Nỗ lực phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới

Đại dịch COVID-19 đã có những tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch. Sau 4 đợt dịch bùng phát dịch trên diện rộng từ đầu năm 2020 đến nay, ngành Du lịch phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, ngành Du lịch đã cùng cả nước ứng phó với đại dịch COVID-19, tập trung nỗ lực phục hồi du lịch nội địa, tận dụng cơ hội, vượt khó, để vươn lên.

Những vị khách quốc tế đã quay trở lại Việt Nam

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 với sự xuất hiện của các biến chủng mới. Du lịch Việt Nam đã điều chỉnh chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.Sự chuyển hướng trong quan điểm và chính sách của lãnh đạo Đảng, Chính phủ chuyển trạng thái phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đã định hướng, mở đường cho du lịch phục hồi trở lại.Triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ,Tổng cục Du lịch đã xây dựng Chương trình phát triển du lịch 2022-2026;đề xuất nội dung Chương trình và phục hồi phát triển du lịch, một trong 6 chương trình thành phần của Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022-2023.Nổi bật trong năm 2021, mặc dù gặp không ít khó khăn, ngành Du lịch đã triển khai các hoạt động phục hồi trong tình hình mới; triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, người lao động trong ngành du lịch như giảm mức thuế suất giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021; giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023; giảm thời gian hoàn trả ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành (từ 60 ngày xuống 30 ngày); giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, phí thẩm định cấp thẻ Hướng dẫn viên du lịch; hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch; giảm giá bán điện cho các cơ sở lưu trú du lịch... Đồng thời, ngành Du lịch đã triển khai các chính sách kích cầu, khôi phục du lịch nội địa, thí điểm mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, ngành Du lịch đã triển khai, thực hiện các nhiệm vụ theo lĩnh vực chuyên môn như: Quảng bá, xúc tiến, thông tin du lịch; quản lý hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên; quản lý cơ sở lưu trú du lịch; triển khai hoạt động chuyển đổi số, du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học, công nghệ, môi trường...

Để góp phần phục hồi du lịch, hướng tới thực hiện mục tiêu trong năm 2022 phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, khách nội địa đạt khoảng 60 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 400 nghìn tỷ đồng. Ngành Du lịch đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm bao gồm: Ban hành thống nhất quy trình bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 đối với các khu du lịch và doanh nghiệp kinh doanh du lịch: Hoàn thiện các quy định, hường dẫn, quy trình về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện thống nhất tại các điểm đến du lịch; đẩy mạnh hiệu quả chương trình tiêm vaccine, nâng cao năng lực y tế tại các khu du lịch; Triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả đối với doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch để tài khởi động kinh doanh du lịch: triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hoạt động khôi phục kinh doanh, kéo dài các chính sách hỗ trợ hiện đang thực hiện, hỗ trợ trả lương người lao động; miễn, giảm thuế, phí, hỗ trợ chuyển đổi số, đào tạo nghề du lịch; Tổ chức phát động và triển khai các chương trình kích cầu, phục hồi du lịch nội địa: tổ chức các chiến dịch truyền thông, kich cầu, đa dạng hóa các kênh thông tin, thông tin đầy đủ về các điểm đến an toàn, biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19, các sản phẩm du lịch phù hợp với xu thế mới để nhanh chóng phục hồi du lịch nội địa. Triển khai có hiệu quả thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo lộ trình tiến tới mở cửa hoàn toàn,  đón khách quốc tế đến tất cả các địa phương trên cả nước; Tổ chức truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm, tổ chức các chiến dịch truyền thông đa dạng, phù hợp với xu hướng mới để thu hút, nhanh chóng phục hồi lượng khách du lịch. 

Vẻ đẹp Việt Nam 

Để phát triển du lịch với phương châm nhanh,mạnh, bền vững, ngành Du lịch sẽ tập trung thực hiện: Đào tạo, xây dựng lực lượng lao động ngành du lịch chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững. Đầu tư tạo sản phẩm du lịch có thương hiệu, chất lượng, quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh; phát triển sản phẩm du lịch đặc thù cho các địa phương, ưu tiên phát huy các giá trị di sản, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch xanh, sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh thu hút đầu tư để hình thành các cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế. Hoàn thiện thể chế, chính sách để hỗ trợ du lịch phát triển; Đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, tăng tiện ích cho khách du lịch, tăng cường phát triển và quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông 

Với những giải pháp đồng bộ cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành Du lịch. Hy vọng trong năm 2022 và thời gian tới, Du lịch Việt Nam sẽ vượt qua những khó khăn, sớm phục hồi và phát triển sang trang mới, lên tầm cao mới.

Thanh Sơn