Phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số

Việc phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số là một trong những vấn đề mang ý nghĩa chiến lược quốc gia trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nhân tố quyết định của sự thành công và phát triển bền vững đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

thu-vien-van-hoa-thieu-nhi-viet-nam-1734943406.jpg
Thư viện văn hóa thiếu nhi Việt Nam tại Thư viện Quốc gia Việt Nam đã đáp ứng được sự thay đổi của xã hội, nhu cầu thông tin, văn hoá và giải trí của thiếu nhi Việt Nam. 

Theo Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cũng như nhiều lĩnh vực khác, quá trình chuyển đổi số đã mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho lĩnh vực thư viện. Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, 

Hiện nay, quá trình chuyển đổi số đã và đang tác động đến mọi ngành, lĩnh vực trong xã hội, trong đó có hoạt động thư viện. Cũng như nhiều lĩnh vực khác, quá trình chuyển đổi số đã mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho lĩnh vực thư viện. Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã xuất hiện những nguồn tài nguyên thông tin mới, nguồn thông tin dạng số - loại nguồn tin có rất nhiều ưu thế với khả năng chia sẻ, lưu giữ, trao đổi thông tin đã thu hút số lượng lớn người sử dụng và đang làm thay đổi thói quen đọc, hình thành thói quen mới cho người đọc hiện đại. 

Bên cạnh đó, nhu cầu thông tin của người sử dụng đang ngày càng tăng cao, số lượng người cần cung cấp thông tin ngày càng lớn. Tất cả đang đặt ra yêu cầu thư viện phải từng bước tham gia, triển khai các hoạt động phù hợp, phát triển thư viện số, tài nguyên thông tin số, đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng.

Lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trong chuyển đổi số 

Trong bối cảnh chuyển đổi số, các thư viện Việt Nam hiện nay đang phát triển chuyển dần từ mô hình thư viện truyền thống sang xây dựng thư viện truyền thống kết hợp phát triển thư viện hiện đại, thư viện điện tử/ thư viện số. Hoạt động của hệ thống thư viện công cộng đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng để bảo đảm nhu cầu tiếp cận thông tin, tri thức, phát triển văn hóa đọc, phục vụ học tập suốt đời của người dân. Hàng loạt các dự án, chương trình, kế hoạch cụ thể của các địa phương đã được ban hành nhằm từng bước hoàn thiện việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động thư viện. 

thu-vien-so-1734943594.webp
Thư viện số là một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy văn hoá đọc. Ảnh: Intetnet

Theo báo cáo kết quả công tác năm 2024 của hệ thống thư viện công cộng, các thư viện đã luôn xác định xây dựng tài nguyên thông tin là một trong những nhiệm vụ trọng tâm quyết định chất lượng hoạt động của thư viện. Năm 2024, tổng số tài nguyên thông tin của Thư viện Quốc gia Việt Nam nhận được qua nguồn lưu chiểu và bổ sung là 93.847 bản; của hệ thống thư viện công cộng (gồm thư viện công cộng cấp tỉnh và cấp huyện) là 670.712 bản. 

Công tác phục vụ người sử dụng thư viện đã có sự đổi mới với nhiều hình thức phục vụ sáng tạo, hiệu quả. Bên cạnh duy trì phục vụ dịch vụ thư viện truyền thống như đọc, mượn trả tài liệu, tư vấn thông tin tại chỗ, các thư viện đã tăng cường phục vụ lưu động và phục vụ trực tuyến, truy cập từ xa nguồn tài liệu số hóa, cơ sở dữ liệu, sách, tạp chí điện tử phục vụ tài nguyên thông tin qua mạng Internet, cụ thể: 

Công tác cấp thẻ cho người sử dụng thư viện: Thư viện Quốc gia Việt Nam cấp 9.717 thẻ; hệ thống thư viện công cộng (cấp tỉnh và cấp huyện) cấp 603.085 thẻ (tăng 15% so với năm 2023). 

Lượt tài nguyên thông tin được phục vụ tại trụ sở thư viện, luân chuyển, lưu động, phục vụ truy cập trực tuyến, từ xa qua mạng Internet đạt kết quả: Thư viện Quốc gia Việt Nam phục vụ 537.090 lượt tài nguyên thông tin; hệ thống thư viện công cộng (cấp tỉnh và cấp huyện) phục vụ 108.800.019 lượt tài nguyên thông tin (tăng 10,9 so với năm 2023). 

