Sắc màu vùng cao chào đón du khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tại 'Ngôi nhà chung'

Chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và Ngày Quốc tế lao động 1/5, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam giới thiệu không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, tạo không khí chợ vùng cao ấn tượng cho du khách thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian của các cộng đồng dân tộc Dao, Mông, Thái, Tày, Nùng...

Không gian chợ vùng cao tại Làng là các gian hàng với các sản phẩm nông - lâm nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, các món ăn ẩm thực đặc trưng của Mộc Châu, Sơn La; đặc biệt là không gian điểm nhấn múa khèn bên chảo thắng cố do chính những chủ thể văn hóa - đồng bào dân tộc Mông tỉnh Sơn La trình diễn với chủ đề “Sơn La hãy đến và cảm nhận”.

Đến “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc trong dịp này, du khách không chỉ được trải nghiệm không gian chợ mang đậm sắc màu văn hóa của vùng cao phía Bắc, nơi mua bán, trao đổi hàng hoá và là nơi gặp gỡ giao lưu, sinh hoạt văn hoá với bức tranh đa dạng, phong phú, sinh động về sản vật văn hoá dân tộc; tái hiện không gian trao đổi mua bán, chế biến các món ăn truyền thống, uống rượu ngô, ăn thắng cố, mèn mén chúc tụng chia vui và các trò chơi dân gian do đồng bào các dân tộc giao lưu với du khách như giã bánh dày, đánh quay (tu lu), leo cột, đẩy gậy... mang đậm nét truyền thống của các dân tộc.

5q9a5732-1650944390.jpg

Du khách giao lưu với bà con dân tộc Thái tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Chương trình dân ca dân vũ “Sắc màu chợ phiên” sẽ là phần trình diễn dân ca dân vũ, giao lưu văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền.

Đáng chú ý là phần tái hiện các lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Đầu tiên là phần nghệ thuật trình diễn dân gian của người Mông gắn liền với chiếc khèn. Tiếng khèn dường như đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình.

Giới thiệu nét đẹp văn hoá qua nghề thủ công truyền thống của các nghệ nhân đồng bào tỉnh Sơn La qua chiếc khăn piêu. Khăn piêu là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, sản phẩm văn hóa và tinh thần in đậm bản sắc dân tộc do bàn tay khéo léo của người con gái Thái tạo nên. Piêu góp phần tạo nên sắc thái riêng, hấp dẫn về trang phục truyền thống của dân tộc Thái. Tại đây, du khách trải nghiệm nghệ thuật thêu khăn piêu, cách đội khăn piêu của các cô gái Thái tỉnh Sơn La.

5q9a5733-1650944390.jpg

Du khách múa sạp cùng đồng bào dân tộc Thái huyện Như Thanh (Thanh Hoá).

Hòa cùng dòng chảy văn hóa các dân tộc, đồng bào dân tộc Dao Tiền trên địa bàn tỉnh luôn giữ gìn những giá trị truyền thống riêng, với những nghi lễ, phong tục đậm bản sắc. Lễ Tết nhảy là lễ hội lớn nhất của các dòng họ dân tộc Dao, là nghi thức truyền thống, hội tụ những giá trị nhân văn trong đời sống cộng đồng dân tộc Dao Tiền.

Đồng bào dân tộc Thái sẽ tái hiện Lễ hội cầu mưa vào ngày 2/5. Người Thái ở vùng Tây Bắc quan niệm rằng, Thần linh cai quản mưa gió. Vì vậy, dân bản phải làm lễ để mời các thần linh về nghe nguyện vọng của con người cho mưa xuống để bà con có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Lễ hội Cầu mưa của người Thái không những gửi thông điệp mong muốn mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no của người nông dân, mà còn thể hiện tôn trọng thiên nhiên, môi trường cũng chính là tôn trọng cuộc sống và đem lại những điều tốt đẹp.

Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 13 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Phú Lê