Nhiều báo cáo, tham luận làm sáng tỏ công lao to lớn và những cống hiến xuất sắc của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam

Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh” nhận được gần 50 báo cáo, tham luận của các đại biểu, nhà khoa học. Các đại biểu, nhà khoa học đã làm sáng tỏ công lao to lớn và những cống hiến xuất sắc của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Báo Bắc Ninh điện tử lược trích một số ý kiến tiêu biểu.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ với việc chỉ đạo xây dựng và củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam

tai-1-1657332900.jpg
Đồng chí Phùng Khánh Tài - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Trong thời gian trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng với bút danh Trí Cường, đồng chí Nguyễn Văn Cừ hoàn thành tác phẩm “Tự chỉ trích” nổi tiếng. Thông qua tác phẩm, trước hết chỉ đạo triển khai cuộc đấu tranh trên cả nước nhằm vạch mặt bọn tờrốtkít giả danh cách mạng, tiến hành tự phê bình và phê bình, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, nghiêm khắc lên án, chỉ trích những khuynh hướng cô độc, hẹp hòi và khuynh hướng hữu khuynh thỏa hiệp với bọn tờrốtkít, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Tác phẩm “Tự chỉ trích” đồng thời phê phán những nhận thức quan điểm lệch lạc về chính sách Mặt trận của Đảng và phân tích sâu sắc đường lối đúng đắn và những kinh nghiệm phong phú của Đảng trong việc thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Về chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất, đồng chí Nguyễn Văn Cừ khẳng định: Chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất của Đảng là hoàn toàn đúng đắn và đã mang lại những thành công nhất định trong việc tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân đấu tranh cho nền độc lập dân tộc. Về thành phần của Mặt trận Dân chủ, đồng chí chỉ rõ: “Mặt trận Dân chủ của Đảng là sự liên hiệp các tầng lớp nhân dân các đảng phái tiến bộ để chống phát xít và chế độ thực dân phản động, là một hình thức đặc biệt của Mặt trận phản đế rộng rãi”.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ phân tích sâu sắc chủ trương lập Mặt trận của Đảng là vừa liên minh bên trên, vừa liên minh bên dưới, cô lập bọn phản động, tranh thủ những người tiến bộ tranh thủ quần chúng trong các đảng phái cải lương, phản động. Yếu tố quan trọng nhất quyết định thắng lợi của Mặt trận Dân chủ là Đảng phải tập hợp và đoàn kết được đông đảo quần chúng, có các tổ chức rộng rãi để lãnh đạo họ đấu tranh. Về sách lược của Đảng trong việc thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất, cần phải phân biệt kẻ thù “nguy hiểm nhiều với nguy hiểm ít là cốt lợi dụng với mâu thuẫn trong dinh lũy quân thù, tập trung hết mũi nhọn chống kẻ nguy hiểm hơn hết để dự bị lực lượng cho cách mệnh”. Để đảm bảo thống nhất trong lãnh đạo, đồng chí Nguyễn Văn Cừ nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Mặt trận Dân tộc thống nhất là cần đấu tranh tẩy trừ những xu hướng tả khuynh lẫn hữu khuynh trong hàng ngũ, “Người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng, chớ không phải theo đuôi họ hay phỉnh họ”.

Với những nội dung trên, “Tự chỉ trích” thực sự là một tác phẩm lý luận xuất sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ về vấn đề tự phê bình và phê bình trong Đảng; đồng thời là văn kiện tổng kết những kinh nghiệm và lý luận về Mặt trận Dân tộc thống nhất của Đảng.

Tấm gương kết hợp giữa lý luận và thực tiễn

tai-2-1657332900.jpg
Đồng chí Ngô Văn Liên - Ủy viên Ban Thường  vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ thuộc thế hệ những người cộng sản đầu tiên thời kỳ đấu tranh vận động thành lập Đảng ta. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí, góp phần rất quan trọng trong xây dựng nền tảng chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng.

