Những gương mặt vận động viên thể thao người khuyết tật tiêu biểu năm 2023

Sáng ngày 24/3, tại khu vực đền Bà Kiệu - Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), 5 gương mặt vận động viên người khuyết tật tiêu biểu của thể thao người khuyết tật năm 2023 sẽ được tôn vinh, trao thưởng trong Chương trình “Vinh quang Thể thao Việt Nam”. Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh nhưng họ đã vươn lên để chiến thắng số phận. Những nỗ lực trong tập luyện và thi đấu thể thao đã giúp cho các vận động viên không chỉ thay đổi hoàn cảnh của mình mà còn trở thành những vận động viên xuất sắc, mang vinh quang về cho cho Tổ quốc.

Thethaovietnamplus.vn xin giới thiệu 5 vận động viên người khuyết tật tiêu biểu năm 2023 do các nhà báo thể thao bầu chọn.

khuyet-tat1-1711176208.jpg

Nhà vô địch thế giới Lê Văn Công

Năm 2023 là một năm thi đấu khá thành công của lực sĩ Lê Văn Công. Với thành tích 1 huy chương vàng giải vô địch Cử tạ thế giới; 1 huy chương đồng ASIAN Paragames 4; 2 huy chương vàng ASEAN Paragames, Lê Văn Công được các nhà báo thể thao bầu chọn là vận động viên dẫn đầu Cuộc bầu chọn "Vận động viên, huấn luyện viên thể thao người khuyết tật tiêu biểu năm 2023".

Sinh năm 1984 tại thành phố Hà Tĩnh, Lê Văn Công bị khuyết tật bẩm sinh từ lúc chào đời. Đôi chân không phát triển của anh là di chứng từ việc mẹ bị sốt xuất huyết trong lúc mang thai. Vượt qua mặc cảm, Lê Văn Công cố gắng học tập và tự sinh hoạt bằng đôi tay khỏe khoắn, hoạt bát của mình.

Sau khi tốt nghiệp THPT, anh một mình vào thành phố Hồ Chí Minh theo học kỹ thuật điện tử tại một trường dạy nghề cho người khuyết tật. Để có tiền trang trải cuộc sống, ngoài những giờ lên lớp, anh làm thêm đủ nghề, từ bán vé số đến đánh văn bản thuê, chà nhám cho tiệm đồ gỗ...

cong-1711167503.jpg
Vận động viên Lê Văn Công

Ra trường, Lê Văn Công cùng chiếc xe lăn đi khắp nơi xin việc nhưng không thành. Không nản chí, anh đăng ký thêm lớp tin học tại câu lạc bộ Hướng nghiệp khuyết tật trẻ của thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là cơ duyên dẫn Lê Văn Công đến với môn Cử tạ, khi anh được giới thiệu vào tham gia tập luyện tại câu lạc bộ Cử tạ của Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Bình.

Dưới sự huấn luyện, giảng dạy trực tiếp của thầy Nguyễn Hồng Phúc, Lê Văn Công thể hiện niềm yêu thích và ngày càng tiến bộ rõ rệt với môn thể thao này. Chỉ sau 2 tháng làm quen và tập luyện, anh gây bất ngờ khi giành huy chương bạc tại giải vô địch quốc gia môn Cử tạ dành cho người khuyết tật ở hạng cân 48kg vào năm 2005. Trải qua quá trình tập luyện gian khổ, với tinh thần quyết tâm, Lê Văn Công đã từng bước chinh phục đỉnh cao qua từng mức tạ trong hệ thống giải toàn quốc, các Đại hội Thể thao quy mô từ khu vực (ASEAN Para Games), châu lục (ASIAN Para Games), đến thế giới (Paralympic). Lê Văn Công đã mang về cho đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tấm huy chương vàng quý giá ở môn Cử tạ hạng cân 49kg tại Paralympic 2016 diễn ra ở Rio de Janeiro (Brazil). Đây cũng chính là tấm huy chương vàng Paralympic đầu tiên trong lịch sử Thể thao người khuyết tật Việt Nam sau 16 năm tham gia các kỳ Thế vận hội.

Hiện nay, lực sĩ Lê Văn Công đang nỗ lực tập luyện để chuẩn bị tranh tài tại Paralympic 2024 được tổ chức ở Pháp vào cuối tháng 8 này.

