Năm 2024, các đội tuyển thể thao thành tích cao của tỉnh Yên Bái đã tham gia thi đấu 22 giải thể thao toàn quốc giành 72 huy chương các loại, trong đó có 17 huy chương vàng, 14 huy chương bạc và 41 huy chương đồng ở các đấu trường: Giải vô địch Đá cầu các câu lạc bộ toàn quốc; giải vô địch Vovinam miền Bắc; giải vô địch các đội mạnh Vovinam toàn quốc; giải vô địch Cầu mây quốc gia; giải Đua thuyền Rowing và Canoeing vô địch các tay chèo xuất sắc quốc gia; giải vô địch Bóng rổ trẻ 3X3 U20 quốc gia…

Đặc biệt năm qua, Yên Bái có 9 vận động viên tham gia đội tuyển trẻ và tuyển quốc gia ở các môn: Cầu mây, Điền kinh, Đá cầu, Đua thuyền; tham gia 5 giải đấu quốc tế gồm: Giải vô địch Đá cầu châu Á; giải vô địch Đá cầu thế giới; giải Đua thuyền Rowing và Canoeing vô địch Đông Nam Á; giải vô địch Cầu mây bãi biển châu Á; giải Cầu mây Sepaktakraw Trung Quốc mở rộng. Qua đó, các vận động viên Yên Bái cùng với đội tuyển quốc gia giành 13 huy chương các loại, trong đó có 8 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 3 huy chương đồng.
Về đội ngũ huấn luyện viên, toàn tỉnh hiện có khoảng 25 huấn luyện viên chuyên trách và kiêm nhiệm cho các đội tuyển thể thao thành tích cao. Tuy nhiên, số lượng huấn luyện viên có trình độ cao, được đào tạo bài bản ở các trung tâm huấn luyện lớn còn hạn chế, chiếm khoảng 15% tổng số huấn luyện viên. Quan trọng hơn, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho thể thao thành tích cao còn thiếu thốn và chưa đồng bộ. Nhiều địa điểm tập luyện đã xuống cấp, thiếu trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là ở các môn thể thao đòi hỏi kỹ thuật cao. Theo khảo sát năm 2024, chỉ có khoảng 40% các cơ sở tập luyện thể thao thành tích cao đáp ứng được tiêu chuẩn tối thiểu.
Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cho thể thao thành tích cao còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước. Mức đầu tư trung bình hằng năm cho thể thao thành tích cao, giai đoạn 2020-2024 ước tính khoảng 5 tỷ đồng, một con số khá khiêm tốn so với các tỉnh, thành có nền thể thao phát triển. Việc xã hội hóa thể thao, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến chế độ dinh dưỡng và điều kiện tập luyện chưa thực sự hấp dẫn, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để vận động viên và huấn luyện viên cống hiến hết mình…
Đứng trước những khó khăn, hạn chế đó, để thể thao thành tích cao Yên Bái có thể vươn cao, phát triển bền vững hơn nữa, tìm lại thời kỳ hoàng kim khi nhiều năm liền vô địch quốc gia môn Bóng rổ nữ, thiết nghĩ, cần phải có một chiến lược toàn diện và những giải pháp cụ thể. Trước hết, cần đầu tư nâng cấp và xây mới các trung tâm huấn luyện, xây dựng mới các hạng mục còn thiếu như nhà tập đa năng, sân tập chuyên biệt cho các môn thể thao tiềm năng; xây dựng các công trình thể thao cộng đồng để tạo nguồn vận động viên tiềm năng từ cơ sở; cần tăng cường đầu tư trang thiết bị tập luyện chuyên dụng, ứng dụng khoa học - công nghệ vào quá trình huấn luyện…

Mặt khác, cần đẩy mạnh xã hội hóa thể thao, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư, tài trợ cho thể thao thành tích cao… Điểm cốt lõi trong các giải pháp, đó là cần xây dựng được hệ thống tuyển chọn huấn luyện viên, vận động viên khoa học từ việc phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục để phát hiện và tuyển chọn vận động viên năng khiếu từ các trường học; hỗ trợ thành lập và phát triển các câu lạc bộ, trung tâm năng khiếu ở các môn thể thao trọng điểm, tạo môi trường tập luyện chuyên nghiệp cho vận động viên trẻ; tăng cường đào tạo đội ngũ huấn luyện viên, gửi vận động viên đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn tại các trung tâm huấn luyện uy tín; mời các chuyên gia, huấn luyện viên giỏi về tỉnh để hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm…
Để đạt được mục tiêu này, rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.