Được thừa hưởng các giá trị văn hóa, truyền thống cách mạng của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc, ngay từ nhỏ Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện tư chất thông minh, yêu nước, đầy nhiệt huyết. Năm 1928, đang học năm thứ 2 trường Bưởi, vì tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí bị đuổi học và bắt đầu hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Cuối năm đó, theo sự phân công của tổ chức, đồng chí đi “vô sản hóa” ở vùng mỏ Quảng Ninh. Tháng 6/1929, đồng chí trở thành đảng viên của Đông Dương Cộng sản Đảng.

Năm 1931, trên đường đi công tác từ Cẩm Phả về Hòn Gai, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, đưa về giam ở Nhà tù Hoả Lò; bị kết án tù khổ sai và bị đày đi Côn Đảo. Tại đây, thực hiện chủ trương“biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, đồng chí ra sức học tập những đồng chí có trình độ lý luận cao hơn, đồng thời tích cực giúp đỡ các đồng chí trình độ yếu hơn mình. Năm 1936, do phong trào đấu tranh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp, thực dân Pháp buộc phải thả một số tù chính trị, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Cừ.

Ra tù, đồng chí trở về Hà Nội bắt liên lạc với Đảng, tham gia thành lập ra Uỷ ban sáng kiến, có vai trò như Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ, cùng với việc chỉ đạo xây dựng các cơ sở đảng và quần chúng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ rất quan tâm đến việc sử dụng báo chí công khai ở Hà Nội và coi báo chí là một vũ khí tiến công kẻ thù. Cuối tháng 8 đầu tháng 9/1937, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử đi dự Hội nghị Trung ương tại Bà Điểm, Gia Định. Tại Hội nghị, đồng chí đưa ra nhiều ý kiến có giá trị về thực tiễn và lý luận. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương, lấy phong trào công nhân và nông dân làm nòng cốt, thu hút các tầng lớp nhân dân và các tổ chức tiến bộ, đề ra kế hoạch cụ thể để chống lại bọn tờrốtkít khiêu khích và phá hoại phong trào cách mạng.

Năm 1938, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Bà Điểm, Gia Định, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Năm 1939, trước nguy cơ chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương lăm le trở mặt đàn áp phong trào cách mạng, những phần tử tờrốtkít giả danh cách mạng cũng ra sức chống phá Đảng; trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã tiến hành một cuộc đấu tranh sâu rộng trên mặt trận lý luận. Với bút danh Trí Cường, đồng chí đã viết và cho in cuốn Tự chỉ trích, nhằm nêu rõ mục đích, nội dung, phương pháp tự phê bình, phê bình của người đảng viên, qua đó đấu tranh chống lại những tư tưởng, nhận thức sai trái nhằm giữ vững và phát huy đoàn kết, thống nhất trong Đảng, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Khi nguy cơ Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến gần, nhận thấy tình hình quốc tế đang có những chuyển biến bất lợi cho cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã sớm đặt vấn đề chuyển hướng chiến lược của Đảng. Đầu tháng 9/1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ triệu tập và chủ trì Hội nghị mở rộng Xứ ủy Bắc kỳ, quyết định rút một số cán bộ vào hoạt động bí mật, phân công một số đồng chí cán bộ Xứ ủy và Thành ủy Hà Nội đi xây dựng căn cứ ở các địa bàn chiến lược, chuẩn bị cơ sở cho cuộc đấu tranh vũ trang khi có điều kiện.

Ngày 6/11/1939, hai tháng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phân tích sâu sắc tính chất Chiến tranh thế giới thứ hai, những chính sách của đế quốc Pháp, thái độ các giai cấp, tầng lớp xã hội và vạch ra đường lối chính trị của cách mạng Việt Nam trước tình hình mới. Xác định giải phóng dân tộc khỏi ách đế quốc, trở thành nhiệm vụ cấp bách nhất và là mục tiêu chiến lược trước mắt của cách mạng Việt Nam.

Quyết định thay đổi chiến lược và thay đổi phương pháp cách mạng trong tình hình mới của Hội nghị Trung ương 6 là rất đúng đắn, sáng suốt, thể hiện tư duy chính trị nhạy bén, năng lực sáng tạo lớn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Tính kịp thời và đúng đắn về chủ trương thay đổi chiến lược của Hội nghị Trung ương 6 (11/1939) đã được Trung ương Đảng khẳng định tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (11/1940) và bổ sung, hoàn thiện tại Hội nghị Trung ương 8 (5/1941). Nhờ đó, phong trào cách mạng Việt Nam có bước phát triển mới mạnh mẽ, tiến tới giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945.

