn quan trọng trong các hoạt động thể dục thể thao dịp Tết của huyện Hoằng Hóa. So với những năm trước, dịp Tết Giáp Thìn 2024 các xã Hoằng Lưu và Hoằng Phong đã có sự chuẩn bị chu đáo để tổ chức hội vật dân tộc với tiêu chí không ngừng mở rộng về quy mô, nâng cao chất lượng công tác tổ chức. Trong đó, hội vật dân tộc sẽ có sự hỗ trợ của đội tuyển vật thuộc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh về công tác tổ chức, điều hành và trọng tài.
Hội vật tại các xã Hoằng Lưu, Hoằng Phong từ lâu đời đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với Nhân dân địa phương trong dịp Tết. Các cuộc thi tài trên sới vật của các vận động viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau, dành cho cả nam và nữ trong tiếng trống, sự hò reo cổ vũ của người xem chính là nét văn hóa truyền thống đặc sắc và hoạt động thể dục thể thao ngày càng có sức lan tỏa rộng, tích cực trong những năm gần đây.
Các môn thể thao dân tộc như: Đẩy gậy, Bắn nỏ, Tung còn, Kéo co, Bóng chuyền tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động thể dục thể thao tại các huyện miền núi xứ Thanh trong dịp Tết này. Năm nay, nhiều địa phương cấp xã, cấp huyện triển khai tổ chức Ngày hội Văn hóa các Dân tộc gắn với các Lễ hội truyền thống, các sự kiện lớn và tại các di tích, danh thắng, điểm du lịch, trong đó không thể thiếu các môn thể thao truyền thống. Điển hình là huyện Như Thanh với Lễ hội Sết Boóc Mạy và đón nhận Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống Sết Boóc Mạy xã Cán Khê; huyện Cẩm Thủy với Lễ Khai hạ tại Suối cá thần Cẩm Lương; huyện Mường Lát với các phiên chợ xuân của đồng bào dân tộc Mông ở các xã Pù Nhi, Nhi Sơn... Bên cạnh đó, các địa phương ven biển như: thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Nông Cống, Nga Sơn sẽ tổ chức các lễ hội đua thuyền truyền thống. Nét mới dịp Tết Nguyên đán năm nay là các địa phương tổ chức thi đấu có nội dung mở rộng để du khách được tìm hiểu, trực tiếp trải nghiệm, thi đấu các môn thể thao truyền thống.
Với sự chủ động, cùng cách làm phát huy sự sáng tạo, các địa phương đã cơ bản sẵn sàng cho các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, giải trí trong dịp tết sắp tới, trong đó ưu tiên hàng đầu là tổ chức các môn thể thao truyền thống, qua đó đáp ứng nhu cầu vui Xuân, đón Tết của Nhân dân; đồng thời góp phần bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.