Các biện pháp phòng chống doping cho Thế vận hội Paris 2024 đã được tiến hành trong nhiều tháng qua, với hơn 1.000 nhân viên tham gia kiểm tra khoảng 4.000 vận động viên trong suốt thời gian diễn ra các môn thi đấu của Olympic. Những nỗ lực này tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc do Cơ quan Chống Doping Thế giới (WADA) đặt ra.
Gần đây, đã có những câu hỏi về hiệu quả hoạt động của cơ quan này trong Thế vận hội Tokyo 2020, đặc biệt liên quan đến cách xử lý trường hợp của các vận động viên bơi Trung Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không bị trừng phạt trước Thế vận hội. Ủy ban Kiểm tra Quốc tế (ITA) được thành lập vào năm 2018 và được Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) tài trợ một phần, sẽ giám sát các biện pháp chống doping tại Paris 2024. Sau khi đảm nhận trách nhiệm này tại Thế vận hội Tokyo và Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022, ITA sẽ có mặt tại Làng Vận động viên từ ngày 18/7 - 1 tuần trước khi Thế vận hội khởi tranh.
Kể từ giữa tháng 4 vừa qua, ITA đã hợp tác với các Liên đoàn Quốc tế và các Cơ quan Chống Doping quốc gia để phối hợp các đợt kiểm tra theo mục tiêu vào các khoảng thời gian thích hợp. "Nếu có vận động viên sử dụng doping, họ sẽ làm điều đó trước Thế vận hội, vì vậy giai đoạn này rất quan trọng", Người phát ngôn của ITA nói với Hãng thông tấn AFP.
Với các vòng loại kết thúc vài tuần trước Thế vận hội, tổ chức này được giao nhiệm vụ giám sát khoảng 40.000 vận động viên, trong số đó 10.000 người sẽ thi đấu tại Paris. Ba năm trước, tại Thế vận hội Tokyo, họ đã tiến hành khoảng 6.200 bài kiểm tra trên 4.000 vận động viên và phát hiện một số trường hợp dương tính.
Tranh cãi xung quanh vận động viên trượt băng nghệ thuật người Nga - Kamila Valieva, người có kết quả xét nghiệm dương tính với trimetazidine và bị cấm thi đấu 4 năm - đã gây chấn động Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022. Các quy trình giám sát dựa vào sự giám sát liên tục, sử dụng các cuộc thi, hộ chiếu sinh học (thu thập dữ liệu vận động viên) và những người tố giác tiềm năng có thể báo cáo các hành vi đáng ngờ. Các biện pháp này đặc biệt phổ biến trong các môn thể thao cụ thể như Cử tạ và đối với các vận động viên đến từ các quốc gia có vấn đề về tham nhũng. Kiểm tra cũng có thể nhắm vào các vận động viên cá nhân có những cải thiện thành tích đột ngột và đáng nghi ngờ.
Theo các nguồn tin, ITA dự định thực hiện các bài kiểm tra đối với 4.000 trong số 10.000 vận động viên tham dự tại Paris. Các quan chức chống doping đặc biệt tập trung vào các vận động viên bơi Trung Quốc, sau những cáo buộc từ các cuộc điều tra của New York Times và mạng lưới ARD của Đức cho rằng, họ có thể đã có kết quả xét nghiệm dương tính trước Thế vận hội Tokyo. Cơ quan Chống Doping Pháp (AFDL) sẽ triển khai khoảng 300 nhân viên lấy mẫu nước tiểu hoặc máu trong Paris 2024. Khoảng 800 tình nguyện viên được tuyển dụng bởi Ban Tổ chức Thế vận hội sẽ hỗ trợ các vận động viên trong quá trình kiểm tra doping.
Tổng cộng, khoảng 50 trạm kiểm tra doping sẽ được thiết lập trên khắp Làng Vận động viên và các địa điểm thi đấu khác của Thế vận hội. Các vận động viên không cư trú tại Làng Vận động viên, chẳng hạn như các thành viên của đội tuyển bóng rổ Hoa Kỳ, phải cung cấp thông tin về nơi ở của họ và có thể được kiểm tra tại khách sạn.
Phòng thí nghiệm Orsay mới được thành lập, nằm cách Paris khoảng 24km về phía Nam, sẽ nhận và phân tích các mẫu. Một tiến bộ đáng chú ý tại cơ sở này, phù hợp với các tiêu chuẩn chống doping cập nhật, là khả năng tiến hành xét nghiệm gen.
Theo ông Beatrice Bourgeois - Giám đốc AFLD: Thế vận hội Paris sẽ có tác động lâu dài đến các nỗ lực chống doping. Cơ quan Chống doping Thế giới (WADA) sẽ tham gia vào Olympic Paris thông qua chương trình quan sát. Ngoài ra, Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) sẽ thành lập một phòng tạm thời tại Paris để giải quyết mọi tranh chấp pháp lý tiềm ẩn.