Tấm gương sáng ngời cho thế hệ trẻ và nhân dân Thủ đô học tập noi theo

tai3-1657332900.jpg
Đồng chí Đào Xuân Dũng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Văn Cừ là tấm gương sáng, mẫu mực cho các thế hệ người Việt Nam. Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội luôn tự hào về đồng chí Nguyễn Văn Cừ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, cả cuộc đời phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, cả những lúc khó khăn gian khổ nhất, đồng chí luôn một lòng sắt son với Đảng, mưu trí, sáng tạo trong lãnh đạo, tích cực tuyên truyền, vận động, xây dựng, phát triển phong trào cách mạng ở Hà Nội.

Trong những năm 1930-1935, Thành ủy Hà Nội bị thực dân Pháp khủng bố, phá vỡ phải lập đi lập lại nhiều lần. Đến tháng 6/1930, đồng chí Trần Văn Lan, Ủy viên Trung ương Đảng đã kiện toàn Thành ủy Hà Nội gồm ba đồng chí, do đồng chí Phạm Văn Phong làm Bí thư. Bất chấp lệnh quản thúc của chính quyền thực dân, đồng chí Nguyễn Văn Cừ từ quê hương Phù Khê, Từ Sơn (Bắc Ninh) ra Hà Nội tiếp tục hoạt động, gây dựng lại tổ chức Đảng và phong trào quần chúng. Nguyễn Văn Cừ đã gặp các đồng chí Tô Hiệu, Lương Khánh Thiện, Hoàng Quốc Việt, Trần Quý Kiên và Nguyễn Văn Minh người được Trung ương cử về xây dựng lại cơ sở ở đảng ở Hà Nội nhằm lập lại Xứ ủy, Thành ủy.

Tại Hội nghị Trung ương tháng 3/1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng khi mới 26 tuổi. Với trọng trách là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo tổ chức nhiều cuộc đấu tranh của công nhân Hà Nội đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện sinh hoạt và chế độ làm việc, bỏ lệ phạt bất công, không được đánh đập, đuổi thợ. Cùng với chỉ đạo phục hồi xây dựng cơ sở đảng và phong trào quần chúng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đặc biệt sử dụng những tờ báo công khai của Đảng để tuyên truyền nhằm tăng cường ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng.

Tháng 8/1939, trước nguy cơ Chiến tranh thế giới thứ hai đang ngày càng đến gần, Xứ ủy Bắc Kỳ triệu tập cuộc họp ở bãi Phúc Xá (Ba Đình) gồm đại diện một số Đảng bộ, trong đó có Đảng bộ Hà Nội. Xứ ủy chỉ đạo, cần tranh thủ điều kiện thuận lợi hiện còn, tiếp tục mở rộng Mặt trận dân chủ, tập hợp lực lượng quần chúng, đề phòng khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Tháng 9/1939 Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ càng quan tâm bảo vệ và củng cố tổ chức các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Thành ủy. Ngày 8/9/1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ chủ trì một cuộc họp của Xứ ủy tại làng Vạn Phúc tỉnh Hà Đông. Đồng chí đã đề ra chủ trương và các biện pháp để bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ, chuẩn bị những cơ sở vững chắc ở vùng nông thôn, miền núi làm nơi đào tạo cán bộ, củng cố lực lượng lâu dài.

Tháng 7/1939 đồng chí Nguyễn Văn Cừ viết “Tự chỉ trích”, tác phẩm đã đưa ra những lời phê bình, cảnh báo nghiêm khắc những biểu hiện hữu khuynh trong Đảng... Hơn 80 năm kể từ khi tác phẩm “Tự chỉ trích” ra đời, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện sâu sắc, toàn diện, là một mẫu mực sửa chữa khuyết điểm trong Đảng.

