Phát huy truyền thống đoàn kết, gìn giữ các giá trị lịch sử văn hóa

Tối 18/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu khai mạc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2022.

ddk-1-1668838291.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là đường lối chiến lược của Đảng, là bài học lớn của cách mạng Việt Nam góp phần tạo động lực quan trọng cho công cuộc đổi mới, mang lại những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước. Ảnh: VGP

Đây là hoạt động thường niên do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nơi hội tụ những giá trị văn hoá tiêu biểu của 54 dân tộc anh em; biểu dương các tấm gương sáng từ cộng đồng đồng bào các dân tộc trong cả nước, tôn vinh các hoạt động bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Tuần Lễ Đại đoàn kết giới thiệu về những nét đẹp văn hóa truyền thống lan tỏa những giá trị nhân văn, tinh thần tương thân, tương ái, tình yêu quê hương đất nước của người Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng xây dựng củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần giai cấp dân tộc, tôn giáo tập hợp đoàn kết với lá cờ của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam tạo nên sức mạnh vĩ đại, làm nên Cách mạng Tháng Tám lịch sử giành độc lập dân tộc và tiếp tục giành thắng lợi trong các cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, bảo vệ tổ quốc.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết, thành công, thành công đại thành công", đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là đường lối chiến lược của Đảng, là bài học lớn của cách mạng Việt Nam góp phần tạo động lực quan trọng cho công cuộc đổi mới, mang lại những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước.

Trong suốt 92 năm hình thành và phát triển, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập hợp đoàn kết ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết thống nhất góp phần hoàn thành mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử, đồng thời xác định rõ đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam.

ddk-2-1668838291.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng quà cho các nghệ nhân, đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu sinh sống tại làng. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cùng các cấp, các ngành, các tổ chức, các cơ quan đơn vị tiếp tục chung sức, đồng lòng ổn định phục hồi và phát triển sản xuất, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức xã hội, phát huy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước đi lên trên con đường hội nhập và phát triển.

Cụ thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt cuộc vận động, các phong trào thi đua, động viên đồng bào các dân tộc phát huy truyền thống đoàn kết, gìn giữ các giá trị lịch sử văn hóa đang được lưu giữ bằng trí nhớ, bằng chữ viết của các dân tộc. Các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo chỉ đạo, vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo đồng bào trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài, chia sẻ hỗ trợ giúp đỡ những người dân còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID- 19, thiên tai; đồng thời khích lệ cổ vũ tinh thần tự lực, tự cường của mọi người, của mỗi người vượt qua khó khăn, thử thách.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường chỉ đạo, tiếp tục chủ trì triển khai hiệu quả chương trình xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt là Chiến lược phát triển Văn hoá đến năm 2030 làm cho các giá trị văn hóa truyền thống thấm sâu vào đời sống xã hội trở thành sức mạnh nội sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

"Chúng ta cùng vững niềm tin, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết, với lịch sử văn hóa mấy ngàn năm của dân tộc, tình đoàn kết gắn bó keo sơn trong cộng đồng 54 dân tộc anh em sẽ tiếp tục được tăng cường góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đó chính là nền tảng tinh thần vững chắc, là sức mạnh để đưa đất nước ta đi trên con đường đổi mới hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", Phó Thủ tướng bày tỏ.

ddk-3-1668838291.jpg
Sau lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật “Khát vọng Việt Nam”. Ảnh: VGP

Ngay sau Lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật với chủ đề "Khát vọng Việt Nam" với sự tham gia của hàng trăm diễn viên, nghệ sĩ, nghệ nhân. Chương trình nhấn mạnh vào hai nội dung: Đại đoàn kết toàn dân tộc và Tôn vinh di sản văn hóa. Toàn bộ chương trình diễn ra trên sân khấu nổi, được thiết kế theo hình chiếc quạt - hình ảnh quen thuộc trong văn hóa Việt Nam, với tất cả các nan quạt chụm về một hướng tượng trưng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Trên tổng thể sân khấu lớn còn có 4 sân khấu nhỏ để 200 diễn viên chuyên nghiệp và 170 nghệ nhân tham gia đồng diễn.

Cùng với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc của các dân tộc là phần trình diễn trang phục truyền thống do chính các nghệ nhân, diễn viên đến từ các dân tộc biểu diễn.

Trong khuôn khổ Tuần lễ sẽ diễn ra các hoạt động: Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I; Hội nghị Gặp mặt nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc; Hội thảo "Giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Một số hoạt động giao lưu giữa các dân tộc như phần tái hiện Lễ kết nghĩa mẹ con của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk; nghi thức đặt tên của dân tộc Chăm; nghi lễ mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai; giới thiệu sắc màu văn hoá của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang; thiệu lễ hội cầu ngư, nghệ thuật Bài chòi - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tỉnh Phú Yên; Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc… sẽ được tổ chức để du khách có cơ hội hiểu rõ hơn về những nét độc đáo của dân tộc Việt Nam.

Nhiều tỉnh, thành phố sẽ tham gia trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa giới thiệu sản phẩm trang phục, thổ cẩm truyền thống; các hiện vật văn hóa gắn với đời sống sinh hoạt của các dân tộc thiểu số ở địa phương. Đây cũng là dịp trưng bày các sản phẩm ẩm thực truyền thống, sản vật đặc trưng; các hình ảnh, tài liệu giới thiệu về du lịch, văn hóa, lịch sử con người của địa phương. Đặc biệt, không gian chợ phiên của một địa phương miền núi phía Bắc sẽ được tái hiện tại tuần lễ nhằm đa dạng trải nghiệm cho du khách.

Đình Nam