Lượt người sử dụng thư viện được phục vụ thông qua các hình thức (tại chỗ, luân chuyển, lưu động, phục vụ truy cập trực tuyến, từ xa qua mạng Internet...) tiếp tục được các thư viện triển khai hiệu quả: Thư viện Quốc gia Việt Nam phục vụ 2.757.642 lượt người sử dụng; thư viện công cộng (cấp tỉnh và cấp huyện) phục vụ 89.022.292 lượt người sử dụng (tăng 15,1% so với năm 2023). Các địa phương đã có nhiều cách làm hay, đổi mới hoạt động thư viện, có thành tích phục vụ hiệu quả phải kể đến như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ... 

Công tác thông tin, tuyên truyền và tổ chức các sự kiện, dịch vụ thư viện tiếp tục được chú trọng tổ chức với hàng nghìn sự kiện văn hóa, phát triển văn hóa đọc và phục vụ học tập suốt đời thông qua các hoạt động như: trưng bày, triển lãm, hội báo xuân, cuộc thi, hội thi, liên hoan, các hoạt động hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Ngày Sách và Bản quyền thế giới, Tuần lễ học tập suốt đời... 

Tiếp tục duy trì và phát triển các hoạt động với nhiều chủ đề phong phú, hình thức sinh hoạt đa dạng dành cho mọi đối tượng người sử dụng thư viện như: ứng dụng STEM, trải nghiệm sáng tạo cùng AI, Nét vẽ xanh, hè vui cùng thư viện, vui hội trăng rằm, phim hoạt hình với trẻ thơ, đọc sách cùng bé và trò chơi tương tác... 

Các địa phương đã có nhiều sáng tạo, đổi mới hình thức phục vụ, tăng cường các hoạt động trải nghiệm thu hút bạn đọc như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Kiên Giang... 

Bên cạnh những hoạt động đẩy mạnh phong trào đọc, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, một số khó khăn, thách thức của hệ thống thư viện công cộng được chỉ ra như sau: Nhiều thư viện công cộng còn chưa có trụ sở riêng, không ít thư viện chỉ có trụ sở nhỏ, hẹp, cơ sở vật chất đã xuống cấp, hệ thống máy tính và các trang thiết bị chưa được trang bị đầy đủ, không được thay thế, nâng cấp thường xuyên. Hiệu quả phục vụ của các thư viện cấp xã, tủ sách, phòng đọc cơ sở còn chưa cao do điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo, nguồn tài nguyên thông tin nghèo nàn, vị trí không phù hợp, địa điểm đặt thư viện, tủ sách chưa dễ tiếp cận, do vậy việc duy trì và phát triển còn gặp nhiều khó khăn. 

Kinh phí cấp cho các hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu của phát triển thư viện. Tại một số địa phương, việc giao kinh phí và các thủ tục đấu thầu sách còn chậm, ảnh hưởng đến công tác bổ sung tài nguyên thông tin, xử lý và phục vụ tài liệu của thư viện, nhất là việc phát triển kho sách luân chuyển còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu luân chuyển tài liệu, phục vụ lưu động cho người dân ở cơ sở. 

Nhận thức về vai trò của thư viện đối với việc xây dựng môi trường văn hóa, thúc đẩy học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc tại một số địa phương còn hạn chế, nên chưa được quan tâm đúng mức cho đầu tư phát triển hoạt động thư viện. 

Giải pháp phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số 

Để văn hóa đọc thực sự phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số, tạo được sự lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng, Vụ Thư viện cho rằng cần quan tâm một số giải pháp như sau: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, các chính sách cho hoạt động thư viện phát triển, tạo môi trường pháp lý mạnh mẽ, thuận lợi cho tổ chức các hoạt động thư viện gắn liền với việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng, phát triển tài nguyên thông tin số, triển khai các sản phẩm dịch vụ mới trong thư viện, đáp ứng nhu cầu đọc của người sử dụng hiện đại. 

Tập trung hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng cấp tỉnh, thư viện có vai trò quan trọng. Định hướng phát triển Thư viện Quốc gia Việt Nam trở thành Thư viện số quốc gia là đầu mối tích hợp, chia sẻ dữ liệu số mang tính tập trung với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế; các thư viện công cộng cấp tỉnh, thư viện có vai trò quan trọng có khả năng kết nối, tích hợp, liên thông dữ liệu với Thư viện Quốc gia bảo đảm cung ứng nguồn tài nguyên thông tin, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. 

