Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chuyển đổi số phải đồng bộ, trước hết từ các bộ, ngành

Quá trình chuyển đổi số mang lại những lợi ích to lớn với ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo, kết nối vạn vật, blockchain… và hình thành hệ sinh thái số. Tuy nhiên, chuyển đổi số phải đồng bộ, trước hết từ các bộ, ngành, không thể “1 bộ, ngành đi mà 4 - 5 bộ khác đứng yên”.

Trên đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tại cuộc họp giao ban với các bộ, ngành về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), diễn ra chiều 14/6, tại Trụ sở Chính phủ.

1401-1686831427.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN

Cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo

Nhấn mạnh những kết quả ban đầu đã đạt được trong chuyển đổi số, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia trụ cột) đã hoàn thành, kịp thời cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp, làm cơ sở để phát triển các ứng dụng số khác phục vụ công tác quản lý, giao tiếp giữa người dân và nhà nước.

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Phó Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành đặt ra mục tiêu, tiến độ cụ thể trong thực hiện chuyển đổi số, nhất là liên quan đến 25 dịch vụ công thiết yếu của người dân. Các bộ, ngành làm rõ khó khăn liên quan đến hành lang pháp lý; hạ tầng công nghệ, đường truyền; công tác đào tạo, tập huấn nhân lực vận hành hệ thống chuyển từ môi trường cung cấp dịch vụ công trực tiếp sang trực tuyến.

“Trung ương phải sẵn sàng mới triển khai thông suốt xuống địa phương. Các bộ, ngành bám sát các nhóm vấn đề, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai 'trước một bước' để thúc đẩy các địa phương thực hiện”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Cùng với việc rà soát cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý dân cư theo Đề án 06, các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, làm giàu dữ liệu và các tiện ích phục vụ người dân; tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa, số hóa quy trình, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử một cách thực chất.

Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến phải thực hiện nghiêm, không để tình trạng chậm, đọng giải quyết hồ sơ; chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo, trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa và hoàn thành trong tháng 6 này; đẩy nhanh việc thực hiện chữ ký số trên thiết bị di động; nghiên cứu, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Các bộ, ngành kiểm tra, đôn đốc địa phương trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính liên thông, nhất là các hồ sơ quá hạn; thường xuyên đánh giá toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đối với 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông gồm: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành sớm hoàn thiện phần mềm nghiệp vụ chuyên ngành để bảo đảm kết nối thông suốt với phần mềm dịch vụ công liên thông; hoàn thiện các tài liệu hướng dẫn; tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho các địa phương.

Đa dạng hóa tiện ích trên ứng dụng VNeID

1402-1686831426.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN

Giao nhiệm vụ cụ thể cho một số bộ, ngành, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong tích hợp, xác thực, hiển thị thông tin cá nhân trên ứng dụng VNeID, dần thay thế việc cung cấp giấy tờ cá nhân trong thực hiện giao dịch, thủ tục hành chính; tiếp tục hoàn thiện ứng dụng VNeID, đa dạng hóa các tiện ích và truyền thông để người dân tham gia sử dụng.

Cùng với việc đánh giá khi triển khai phần mềm dịch vụ công liên thông, các bộ, ngành khắc phục tồn tại, bảo đảm kết nối thông suốt, đồng bộ trạng thái hồ sơ với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính địa phương. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các bộ, cơ quan rà soát, xác định những văn bản quy phạm pháp luật cần điều chỉnh ngay sau khi Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) ban hành.

Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cập nhật, ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Bên cạnh đó là đánh giá, công bố chất lượng các nền tảng, hệ thống thông tin, phần mềm, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương và định mức, đơn giá, chi phí xây dựng những hệ thống nêu trên để các bộ, ngành, địa phương tham khảo, lựa chọn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi Nghị định 73/2019/NĐ-CP về quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng về định mức, đơn giá, trình tự thủ tục, cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số; nghiên cứu phương án thu phí, giá các dịch vụ cung cấp cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch và phối hợp với Bộ Công an triển khai các giải pháp về đồng bộ dữ liệu thuế, sử dụng căn cước công dân, định danh điện tử là mã số thuế và định danh trong các giao dịch điện tử để nâng cao hiệu quả thu thuế. Phấn đấu 100% cơ sở kinh doanh kết nối hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền vào hệ thống dữ liệu của cơ quan thuế, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như: Kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí, siêu thị…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành cơ chế, chính sách đầu tư chuyển đổi số vào hạ tầng, đường truyền, thiết bị, phần mềm và con người; nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sửa đổi các quy định về đấu thầu để lựa chọn nhà thầu đối với các sản phẩm công nghệ thông tin có tính chất đặc thù.

Bộ Công Thương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động thương mại điện tử theo hướng tích hợp, ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip, ứng dụng tài khoản định danh điện tử, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... từ đó, thúc đẩy thương mại điện tử, quản lý thuế.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Đề án 06 như cập nhật dữ liệu nhóm thông tin cơ bản về y tế vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm phục vụ triển khai sổ sức khỏe điện tử; nắm thông tin, tình hình lao động thất nghiệp, đối tượng chính sách để có phương án hỗ trợ kịp thời…

Các dịch vụ công thiết yếu có tỷ lệ trực tuyến cao

1403-1686831426.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN

Báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06 của các bộ, ngành từ tháng 12/2022 đến 5/6/2023, đại diện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, cho biết, cùng với xây dựng và hoàn thiện thể chế, tính đến ngày 31/5/2023, có 206,4 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó, có 13,7 triệu hồ sơ trực tuyến. Gần 776,9 nghìn tài khoản định danh điện tử đăng nhập trên Cổng dịch vụ công quốc gia với khoảng 2,57 triệu lượt đăng nhập. Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử, một số dịch vụ công tỷ lệ trực tuyến cao.

Từ ngày 4/5/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành cho thí sinh toàn quốc đăng ký dự thi chính thức tại phần mềm Quản lý thi tốt nghiệp. Đến 13/5/2023, trên 1,025 triệu thí sinh đăng ký dự thi thành công, trong đó thí sinh đặt ký trực tuyến đạt 94,5%.

Đáng chú ý, hai dịch vụ công liên thông (đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí) thí điểm thực hiện tại Hà Nội và Hà Nam có kết quả khả quan, cơ bản đáp ứng yêu cầu liên thông thủ tục hành chính và sự ủng hộ của người dân. Việc sử dụng bản điện tử giấy khai sinh, trích lục khai tử phục vụ liên thông thủ tục hành chính đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm bớt công việc, tác nghiệp của các bộ cơ sở khi thực hiện liên thông thủ tục hành chính…

Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp, hoàn thành xác thực hơn 25/51 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó khoảng 83% triệu thông tin khách hàng trùng khớp.

Bộ Tài chính đã nghiên cứu giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống, chống thất thu thuế, thất thu ngân sách triển khai giai đoạn 2. Bộ Giao thông vận tải triển khai thí điểm toàn trình xác thực sinh trắc học khi công dân đi tàu bay tại một số cảng hàng không quốc tế; triển khai thí điểm sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2 đối với hành khách bay nội địa. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bắt đầu thực hiện chi trả an sinh xã hội dưới hình thức không dùng tiền mặt…

Đến nay, Bộ Công an đã thu nhận 37,1 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, có 16,5 triệu tài khoản kích hoạt; đã cấp trên 80,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử cho công dân. 30 địa phương cơ bản hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn...

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành thảo luận, đề xuất ý kiến để giải quyết các điểm nghẽn về pháp lý, dịch vụ công, hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn lực về tài chính và nhân lực triển khai thực hiện Đề án 06. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề xuất việc rà soát, báo cáo tiến độ các nhiệm vụ theo lộ trình Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cập nhật dữ liệu nhóm thông tin cơ bản về y tế vào Cơ sở dữ liệu quốc gia; tổ chức thống kê, cập nhật thông tin, dữ liệu về nguồn lực y tế…

TTXVN