"Kình ngư" Lê Tiến Đạt - thành công từ sự nỗ lực bền bỉ

Trong làng vận động viên người khuyết tật, Lê Tiến Đạt đã trở thành cái tên quen thuộc và không xa lạ đối với những người hâm mộ thể thao. Năm 2023, chàng thanh niên quê Đồng Tháp đã ghi dấu ấn bởi những thành tích ấn tượng ở đấu trường khu vực, châu lục bằng những tấm huy chương danh giá. Với thành tích 1 huy chương vàng ASIAN Paragames 4; 4 huy chương vàng (2 huy chương vàng tiếp sức) tại ASEAN Paragames 12 (phá 2 kỷ lục Đại hội), Lê Tiến Đạt đứng thứ hai trong Cuộc bầu chọn "Vận động viên, huấn luyện viên thể thao người khuyết tật tiêu biểu".

dat-1711167787.jpg
"Kình ngư" Lê Tiến Đạt

Sinh ra mạnh khỏe như bao đứa trẻ bình thường, nhưng năm lên 3 tuổi, tai họa ập đến với Tiến Đạt chỉ sau cơn sốt bại liệt. Cuộc sống miền sông nước vốn đã khốn khó nay còn khó khăn gấp bội đối với một gia đình bố mẹ làm nông, suốt ngày chỉ biết đến ruộng vườn. Ngoài việc phải lo tiền ăn uống sinh hoạt cho 5 người (bố mẹ và 3 anh em Đạt), lại thêm tiền thuốc men, chữa trị khiến cho gia cảnh nhà Đạt càng thêm túng bấn.

Vượt qua mọi mặc cảm của bản thân, Đạt dần tự tin hơn và từng bước thực hiện ước mơ của riêng mình. Đạt chọn thi vào trường Đại học Cần Thơ và trúng tuyển ngành Công nghệ Thông tin.

Những năm Đại học với biết bao ước mơ và hoài bão đã giúp cho Đạt lạc quan và hoạt động năng nổ. Tiến Đạt tham gia Hội sinh viên người khuyết tật trong trường. Năm 2008, Hội có kết nối với Hội người khuyết tật thành phố Cần Thơ để tham gia các hoạt động thể thao. Đạt lựa chọn môn Bơi đã gắn bó với tuổi thơ của mình

Năm 2029, Đạt được chọn vào đội tuyển Bơi lội người khuyết tật Việt Nam tham dự ASEAN Para Games 2009 và giành 2 huy chương vàng. Từ đó, nhờ sự nỗ lực của bản thân, Đạt gặt hái nhiều thành công tại các giải thể thao trong nước và quốc tế. Với những thành tích có được trong năm 2023, Lê Tiến Đạt đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. Lê Tiến Đạt hiện đang nỗ lực luyện tập, để chuẩn bị tham dự Paralympic 2024.

Vận động viên điền kinh khiếm thị Phạm Nguyễn Khánh Minh

Sinh năm 1996 ở thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Minh bị khiếm thị từ nhỏ nhưng em luôn nỗ lực học hỏi và được biết đến là tay máy tính cừ khôi. Tính đến nay, Khánh Minh đã có 8 năm tham gia tập điền kinh và 4 năm có mặt trong đội tuyển Điền kinh người khuyết tật thành phố Hồ Chí Minh. Thành tích của Khánh Minh năm 2023: giành 1 huy chương bạc ASIAN Paragames 4; 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng ASEAN Paragames.

khanh-minh-1711167797.jpg
Phạm Nguyễn Khánh Minh đang nỗ lực thi đấu

Tại Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ 4 (ASIAN Para Games 2023), vận động viên khiếm thị Phạm Nguyễn Khánh Minh hạng thượng tật T11 đã thi đấu hết sức quyết tâm tại sân vận động Trung tâm Thể thao Olympic Hàng Châu (Trung Quốc), mang về tấm huy chương bạc cho đoàn Việt Nam trong ngày thi đấu cuối cùng.

Nhận xét về người học trò của mình, thầy Đặng Văn Phúc cho biết: “Khánh Minh là vận động viên có tố chất điền kinh, đặc biệt ở nội dung chạy 400m. Trong luyện tập, em là vận động viên rất chịu khó và có ý thức cao. Dù mới tham gia đội tuyển 4 năm nhưng thành tích của em rất tốt. Em đã giành huy chương vàng nội dung 400m ở 2 kỳ Para Games gần đây. Hiện nay, Khánh Minh đang tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị tham dự giải Điền kinh vô địch thế giới được tổ chức ở Kobe (Nhật Bản) vào tháng 5 tới để tranh suất tham dự Paralympic 2024".

