“Ngày hội Hoa Ban” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

“Ngày hội Hoa Ban” là chủ đề hoạt động trong tháng Ba được tổ chức từ ngày 1-31/3 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội), với các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa gắn với tình yêu và trách nhiệm của thế hệ trẻ với văn hóa dân tộc tại “Ngôi nhà chung”.

Cùng với đó là các lễ hội và hoạt động dân ca, dân vũ mang khí sắc mùa xuân, sức trẻ góp phần thu hút khách du lịch, kết nối quảng bá du lịch văn hóa địa phương, vùng miền, tạo môi trường, điều kiện để các nhóm đoàn gặp gỡ, giao lưu gắn với thông điệp góp phần động viên tinh thần đồng bào khắc phục khó khăn, đoàn kết chung tay bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống.

Hoạt động tháng Ba với sự tham gia của khoảng gần 100 đồng bào của 16 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) với sự tham gia của 11 địa phương, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hằng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng). Huy động khoảng 20 đồng bào X’tiêng tỉnh Bình Phước ngày 9,10/3. Huy động khoảng 35 nghệ nhân đồng bào dân tộc Thái tỉnh Sơn La ngày 23,24/3.

ngay-hoi-hoa-ban-1709622763.jpeg
Thiếu nữ dân tộc và hoa ban. Ảnh: Internet

Chương trình tháng Ba “Ngày hội Hoa Ban” sẽ có nhóm các hoạt động sự kiện tháng Ba gắn với tình yêu của tuổi trẻ với văn hoá truyền thống dân tộc với các nội dung: Sắc màu văn hóa truyền thống của dân tộc X’tiêng, tỉnh Bình Phước sẽ tái hiện Lễ Crac Băr mêy (lễ mừng cơm mới) của đồng bào X’tiêng (nhóm Bù Đek). Lễ cúng cơm mới của đồng bào được tổ chức mỗi năm 1 lần nhưng theo thông lệ thì lễ hội không nhất nhất thiết phải cúng trâu thường chỉ cúng heo, gà… 

Sau khi lễ vật được chuẩn bị tươm tất thì tiến hành rước từ nhà chủ tế đến kho lúa cúng lúa. Khi cúng rước hồn lúa từ kho lúa về phía sân chính lễ hội, chủ lễ cùng ban tế lễ tiến hành thực hiện nghi thức cúng cơm mới với các bài cúng kết hợp múa cò cổ truyền độc đáo trong tiếng trống triệu hồi thần linh, trong tiếng cồng, tiếng chiêng vang vọng giữa sơn nguyên đại ngàn. Sau phần tổ chức nghi thức cúng là các hoạt động văn nghệ giao lưu, tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống và giới thiệu ẩm thực truyền thống của dân tộc X’tiêng.

Chương trình dân ca dân vũ chủ đề: “Men say cao nguyên” của đồng bào X’tiêng sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo khi được thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống dân tộc X’tiêng: gồm 8-10 tiết mục, dàn dựng công phu theo chủ đề: “Men say cao nguyên”; độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc S’tiêng, với các loại nhạc cụ truyền thống như: Trống, cồng chiêng, kèn lá, đàn đá, sáo tre, kèn bầu, kèn sừng trâu,...; giao lưu của nhóm đồng bào Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai đang hoạt động hằng ngày tại Làng.

Đồng bào X’tiêng (nhóm Bù Đek) sẽ giới thiệu, trình diễn trang phục, trang sức bạc truyền thống của đồng bào X’tiêng (nhóm Bù Đek) chủ đề: “Hương sắc bazan”, bao gồm trang phục truyền thống, trang phục lễ hội, trang phục sinh hoạt đời thường, trang phục cưới, trang phục cách tân; kết hợp trình diễn các bộ trang sức bạc truyền thống...

Bên cạnh đó là hoạt động tái hiện, trình diễn, truyền dạy kỹ thuật đan lát truyền thống của người X’tiêng (nhóm Bù Đek) với trình tự các bước từ chuẩn bị nguyên liệu, cách vót nan, các tạo khung và thao tác các công đoạn chế tác sản phẩm đan lát thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc X’tiêng. Giới thiệu các thành phẩm đan lát thủ công truyền thống của đồng bào X’tiêng. Các nghệ nhân sẽ trực tiếp thực hành, chế tác các sản phẩm và giới thiệu đến du khách để cùng trải nghiệm.

Không gian ẩm thực, trưng bày sản vật địa phương của đồng bào X’tiêng tỉnh Bình Phước cũng sẽ được giới thiệu đến du khách. Trong đó có các hoạt động: Trình diễn các công đoạn chế biến ẩm thực truyền thống của dân tộc X’tiêng tỉnh Bình Phước với các món ăn, thức uống độc đáo như rượu cần, cơm lam. Đặc biệt là giới thiệu các món ngon cổ truyền của người X’tiêng (nhóm Bù Đek) như bánh Piêng plo, Piêng liêt, khô nai, heo sóc gác bếp, trâu gác bếp,...; Trưng bày các sản phẩm về văn hoá, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc X’tiêng tỉnh Bình Phước. Du khách có thể trực tiếp trải nghiệm việc thực hành chế biến ẩm thực truyền thống của đồng bào X’tiêng.

hoa-ban-dep-1709622992.jpg

Cũng trong tháng Ba, sắc màu văn hóa dân tộc Thái, tỉnh Sơn La sẽ được tái hiện với nhiều hoạt động đặc sắc như Lễ xên bản (Xên mường) trong Lễ hội Hoa Ban của đồng bào Thái tỉnh Sơn La. Lễ hội diễn ra vào mùa xuân với mục đích xướng báo các vị thần linh, thần nước, thần núi, thần rừng, thổ địa…về hưởng thụ đồ lễ, thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ đến các vị thần linh đã khai sáng ra bản mường, đồng thời cũng là dịp để cầu xin trời đất phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng xanh tốt, gửi gắm những ước nguyện lớn lao về một cuộc sống bình yên.

Sau phần nghi thức sẽ là phần hội giao lưu dân ca dân vũ của đồng bào dân tộc Thái và các trò chơi dân gian truyền thống: nhảy sạp, ném còn, tó má lẹ… và giới thiệu ẩm thực từ hoa Ban của đồng bào Thái, tỉnh Sơn La.

Chương trình giao lưu dân ca dân vũ “Tiếng hát mùa Ban” là chương trình nghệ thuật tổng hợp của các nghệ nhân đồng bào dân tộc Thái qua các hoạt động âm nhạc, diễn xướng kể về câu chuyện của hoa Ban, những vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc khi mùa hoa Ban nở.

Giới thiệu ẩm thực từ hoa Ban và vẻ đẹp hoa Ban qua hình ảnh người con gái Thái. Với bàn tay khéo léo chế biến các món ăn độc đáo từ hoa Ban từ ẩm thực dân tộc Thái, là tiếng thoi đưa dệt vải thêu thùa khăn Piêu, là những vòng xòe đắm say trong không khí đất trời tháng Ba.

Đặc biệt, trong không gian cuối tuần sẽ diễn ra chương trình “Tháng Ba Tây Nguyên - Em là hoa Pơ lang” với các tiết mục ca, múa các bài về mùa xuân dân tộc, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người Tây Nguyên khi tháng Ba về, âm hưởng rộn rã của các nhạc cụ Tây Nguyên, các ca khúc về Tây Nguyên với một sức sống mới, niềm cảm hứng mới; giới thiệu vẻ đẹp của người phụ nữ Tây Nguyên qua trang phục “Em là hoa Pơ lang”.

T.H