Phát triển Công nghiệp Văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Phương hướng chung phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam đến năm 2030 là phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của Việt Nam; Phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.

cong-nghiep-van-hoa-1703218286.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phương hướng cụ thể đến năm 2030 đối với từng lĩnh vực như sau:

Điện ảnh: Từng bước phấn đấu xây dựng ngành Điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo vị thế trên trường quốc tế theo hướng tập trung sản xuất phim gắn với văn hóa Việt và đáp ứng yêu cầu thị trường. Tập trung triển khai một số sản phẩm, loại hình điện ảnh như phim nhựa, phim ngắn,… Phát triển các dịch vụ tiền kỳ, hậu kỳ dựa trên ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu và tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ điện ảnh của thế giới. Thu hút các đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam; hợp tác đầu tư sản xuất phim tại Việt Nam nhằm thúc đẩy nền công nghiệp điện ảnh phát triển. 

Nghệ thuật biểu diễn: Tập trung triển khai một số sản phẩm, loại hình nghệ thuật truyền thống có thế mạnh (âm nhạc, rối nước, xiếc, tạp kĩ… ) để xây dựng trở thành sản phẩm văn hóa mũi nhọn, hình thành chuỗi địa điểm thưởng thức nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn, góp phần tạo sự phong phú, đa dạng cho du lịch văn hoá. Phát triển và quảng bá các chương trình nghệ thuật biểu diễn hiện đại để tạo ra các giá trị nghệ thuật mới, các sản phẩm văn hóa có chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Khai thác loại hình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh mang đậm bản sắc văn hóa Việt, tập trung giới thiệu lịch sử, văn hoá, vùng đất, con người Việt Nam. Tạo điều kiện thuận lợi để các tỉnh, thành phố có nguồn lực, cơ sở vật chất thu hút các nhóm nhạc quốc tế đến Việt Nam thực hiện các chương trình âm nhạc, festival quốc tế thường niên. 

Du lịch văn hoá: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững, bao trùm theo hướng tăng trưởng xanh. Xây dựng sản phẩm du lịch văn hoá đặc thù dựa trên giá trị văn hoá của từng địa phương. Hình thành cầu nối để thúc đẩy, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hoá theo hướng kết nối các địa phương, vùng miền phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch văn hoá, tạo chuỗi cung ứng bền vững, tăng cường tính liên kết các chương trình du lịch. Xây dựng các mô hình du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng đảm bảo coi trọng các giá trị văn hoá truyền thống; khai thác du lịch ẩm thực hướng tới sự trải nghiệm các món ăn gắn liền với bản sắc văn hóa của địa phương. 

khong-gian-van-hoa-sang-tao-pho-di-bo-phung-hung-ha-noi-1703218399.jpg
Không gian văn hóa sáng tạo tại phố "Bích họa" Phùng Hưng - Hà Nội. Ảnh: Internet

Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm: Phát triển ngành Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm toàn diện theo hướng khuyến khích phát triển xã hội hóa hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm tại các địa phương; tạo điều kiện để người dân tham gia nhiều các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Khuyến khích sáng tạo những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng bằng chất liệu truyền thống của Việt Nam, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa mang tính độc đáo, tạo ra các sản phẩm tiêu dùng mang chất lượng cao, đáp ứng tiêu chí xuất khẩu để quảng bá giá trị văn hóa Việt ra thế giới. Liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa người thiết kế và đơn vị sản xuất, giữa vùng nguyên liệu và nhà sản xuất, giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa thị trường trong nước và quốc tế. 

Quảng cáo: Phát triển ngành Quảng cáo theo hướng toàn diện, đẩy mạnh loại hình quảng cáo điện tử, quảng cáo số, kết hợp quảng cáo ngoài trời với xây dựng diện mạo, biểu tượng văn hoá đặc trưng cho các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Phát huy thế mạnh của quảng cáo qua phương tiện phát thanh, truyền hình, trên môi trường kỹ thuật số và mạng internet để người dân được tiếp cận thông tin quảng cáo chính thống, đúng đắn, lành mạnh, có chọn lọc. 

Thủ công mỹ nghệ: Bảo tồn và phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ, làng nghề; gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam; thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao yếu tố cạnh tranh cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường; xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hướng tới quá trình sản xuất xanh, bền vững, tạo ra các sản phẩm có nguồn gốc hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên. Tăng cường sản xuất các mặt hàng quà tặng độc đáo, chứa đựng bản sắc văn hoá, mang tính tiêu biểu để xuất khẩu tại chỗ thông qua phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. 

