Thách thức cho Bắn súng Việt Nam giai đoạn 2026-2046

Bắn súng Việt Nam được ngành Thể dục thể thao xác định là một trong 17 môn trọng điểm hướng đến mục tiêu cạnh tranh huy chương tại Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046.

Theo Chương trình phát triển, hàng năm, Cục Thể dục thể thao Việt Nam sẽ đầu tư, đào tạo từ 165 đến 170 vận động viên trọng điểm, trong đó có khoảng 18 xạ thủ (nhiều thứ hai và chỉ xếp sau môn Đua thuyền, với 34 vận động viên).

a-4-1745911234.jpg
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Hoàng Đạo Cương - kiểm tra đội tuyển bắn súng quốc gia tham dự SEA Games 33

Bắn súng Việt Nam nhận chỉ tiêu giành huy chương vàng tại ASIAD 2026, ASIAD 2030, 2034; huy chương bạc tại Olympic 2032... Điều này cho thấy, tầm quan trọng của Bắn súng trong chiến lược phát triển toàn diện của Thể thao Việt Nam. Song, đây cũng là thách thức lớn được đặt ra cho các nhà quản lý, huấn luyện viên và vận động viên trong giai đoạn tới.

Tham luận tại Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam thẳng thắn chỉ ra những khó khăn chủ quan và khách quan.

Theo đó, cơ sở vật chất ở nhiều địa phương còn thiếu, không đồng bộ, nhất là tình trạng thiếu súng, đạn, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tập luyện, thi đấu... Ngược lại, việc đầu tư kinh phí xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất môn Bắn súng và mua sắm trang thiết bị quá lớn, vượt khả năng về ngân sách của nhiều ngành, địa phương.

a-1-1745911234.jpg
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và tấm huy chương vàng Olympic lịch sử của Thể thao Việt Nam

Một trong những yếu tố quan trọng là tập trung đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, thi đấu cho vận động viên các đội tuyển trẻ quốc gia (Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh và Đà Nẵng, TP.HCM) tương đồng với đội tuyển quốc gia.Đầu tư mới trang thiết bị tập luyện, thi đấu hiện đại, đạt chuẩn quốc tế cho các môn thể thao trọng điểm, mũi nhọn, có khả năng đạt thành tích cao tại các giải đấu quốc tế (không đầu tư dàn trải).

Bên cạnh đó, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam đề xuất nên có cơ chế, chế độ chính sách đãi ngộ cụ thể với từng cấp huy chương của vận động viên, huấn luyện viên (ASIAD, Olympic...) để tạo động lực, mục tiêu phấn đấu.

Ngoài ra, nguồn nhân lực thiếu huấn luyện viên chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn cao được đào tạo bài bản trong nước và quốc tế, đồng thời công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên chưa chuyên nghiệp, chưa bài bản, khoa học; việc phát hiện, tuyển chọn và đào tạo vận động viên bắn súng trẻ gặp nhiều khó khăn, chưa có lộ trình cụ thể...

Trong khi đó, nguồn tài chính đầu tư cho các môn thể thao nói chung và Bắn súng nói riêng chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho môn Bắn súng cũng gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy được tiềm năng và mong muốn của nhiều doanh nghiệp...

a-2-1745911234.jpg
Xạ thủ Phám Quang Huy (trái) giành huy chương vàng tại ASIAD 19 năm 2023

Việc ứng dụng, tiếp cận, khai thác, sử dụng khoa học công nghệ vào đào tạo, huấn luyện, thi đấu của vận động viên còn hạn chế, chưa bắt kịp với sự phát triển trên thế giới, thiếu các nghiên cứu chuyên sâu về khoa học thể thao, dinh dưỡng, tâm lý cho vận động viên.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng Bắn súng Việt Nam vẫn đạt được những thành tích nổi bật trong những năm qua. Năm 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh xuất sắc giành huy chương vàng Olympic, lần đầu tiên ghi dấu ấn lịch sử cho Thể thao Việt Nam.

Tại ASIAD 19 năm 2023, lần đầu tiên, Bắn súng Việt Nam có huy chương vàng của xạ thủ Nguyễn Quang Huy. Năm 2024, Bắn súng cùng với một số rất ít môn thể thao khác đã giành 2 vé chính thức tham dự Olympic Paris 2024. Ở đấu trường này, dù giành được huy chương nhưng vận động viên Trịnh Thu Vinh đã 2 lần vào chung kết.