Lực sĩ Đặng Thị Linh Phượng

14 năm gắn bó với môn Cử tạ thể thao người khuyết tật, vận động viên Đặng Thị Linh Phượng không nhớ đã giành được bao nhiêu huy chương tại các giải Thể thao người khuyết tật trong nước và quốc tế mà cô tham dự. Linh Phượng chính là nữ vận động viên khuyết tật đầu tiên giành huy chương đồng Paralympic Brazil 2016. Gần đây nhất tại ASEAN Para Games 4 (Hàng Châu - Trung Quốc), Linh Phượng giành tấm huy chương bạc.

dang-thi-linh-phuong-1711167650.jpg
Đặng Thị Linh Phượng

Sinh năm 1983, tại thành phố Hồ Chí Minh, Đặng Thị Linh Phượng đã bị dị tật từ khi lọt lòng. Cô bé Linh Phượng còn đối mặt với chuyện phải trở thành trẻ mồ côi khi cha mẹ đã gửi vào cô nhi viện vì gia đình quá khó khăn. May mắn thay, bà nội Linh Phượng vừa thương, vừa tội cho đứa cháu gái duy nhất lúc đó nên xin lại về nuôi. Kể từ đó, thay vì sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ như bao đứa trẻ khác, Linh Phượng gần như chỉ có tình thương của bà nội. Năm 27 tuổi, Phượng đến với thể thao và thể thao đã giúp Phượng thay đổi cuộc sống. Tập được hơn 1 năm, Linh Phượng có tên trong đội tuyển thể thao người khuyết tật tham dự SEA Games Indonesia năm 2011 và giành huy chương vàng. Những nỗ lực trong tập luyện của Linh Phượng đã được đền đáp bằng những tấm huy chương tại các giải Thể thao dành cho người khuyết tật trong nước và quốc tế. Thành tích của Linh Phượng năm 2023: 1 huy chương vàng thế giới; 1 huy chương bạc ASIAN Paragames 4; 2 huy chương vàng ASEAN Paragames 12 (phá kỷ lục Đại hội).

Vận động viên cờ khiếm thị Phạm Thị Hương

Sinh ra không nhìn thấy ánh sáng, Phạm Thị Hương quê Thái Nguyên đã không khuất phục trước sự nghiệt ngã của số phận, vươn lên trở thành một cử nhân Đại học và một kỳ thủ khiếm thị hàng đầu Đông Nam Á.

Phạm Thị Hương sinh năm 1983, một dị tật bẩm sinh quái ác đã khiến cô bé xinh tươi, đáng yêu vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng. Hương lớn lên trong nỗi đau buồn của bản thân cùng cả gia đình, với một cơ thể nhỏ bé và thường xuyên đau ốm. Điều an ủi duy nhất cho bố mẹ chính là Hương sớm bộc lộ sự thông minh, nhanh trí và giọng hát hay hiếm có. Đó là lý do để bố mẹ dù điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn vẫn quyết tâm gửi cô con gái xuống Hà Nội học trường Trẻ em Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. 13 tuổi, Hương bắt đầu cuộc sống gần như hoàn toàn tự lập tại Hà Nội. Ngoài nỗi nhớ nhà, sự bỡ ngỡ với môi trường học tập mới, Hương phải học cách tự chăm sóc và chủ động trong những sinh hoạt thường ngày của mình. Nhưng chính những thử thách lớn, nhỏ đủ loại ấy đã giúp Hương vững vàng hơn trong cuộc sống sau này.

pham-thi-huong-1711167657.jpg
Vận động viên Phạm Thị Hương

Cái duyên Cờ đến với Hương bất ngờ từ năm 2006, khi đội Cờ khiếm thị Hà Nội bắt đầu được gây dựng, qua sự giới thiệu của các thầy ở trường Nguyễn Đình Chiều. Chưa có ý niệm gì về môn Cờ, lại phải tập luyện loại hình siêu khó đối với người mù, hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng, Hương tưởng như phải bỏ cuộc vì mỗi một buổi tập giống như một cuộc đày ải trí óc. Dù luôn quyết tâm nỗ lực hết mức song có tới nửa năm, chị vẫn chưa thể thực hiện nổi một ván cờ cơ bản trong đầu. Thế nhưng, cuối cùng với sự bền bỉ khó tin đã giúp Hương vượt qua giai đoạn thử thách ban đầu để không chỉ “làm chủ” luật lệ, cách chơi mà còn phát huy tốt sự thông minh, sáng tạo của mình. Nhiều năm trở lại đây, Hương luôn là kỳ thủ số 1 Việt Nam ở nội dung B1 (không nhìn thấy gì) của mình. Đáng nói hơn, chị còn vươn ra chinh phục các đỉnh cao quốc tế.

Với thành tích 2 huy chương bạc ASIAN Paragames 4; 4 huy chương vàng (1 cá nhân, 3 đồng đội) ASEAN Paragames 12, Phạm Thị Hương đã trở thành vận động viên thể thao người khuyết tật tiêu biểu của năm 2023.

Mai Anh