Phần mềm và các trò chơi giải trí: Hướng đến chuyển dịch từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ gia công phần mềm sang sản xuất phần mềm thương hiệu Việt (Make in Vietnam); từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số; cung cấp nguồn nhân lực lập trình chất lượng cao cho thế giới. Với phần mềm: cần phát triển các sản phẩm có tỷ lệ nội địa hoá cao do người Việt Nam sáng tạo thích ứng với các công nghệ điện toán mới như dữ liệu lớn, dữ liệu đám mây, trí tuệ nhân tạo, vũ trụ ảo… để phục vụ cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra thế giới. Với các trò chơi giải trí: cần phát triển các sản phẩm trò chơi điện tử trên mạng (Game online- GO) dựa trên các giá trị truyền thống văn hoá, nghệ thuật, lịch sử của Việt Nam để phục vụ giới trẻ trong nước, giảm dần tỷ trọng trò chơi điện tử trên mạng nhập khẩu từ nước ngoài; phát huy thế mạnh là trung tâm sản xuất trò chơi điện tử trên mạng lớn của khu vực để có những sản phẩm xuất khẩu cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Phát triển sản xuất game trở thành ngành thiết yếu trong công nghiệp phần mềm Việt Nam. Phấn đấu Việt Nam tự chủ về nguồn lực, hình thành hệ sinh thái nền tảng số, trở thành quốc gia xuất khẩu phần mềm và trò chơi trực tuyến. 

Thiết kế: Tập trung phát triển các ngành thiết kế bao bì sản phẩm, thiết kế giao diện, thiết kế quảng cáo và truyền thông, thiết kế trang trí nội ngoại thất, thiết kế thời trang, may mặc. Kết hợp thiết kế mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật công nghiệp, thiết kế đồ hoạ vào các sản phẩm công nghiệp văn hóa; hướng đến các sản phẩm thiết kế đồ họa, thiết kế trang web, phần mềm ứng dụng, thiết kế chip, vi mạch… mang dấu ấn của người Việt và khai thác các giá trị văn hóa của Việt Nam. Các sản phẩm thiết kế nội thất đặc sắc, xanh, sạch, bền vững và tôn trọng tự nhiên, tạo ra dấu ấn riêng và thương hiệu toàn cầu cho thiết kế Việt Nam thông qua các sáng tạo dựa trên giá trị truyền thống, văn hóa, con người và đất nước Việt Nam. 

Xuất bản: Hoạt động xuất bản ưu tiên phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân. Ngành Xuất bản trở thành một ngành kinh tế, tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hoá theo hướng phát triển toàn diện và bền vững. Tạo điều kiện thuận lợi để ngành Xuất bản phát huy thế mạnh của xuất bản điện tử, khuyến khích và nâng cao văn hoá đọc trong giới trẻ. Căn cứ theo nội dung cụ thể để xây dựng quy hoạch và sắp xếp mạng lưới các nhà xuất bản theo hướng chuyên nghiệp hóa. Hoạt động phát hành cần thích ứng theo hình thức sách điện tử, sách nói trên nền tảng số hoặc qua các sàn giao dịch thương mại điện tử. 

Thời trang: Củng cố, phát triển các thương hiệu mạnh của Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường trong nước và tăng cường xuất khẩu; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thời trang nói chung, lĩnh vực dệt may, da giầy nói riêng. Phát triển ngành Dệt may và Da giầy phù hợp với Chiến lược và định hướng phát triển công nghiệp Việt Nam, phù hợp với phát triển các ngành kinh tế có liên quan, đồng thời gắn với hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đẩy mạnh chuyển đổi từ gia công sản xuất sang các hình thức quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thiết kế và xây dựng thương hiệu. 

van-hoa-1703218507.jpg

Kiến trúc: Phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống. Trên nền tảng tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống để sáng tạo phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam. Kiến trúc hiện đại phải đáp ứng các tiêu chí về việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, đề cao tiết kiệm năng lượng, có phương án phòng chống biến đổi khí hậu và thiên tai... hướng đến một sản phẩm kiến trúc độc đáo mang đậm các giá trị văn hóa truyền thống, xanh, bền vững, phát triển kiến trúc Việt Nam hội nhập tích cực với kiến trúc trong khu vực và thế giới. 

Truyền hình và phát thanh: Trở thành ngành Công nghiệp Văn hoá mũi nhọn theo hướng nâng cao chất lượng nội dung trên các kênh truyền hình và phát thanh truyền thống, đồng thời sử dụng hiệu quả hạ tầng số. Đổi mới quy trình quản lý nội dung, quản lý dữ liệu và phối hợp trong sản xuất chương trình theo xu hướng phát 16 triển truyền hình hiện đại, sử dụng nền tảng công nghệ ứng dụng internet (truyền hình OTT). Phát triển phát thanh số theo hướng cung cấp các dịch vụ gia tăng như văn bản, dữ liệu, tín hiệu video…; kết hợp chức năng thông tin và chức năng giải trí (âm nhạc) nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí văn hoá của nhân dân. Truyền hình và phát thanh cần đi đầu trong chuyển đổi số, sản xuất các nội dung hiện đại, hấp dẫn và phù hợp với thị hiếu của người dân; phát huy lợi thế của công nghệ truyền dẫn internet, phát triển các ứng dụng số, nền tảng số, đưa các nội dung tuyên truyền chính trị và thông tin giải trí đến người dân mọi lúc, mọi nơi theo đúng xu thế phát triển lâu dài.

P.V