Ngày 17/1/1940, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp bắt, đây là tổn thất vô cùng to lớn của Đảng và cách mạng Việt Nam. Biết rõ cương vị quan trọng của đồng chí, kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, tra tấn dã man nhưng vẫn không lung lạc, khuất phục được chí khí của người cộng sản kiên trung. Ngày 28/8/1941, kẻ thù đã sát hại đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng một số cán bộ ưu tú của Đảng.

Cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một tấm gương mẫu mực về đạo đức, bản lĩnh, tâm huyết của người cộng sản. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ được ghi vào trang lịch sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước. Noi gương đồng chí, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô không ngừng rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử. Ghi nhớ và tôn vinh những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đối với cách mạng Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, Thành phố Hà Nội đã đặt tên đường, trường học mang tên Nguyễn Văn Cừ ở quận Long Biên; huyện Gia Lâm có một trường trung học phổ thông ở xã Đa Tốn mang tên đồng chí Nguyễn Văn Cừ để tôn vinh người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ - một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của phong trào công nhân vùng mỏ Quảng Ninh

tai-4-1657332900.jpg
Đồng chí Phạm Thùy Dương - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Khu mỏ Quảng Ninh là một trong những địa bàn đầu tiên ở Việt Nam hình thành và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam. Ngay sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập đã quan tâm, cử nhiều cán bộ về cùng ăn, ở, lao động với anh em công nhân mỏ để giác ngộ, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tập hợp lực lượng, xây dựng phong trào và tiến tới thành lập tổ chức Đảng nhằm lãnh đạo phong trào cách mạng. Từ năm 1928 đến đầu năm 1929, Hội phái nhiều hội viên là những thanh niên trí thức, tiểu tư sản đến Khu mỏ tham gia phong trào “vô sản hóa” và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, trong số đó tiêu biểu có đồng chí Nguyễn Văn Cừ.

Là hội viên thanh niên được vũ trang lý luận cách mạng, mang theo khao khát đi vào nhà máy, tầng lò, cùng sống, cùng làm việc và sinh hoạt như người thợ để được gần gũi công nhân khu mỏ, để giáo dục, giác ngộ công nhân. Thời kỳ này, cùng với các hội viên khác, đồng chí Nguyễn Văn Cừ có vị trí chủ chốt trong việc lấy công tác tuyên truyền, giác ngộ công nhân mỏ làm nhiệm vụ trọng tâm. Đồng chí “bắt rễ” vào những công nhân bị bóc lột nhất, có tinh thần đấu tranh để tuyên truyền, giáo dục và gây cơ sở cách mạng. Thường thì lấy ngay những việc áp bức, bất công diễn ra hàng ngày mà giáo dục, giác ngộ công nhân, khơi gợi và nung nấu tinh thần đấu tranh của họ. Đồng thời, đồng chí cũng làm cho người công nhân hiểu rằng, tình cảnh áp bức bất công không phải là cá biệt, mà là tình cảnh chung của công nhân mỏ và của toàn bộ giai cấp công nhân, trên cơ sở ấy mà giác ngộ ý thức giai cấp, tinh thần đoàn kết đấu tranh cho họ. Thông qua hình thức tuyên truyền linh hoạt, tùy từng trường hợp, bối cảnh cụ thể, có khi việc tuyên truyền được tiến hành ngay trong xưởng máy, tầng lò lúc làm việc, có khi tổ chức những cuộc gặp gỡ kín đáo… đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã đem những điều mà mình hiểu được về chủ nghĩa Mác-Lênin do đồng chí Nguyễn Ái Quốc vạch ra trong cuốn Đường Kách mệnh để truyền lại cho công nhân mỏ.

Vừa làm vừa học, năng động, sáng tạo trong lý luận và thực tiễn, đồng chí Nguyễn Văn Cừ tổ chức nhiều cuộc mít tinh, kêu gọi công nhân đấu tranh. Tờ báo Than do đồng chí trực tiếp chỉ đạo và là người biên tập chính đã được phát hành rộng rãi trong vùng, có tác dụng rất lớn trong việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, cổ vũ và hướng dẫn quần chúng đấu tranh. Sau hai năm “vô sản hóa”, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã trở thành một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của phong trào công nhân vùng mỏ.

P.V