Xây dựng môi trường đọc thân thiện, bố trí thư viện có trụ sở riêng, các phòng phục vụ có không gian rộng; tổ chức không gian thư viện theo hướng mở, thiết kế tiện nghi, hiện đại ấn tượng, đa chức năng, đa dịch vụ và trải nghiệm, kết hợp nhiều dịch vụ hướng đến cộng đồng, hỗ trợ được chiến lược học tập của từng cá nhân và tập thể, có sự tương tác giữa các dịch vụ truyền thống và kỹ thuật số với người sử dụng, cũng như giữa nhân viên thư viện và người sử dụng, tạo sự thân thiện, thuận lợi cho người sử dụng đến thư viện để nghiên cứu, học tập, giải trí. 

Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phục vụ, hỗ trợ người sử dụng khai thác tài nguyên thông tin một cách hiệu quả; cần phát triển đa dạng phương thức phục vụ, mở rộng nhiều hoạt động phục vụ ngoài thư viện tới các trường học, các khu dân cư, các địa điểm công cộng vùng sâu vùng xa, bệnh viện, khách sạn, trại giam; tăng cường các dịch thông tin trực tuyến, truy cập từ xa nguồn tài liệu số hóa, cơ sở dữ liệu, sách, tạp chí điện tử, hỗ trợ người sử dụng có thể tiếp cận thông tin và các dịch vụ thư viện bất kể lúc nào, ở đâu, không phụ thuộc vào các yếu tố thời gian, không gian và địa điểm. 

Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao về nghiệp vụ thư viện, công nghệ thông tin, đa ngành, đa lĩnh vực, trở thành các “thủ thư số”, “thủ thư đa năng” có kỹ năng phục vụ nhu cầu đọc, kỹ năng số, kỹ năng tổ chức dữ liệu và triển khai dịch vụ số, kỹ năng quản lý hoạt động trong môi trường công nghệ hiện đại, kỹ năng mềm…; tăng cường vai trò của nhân viên thư viện trong chuỗi giá trị nghiên cứu, triển khai, ứng dụng, làm chủ công nghệ mới áp dụng hiệu quả vào hoạt động thư viện. 

lan-toa-sach-1734943734.jpg
Lan tỏa văn hóa đọc tới mỗi người, mỗi nhà. Ảnh: st

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tạo nhận thức đúng về vai trò của sách và việc đọc sách trong cộng đồng xã hội, quảng bá văn hoá đọc thông qua việc tổ chức phục vụ cộng đồng, tổ chức ngày hội sách, trưng bày triển lãm, giới thiệu tư liệu, giao lưu văn hóa, các cuộc thi, hội thi, trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc hàng năm. 

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động sự ủng hộ của xã hội để gia tăng nguồn tài nguyên thông tin, tạo môi trường đọc thuận lợi, phục vụ, hỗ trợ học tập suốt đời, thúc đẩy phong trào đọc trong nhân dân… Khuyến khích, kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia phát triển văn hóa đọc. 

Văn hóa đọc là một trong những thành tố cấu thành văn hóa, giáo dục. Phát triển văn hóa đọc gắn với phát triển con người, với sức mạnh nội sinh (sức mạnh mềm) của mỗi quốc gia. Việc phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số là một trong những vấn đề mang ý nghĩa chiến lược quốc gia trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nhân tố quyết định của sự thành công và phát triển bền vững đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Vụ Thư viện cho biết, hệ thống thư viện Việt Nam hiện nay bao gồm mạng lưới thư viện rộng khắp cả nước, đa dạng từ trung ương đến cơ sở, gồm 01 Thư viện Quốc gia Việt Nam; hệ thống thư viện công cộng có: 63 thư viện cấp tỉnh, 641 thư viện cấp huyện, 4.184 thư viện cấp xã và hàng nghìn phòng đọc, tủ sách, không gian đọc tại cơ sở, gần 400 thư viện đại học và tương đương; khoảng 27.000 thư viện trường học, gần 100 thư viện thuộc các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu khoa học; gần 2.700 thư viện, phòng đọc, tủ sách của lực lượng công an nhân dân và 490 thư viện và 2.668 tủ sách phòng đọc sách Hồ Chí Minh trong hệ thống thư viện quân đội, 115 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng.

TH