Trước bối cảnh đòi hỏi sự phát triển toàn diện cùng những mục tiêu quan trọng trong giai đoạn 2026-2046, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam cũng đưa ra một số kiến nghị.

Hiện đội tuyển bắn súng Việt Nam đang tập huấn tại Trung tâm Đào tạo Vận động viên cấp cao Quốc gia với 45 vận động viên, 6 huấn luyện viên và 1 chuyên gia nước ngoài nhằm chuẩn bị cho đấu trường lớn của khu vực vào cuối năm - SEA Games 33. So với nhiều môn thể thao khác, Bắn súng hiện là đội tuyển có lực lượng vận động viên được gọi triệu tập khá đông. Hàng năm, Bắn súng có khoảng gần 20 vận động viên đỉnh cao được lựa chọn tập trung đầu tư cho các đấu trường lớn từ cấp khu vực, châu lục và thế giới. 

a-3-1745911234.jpg
Vận động viên Trịnh Thu Vinh (bên trái) giành Huy chương vàng tại giải bBắn súng vô địch châu Á 2024

Trong bài tham luận tại Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 do Cục Thể dục thể thao Việt Nam tổ chức, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam đã chỉ rõ mục tiêu tại ASIAD 2026 và Olympic 2028, tiến tới là ASIAD 2030, 2034 và Olympic 2032 là phải có huy chương. Đây chính là thách thức rất lớn đặt ra cho các nhà quản lý, huấn luyện viên, vận động viên bắn súng Việt Nam trong thời gian tới...

Về chuyên môn, cần thuê chuyên gia có trình độ cao cho môn bắn súng trường, súng ngắn bắn đạn nổ và súng bắn đĩa bay của đội tuyển quốc gia; nghiên cứu thuê chuyên gia theo từng giai đoạn, từng thời điểm khi cần tập trung cao điểm cho ASIAD, Olympic.

Về công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên, cần xây dựng hệ thống đồng bộ từ cấp cơ sở đến cấp quốc gia; phát hiện, tuyển chọn nguồn vận động viên từ phong trào, cộng đồng, học sinh, sinh viên.

Bắn súng hiện là một trong số những môn thể thao thế mạnh của Việt Nam khi đã gặt hái được nhiều thành tích rất đáng ghi nhận. Thế nhưng, làm thế nào để vươn tầm, giúp thành tích của vận động viên bắn súng tiệm cận với các đối thủ ở 2 đấu trường lớn hiện nay là ASIAD và Olympic thì còn rất nhiều việc phải làm...

a-0-1745911234.jpg
Bắn súng Việt Nam nhận chỉ tiêu giành huy chương vàng tại ASIAD 2026, ASIAD 2030, 2034; huy chương bạc tại Olympic 2032

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trong dịp tới thăm, kiểm tra các đội tuyển tập luyện tại Trung tâm Đào tạo Vận động viên Cấp cao Quốc gia đã đề cập và chỉ đạo hàng loạt vấn đề liên quan. Trong đó, ông chỉ rõ việc cần thiết phải thuê thêm chuyên gia nước ngoài để tăng cường huấn luyện cho vận động viên ở các nội dung thế mạnh. Bắn súng cũng không nằm ngoài định hướng đó. 

Ông Hoàng Quốc Vinh - Trưởng phòng Thể thao thành tích cao (Cục Thể dục thể thao Việt Nam) - cho biết: "Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Cục Thể dục thể thao Việt Nam, hiện bộ môn Bắn súng đang rất tích cực tìm kiếm và mời chuyên gia nước ngoài giỏi nhằm giúp nâng cao hơn nữa thành tích của Bắn súng Việt Nam trong thời gian tới"

Giải pháp là khá đầy đủ, toàn diện, nhưng sẽ còn rất nhiều việc phải làm để hiện thực hóa các giải pháp này nếu Bắn súng muốn vươn xa hơn về thành tích tại đấu trường ASIAD cũng như Olympic trong tương lai. Hy vọng, với sự đồng hành của các cấp, các ngành, cùng những nỗ lực từ bộ môn, Liên đoàn cho tới đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên chuyên gia, chúng ta có quyền chờ đợi vào những thành tích mới của Bắn súng nước nhà. 

Mỹ Hạnh