Quảng Nam triển khai chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm từ tháng 3/2024

UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch về việc tổ chức chương trình kích cầu thu hút khách du lịch đến Quảng Nam trong năm 2024 nhầm thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế đến Quảng Nam, thúc đẩy hoạt động kinh doanh du lịch, hướng đến phát triển du lịch xanh, hiệu quả, bền vững.

hoi-an-1707187257.jpg
Bình yên phố cổ Hội An. Ảnh: st

Mục đích Kế hoạch nhằm thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế đến Quảng Nam, thúc đẩy hoạt động kinh doanh du lịch, góp phần đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2024 và hướng đến phát triển du lịch xanh, hiệu quả, bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, khẳng định du lịch Quảng Nam là điểm đến thân thiện, mến khách; đồng thời, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ du lịch đặc sắc để thu hút khách, thông qua đó quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và khai thác hiệu quả các thị trường khách đến Quảng Nam. Đặc biệt là xây dựng các gói sản phẩm du lịch với giá ưu đãi, có chất lượng để thu hút khách du lịch, đặc biệt vào các tháng thấp điểm.

Kế hoạch yêu cầu huy động các nguồn lực, sự tham gia hưởng ứng của doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các tổ chức, cá nhân liên quan nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc và các gói sản phẩm kích cầu du lịch độc đáo, chất lượng thu hút khách. Các doanh nghiệp tham gia Chương trình kích cầu cam kết niêm yết giá và công khai giá, thông tin kích cầu; bán đúng giá và cung cấp đúng sản phẩm, dịch vụ, đảm bảo chất lượng phục vụ khách; đồng thời cùng phối hợp thực hiện truyền thông Chương trình. Các sản phẩm/dịch vụ tham gia chương trình kích cầu thu hút khách du lịch cần đạt yêu cầu về sự hấp dẫn, chất lượng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả truyền thông; công tác truyền thông, quảng bá chương trình kích cầu du lịch phải được triển 2 khai thường xuyên, rộng khắp bằng nhiều hình thức.

Thành phần tham gia hoạt động kích cầu bao gồm tất cả các khu điểm du lịch, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn từ cơ sở lưu trú, lữ hành, vận chuyển, ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí trong tỉnh, các hãng hàng không và người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội.

Chương trình kích cầu sẽ hướng tới thị trường khách quốc tế trọng điểm như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á và Ấn Độ.

den-long-1707187288.jpg
Đèn lồng lung linh rực rỡ phố cổ Hội An.

Thị trường nội địa, bên cạnh khách nội tỉnh, ngành Du lịch Quảng Nam tập trung các thị trường gần như: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình..., các thị trường phía Bắc (Thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hải Dương), miền Trung (Nghệ An, Thanh Hóa), Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng), miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ)…

Theo nội dung Kế hoạch, Quảng Nam sẽ tập trung vào các sản phẩm nghỉ dưỡng biển cao cấp, MICE, golf. Bên cạnh đó là các sản phẩm/tour du lịch xanh Quảng Nam và các sản phẩm trải nghiệm về với thiên nhiên, núi rừng, biển đảo và các sản phẩm dịch vụ đa dạng khác.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch sẽ tập trung khai thác các địa chỉ du lịch đã được khẳng định tên tuổi như: phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm, làng rau Trà Quế, rừng dừa Bảy Mẫu. Các sản phẩm vui chơi giải trí, như: Show diễn Ký ức Hội An, Vinwonder Nam Hội An, Casino Hoiana, À ố show (Hội An Lune Center), Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh, Cổng trời Đông Giang. Các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở miền núi và đồng bằng; các sản phẩm về ẩm thực Quảng Nam, du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP; xây dựng các gói dịch vụ và trải nghiệm; gói Free and Easy: tour trải nghiệm các dịch vụ khuyến mãi trọn gói bao gồm: vé máy bay, khách sạn từ 3 - 5 sao, tham quan, vui chơi giải trí…

Về truyền thông, quảng bá, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung truyền thông trên các kênh trực tuyến như hệ thống phần mềm du lịch thông minh tỉnh Quảng Nam quangnamtourism.com.vn; trang du lịch Quảng Nam: visitquangnam.com, các nền tảng mạng xã hội du lịch Quảng Nam (Facebook, Instagram, Tiktok, Zalo, Youtube), các trang mạng du lịch có lượt tương tác cao; Truyền thông trên website, các trang mạng xã hội của Hiệp hội Du lịch, các kênh truyền thông của các tập đoàn lớn, doanh nghiệp du lịch và các hãng hàng không.

cu-lao-cham-1707187422.jpg
 

UBND tỉnh cũng sẽ phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam quảng bá, truyền thông Chương trình trên hệ thống Cổng thông tin điện tử do Cục quản lý và trong các chương trình xúc tiến du lịch do Cục thực hiện. Kết hợp với các hoạt động truyền thông trên báo, đài và một số hình thức truyền thông khác trên các màn hình LED, sân bay Chu Lai, sân bay Đà Nẵng, tại các sự kiện giới thiệu, quảng bá du lịch trong và ngoài nước…

UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp du lịch niêm yết giá và công khai giá, bán đúng giá và cung cấp đúng sản phẩm, dịch vụ, đảm bảo chất lượng phục vụ khách, đảm bảo an ninh an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, yêu cầu các sản phẩm, dịch vụ tham gia chương trình kích cầu phải đạt yêu cầu về sự hấp dẫn và chất lượng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả truyền thông; công tác truyền thông, quảng bá chương trình kích cầu du lịch phải được triển khai thường xuyên, rộng khắp bằng nhiều hình thức.

T.H