Thời gian gần đây, việc Ban Tổ chức Thế vận hội Paris 2024 quyết định tổ chức môn Lướt sóng ở vùng biển Tahiti - Thái Bình Dương đã gây nhiều tranh cãi. Người dân Tahiti đang phản đối việc xây dựng tháp quan sát trên rạn san hô Teahupo'o vì lo ngại nó sẽ gây thiệt hại cho sinh vật biển.
Về vấn đề này, ông Georgina Grenon - Giám đốc Môi trường tại Thế vận hội Paris - cho biết: chúng tôi thực sự đã tính toán rất kỹ lưỡng. Thi đấu lướt sóng ở Tahiti sẽ ít tác động đến môi trường hơn so với các khu vực đô thị khác.
Tahiti là hòn đảo lớn nhất của Polynésie thuộc Pháp, nằm ở phía Nam Thái Bình Dương. Việc lựa chọn Tahiti trở thành nơi tổ chức môn thể thao Lướt sóng được xem là cách tiếp cận mới của Ban Tổ chức Thế vận hội Paris 2024 hướng đến mục tiêu giảm khí thải - nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.
Trong thời gian diễn ra Olympic Paris và Paralympic dành cho người khuyết tật từ ngày 26/7 đến ngày 26/11, các nhà tổ chức đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là hạn chế lượng khí thải ở mức 1,58 triệu tấn CO2.
Mục tiêu tổ chức Thế vận hội ít lãng phí hơn là chìa khóa để mang đến sức hấp dẫn của điểm đến. Paris đang hướng tới mô hình phát triển bền vững tại Thế vận hội. Thành phố này từng đăng cai tổ chức các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc năm 2015 với kết quả là sự ra đời "Thỏa thuận Paris" - hiệp định khí hậu quốc tế quan trọng nhất cho đến nay.
Các nước tham gia đã nhất trí rằng thế giới nên hạn chế nhiệt độ trung bình toàn cầu không vượt ngưỡng 1,5 độ C nhưng các nhà quan sát cho rằng mục tiêu này ngày càng khó đạt được.
Tiếp cận giảm thiểu khí thải CO2
Các chuyên gia cũng cho biết, thủ đô Paris đang nỗ lực giảm thiểu khí thải carbon hiệu quả nhất có thể trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Mục tiêu cắt giảm khí thải CO2 phát triển theo 3 hạng mục: xây dựng, vận tải và vận hành.
Ông Adam Braun thuộc Clarasight - công ty xây dựng phần mềm lập kế hoạch tỷ lệ carbon - cho biết, chính quyền thành phố Paris đang thực hiện cách tiếp cận chu đáo và thúc đẩy trách nhiệm đối với Ban Tổ chức Thế vận hội Paris 2024.
Bước đột phá lớn nhất so với Thế vận hội trước đây là lĩnh vực xây dựng. Các nhà tổ chức cho biết, 95% cơ sở vật chất hiện có hoặc sẽ có chỉ là hạ tầng tạm thời.
Làng Olympic sẽ là nơi ở của các vận động viên và sau này trở thành nhà ở cũng như không gian văn phòng. Trong khi đó, Trung tâm Thể thao dưới nước sẽ nằm ở vùng ngoại ô phía Bắc của thủ đô Paris.
Giám đốc Grenon nhấn mạnh việc sử dụng gỗ, xi măng ít carbon và các vật liệu tận dụng sẽ giúp giảm 30% lượng khí thải so với các phương pháp truyền thống.
Bên cạnh đó, ông Philipp Würz - người phụ trách về dịch vụ ăn uống của Thế vận hội Paris 2024 - cũng khẳng định, việc đáp ứng các bữa ăn cho vận động viên ở Pháp sẽ tạo ra khoảng 2kg CO2. Pháp đặt mục tiêu giải quyết vấn đề này bằng cách tìm nguồn cung ứng 80% nguyên liệu tại địa phương, cắt giảm khí thải giao thông và cung cấp 60% thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
"Thực phẩm được sản xuất tại địa phương và hỗ trợ nông dân là những điều tuyệt vời nhất được làm ở Thế vận hội Paris 2024", vận động viên quần vợt Victoria Azarenka nói thêm.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Olympic Paris 2024 dự định sử dụng 100% năng lượng tái tạo từ các trang trại gió và mặt trời, cùng với các tấm pin mặt trời ở một số địa điểm. Các sân vận động và địa điểm tạm thời sẽ lấy điện từ lưới điện thay vì máy phát điện diesel, vốn thải ra nhiều CO2.
Giảm lượng khí thải liên quan đến giao thông được cho là thách thức lớn nhất của chính quyền thủ đô Paris. Các quan chức du lịch dự kiến sẽ đón 15,3 triệu du khách đến tham dự Olympic và Paralympic, trong đó có 1,9 triệu du khách đến từ các nước khác với khoảng 850.000 người tham gia các chuyến bay đường dài.
Ở thủ đô Paris, Ban Tổ chức đã thiết kế đa dạng các lựa chọn phương tiện giao thông ít carbon như xe đạp, tàu điện ngầm, xe buýt và các phương tiện giao thông công cộng khác để du khách tùy chọn phù hợp và linh hoạt.
Ngoài ra, các Nhà tài trợ cho Thế vận hội Paris 2024 như hãng hàng không Air France, hãng tàu CMA CGM Group và gã khổng lồ kim loại ArcelorMittal là những công ty dẫn đầu trong các ngành sử dụng nhiều carbon. Trên trang web của họ, tất cả các nỗ lực đều hướng đến chương trình tài trợ và phát triển bền vững cho Olympic.
Trong một tuyên bố, các nhà tổ chức hứa hẹn Thế vận hội sẽ mang đến "một cơ hội duy nhất để khuyến khích các doanh nghiệp đối tác hoạt động có trách nhiệm hơn".
Riêng đối với lượng khí thải không thể cắt giảm, chính quyền thủ đô Paris cũng có kế hoạch đền bù bằng các khoản bồi thường. Chẳng hạn như trồng cây có thể giúp loại bỏ CO2 ra khỏi bầu khí quyển.
Các nhà tổ chức cũng mong muốn sẽ tiếp tục điều chỉnh các kế hoạch bền vững trong quá trình diễn ra Thế vận hội, bao gồm cả các kế hoạch ở Tahiti.
"Chúng tôi muốn nói rằng tính bền vững luôn là mục tiêu đầu tiên tại Olympic Paris 2024. Chúng tôi vẫn đang làm việc rất chăm chỉ để tiến xa nhất có thể", Giám đốc Môi trường tại Thế vận hội Paris Grenon nhấn mạnh.