Phiên họp lần 3 diễn ra theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Tham dự buổi họp có Phó cục trưởng - Nguyễn Danh Hoàng Việt, Phó cục trưởng - Nguyễn Hồng Minh và các đồng chí trong Ban soạn thảo Đề án.
Trên cơ sở bản dự thảo lần 1 và 2 đã được Ban soạn thảo, các chuyên gia, khách mời nhận xét, góp ý, Trung tâm Thông tin - Truyền thông và Đơn vị tư vấn đã tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đồng thời giải trình và thực hiện điều chỉnh một số nội dung của Đề án.
Để đảm bảo chất lượng của Đề án, ngày 10/05/2023 và ngày 31/05/2023 Cục Thể dục thể thao đã gửi 2 văn bản xin ý kiến góp ý của Văn phòng Bộ, Trung tâm Công nghệ thông tin, và các đơn vị trực thuộc Cục Thể dục thể thao. Trên cơ sở góp của các đơn vị, Cục Thể dục thể thao phối hợp với Ban soạn thảo tiếp tục tiến hành chỉnh sửa theo góp ý của một số đơn vị.
Tại cuộc họp lần 3, đa số các ý kiến đều đánh giá cao tầm quan trọng của Đề án cũng như mục tiêu mà Đề án đưa ra. Đề án được phê duyệt sẽ tạo cơ sở pháp lý và định hướng cho việc chuyển đổi số nhằm đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động trong quản lý, điều hành của ngành thể dục thể thao phù hợp với xu thế chung của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo bước đột phá trong phát triển thể dục thể thao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thành tích thể thao.
Mục tiêu tổng quát của Đề án cũng nêu rõ: Phát triển công nghệ số trong lĩnh vực Thể dục thể thao góp phần xây dựng nền thể thao Việt Nam hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thể thao thông minh, tiện ích ; Hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ; Chuyển đổi nhận thức, tư duy về chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số; Xây dựng các chương trình truyền thông, hoạt động, sự kiện nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức của Cục Thể dục thể thao về lợi ích của chuyển đổi số; Tăng cường đào tạo tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, khai thác dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục Thể dục thể thao.
Trên tinh thần đó, các thành viên dự họp đã đóng góp ý kiến để Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn chỉnh Đề án sớm trình lãnh đạo Bộ phê duyệt.
Đồng chí Tần Lê Minh cho rằng: Đối với các hệ thống báo cáo, hệ thống quản lý văn bản điện tử, Lịch họp, thư điện tử, hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống quản lý cán bộ, công chức, viên chức... đề nghị xem xét phạm vi quy mô tránh đầu tư trùng lặp với các hệ thống dùng chung đang có của Bộ. Trường hợp không trùng lặp, đề nghị có giải pháp kết nối với hệ thống dùng chung của Bộ.
Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ gửi văn bản góp ý đặc biệt nhấn mạnh đến việc: Để kết nối, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu cá nhân của từng vận động viên từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cho Đề án chuyển đổi số ngành Thể dục thể thao, đề nghị bổ sung căn cứ Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư; định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đối với các giải pháp triển khai cần xem xét, nghiên cứu kỹ các yêu cầu về đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hướng dẫn chi tiết tại Văn bản số 1552/BTTTT-THH ngày 26/4/2022 của Bộ Thông tín và Truyền thông về hướng dẫn kỹ thuật triển khai Đề án 06.
Đồng chí Lê Quang Tùng có một số ý kiến về phạm vi của Đề án, cần xác định rõ phạm vi trong không gian, thời gian nào? Từ Trung ương đến cơ sở hay chỉ ở Cục Thể dục thể thao hay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Về nội dung đề án cần tính toán kỹ và đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến trung tâm dữ liệu vì nếu chúng ta đầu tư hạ tầng cơ sở thì đòi hỏi nguồn lực và quản trị sau này lớ. Cũng cần xác định rõ nguồn vốn của Đề án để có kế hoạch phân kỳ cho hợp lý và tính khả thi cao.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp, Cục trưởng Đặng Hà Việt ghi nhận sự nỗ lực của đơn vị chủ trì và các thành viên dự họp, đồng thời nhấn mạnh: việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là việc làm cấp bách hơn bao giờ hết. Cần triển khai ở tất cả mọi lĩnh vực từ công tác quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành, công tác quản lý huấn luyện, quản lý thi đấu, đo kiểm thành tích, dinh dưỡng, hồi phục cho vận động viên, công tác tuyển chọn và tập huấn vận động viên các đội tuyển tỉnh, thành, ngành và đội tuyển quốc gia, công tác truyền thông, công tác thể thao quần chúng, thể thao học đường, thể thao trong các lực lượng vũ trang…
Do đó, để bắt kịp xu thế cũng như các chương trình hành động của Bộ, ngành TDTT không được chậm trễ và cần sớm hoàn thiện Đề án “Chuyển đổi số ngành TDTT giai đoạn 2023-2025 định hướng đến năm 2030”.
Đề án chuyển đổi số ngành TDTT gồm 5 phần: (1) Sự cần thiết ban hành Đề án (2) Tổng quan về Đề án (3) Nội dung Đề án (4) Kết quả, tác động của Đề án (5) Tổ chức thực hiện. Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là: Chuyển đổi mạnh mẽ nhận thức, tư duy về chuyển đổi số của ngành thể thao; Tham mưu xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, các văn bản có liên quan để bắt kịp những thay đổi công nghệ, đảm bảo phát triển vận hành Chính phủ điện tử của Bộ VHTTDL, đáp ứng yêu cầu tiến trình chuyển đổi số tại Cục TDTT; Đảm bảo mạng diện rộng của Cục TDTT đáp ứng kết nối 100% các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của Cục Thể dục thể thao; 85% hồ sơ công việc tại Cục Thể dục thể thao được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); Hoàn thiện 100% dịch vụ công trực tuyến có chức năng định danh, xác thực một lần; cho phép thực hiện thủ tục hành chính hoàn toàn được xử lý trên môi trường mạng; Đảm bảo an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp, 100% máy chủ, máy trạm của Cục TDTT được triển khai giải pháp phòng, chống mã độc…