Năm 2023: Ngành Du lịch phấn đấu đón 110 triệu lượt khách trong nước và quốc tế

Tổng cục Du lịch đặt mục tiêu năm 2023 sẽ phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng.

4008-1672759323.jpg
Ảnh minh họa: Internet

Theo Tổng cục Du lịch, năm 2022 du lịch Việt Nam đã có sự trở lại “ngoạn mục” với những kết quả đáng mừng. Cụ thể: lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Các thị trường khách quốc tế lớn nhất gồm: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore. Tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt (tăng 68,8% so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt, vượt xa con số 8 triệu lượt khách nội địa năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019.

Năm 2022, công tác triển khai mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới đã được ngành nỗ lực thực hiện. Phối hợp tích cực với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tổ chức nhiều sự kiện nhằm phát động, công bố mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới và truyền thông điệp “Life fully in Vietnam” trong giai đoạn mở cửa thị trường. Tổ chức Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả ngày 15/3/2022 (phối hợp với Bộ Ngoại giao); Hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch: Việt Nam-Trải nghiệm trọn vẹn ngày 22/3/2022 (Quảng Ninh); Khai mạc Năm Du lịch quốc gia “Phục hồi du lịch Việt Nam-Định hướng mới, Hành động mới”; Tổ chức các chương trình quảng bá du lịch tại SEA Games 31…; Hội chợ du lịch quốc tế ITE HCMC 2022 và Diễn đàn quốc tế “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững”… và nhiều hoạt động khác cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt hiệu quả tích cực.

Các công tác quản lý cơ sở lưu trú; quảng bá, xúc tiến du lịch; công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ - môi trường; hợp tác quốc tế cũng được chú trọng thực hiện.

ha-1672759782.png
Ảnh minh họa: Internet

Đặc biệt, năm 2022 ngành đã đẩy mạnh công tác truyền thông và chuyển đổi số trong du lịch. Công tác tuyền thông trên hệ thống marketing số của Tổng cục được đẩy mạnh để góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch quốc gia và thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, tiêu biểu là chương trình truyền thông quảng bá có chủ đề “Live Fully Vietnam”. Theo số liệu cập nhật mới nhất từ trang similarweb.com (chuyên trang đánh giá, xếp hạng website trên thế giới), tháng 10/2022, website vietnam.travel xếp hạng 152.337 trên toàn cầu. Đây là bước tiến đột phá so với thời điểm cách đây 1 năm, khi xếp hạng của website vietnam.travel là 576.046. Mức tăng hạng của website vietnam.travel trong 1 năm qua là 423.699 bậc, cao vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực như Singapore, Indonesia, Thái Lan. Bên cạnh đó, hoạt động tổ chức chương trình truyền thông du lịch Việt Nam trên nền tảng số Youtube “Việt Nam: Đi để yêu” với 2 ngôn ngữ Anh-Việt nhằm hưởng ứng chương trình kích cầu, phục hồi du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Truyền thông số về du lịch đã đóng góp đáng kể vào công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền hình ảnh đất nước, con người, văn hóa đặc sắc, cảnh quan tươi đẹp của Việt Nam, được trao giải Nhì của Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ VIII.

Hoạt động phát triển nền tảng số, các ứng dụng trong du lịch như: Nâng cấp cổng thông tin du lịch Việt Nam, ứng dụng Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel, nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch; phát hành thẻ du lịch thông minh; vận hành hệ thống vé điện tử tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám và Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Phát triển hệ thống CSDL ngành Du lịch; phát triển hệ sinh thái nội dung số…

Năm 2023, theo Tổng cục Du lịch, bên cạnh sự trở lại “ngoạn mục” sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, ngành du lịch vẫn gặp một số khó khăn, thách thức. Du lịch thế giới tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng chưa trở về sẽ chậm lại; Các thị trường gửi khách chủ yếu của Việt Nam (Trung Quốc, Đài Loan…) chưa mở cửa hoàn toàn. Chính sách thị thực của Việt Nam chưa có nhiều ưu thế hơn so với các quốc gia trong khu vực. Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến ngành Du lịch sẽ mạnh mẽ hơn; xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hoạt động du lịch.

Ngành du lịch đặt mục tiêu cho năm 2023 là phấn đấu đón 110 triệu lượt khách, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 650 nghìn tỷ đồng.

4010-1672759323.jpg
Ảnh minh họa: Internet

Ngành đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai các văn bản, đề án quản lý nhà nước; Triển khai các chương trình, đề án trọng điểm của ngành, trong đó tập trung triển khai Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 sau khi được phê duyệt; triển khai đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; triển khai Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025…”. Tổ chức các hoạt động, hội nghị, hội thảo; Thực hiện nhóm các nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá: Tham gia các sự kiện du kịch quốc tế: Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF2023 tại Indonesia; Hội chợ Du lịch ITB tại Berlin-Đức; hội chợ WTM tại London, Anh; Tổ chức truyền thông Du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình CNN và một số kênh truyền thông quốc tế lớn; Phối hợp với các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam…

Và để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2023, Tổng cục Du lịch đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm chỉ đạo bố trí đủ kinh phí để triển khai hiệu quả các chương trình kế hoạch, đề án phục hồi, phát triển du lịch phù hợp với bối cảnh mới; Chủ trì và cùng với các Bộ, ngành liên quan tháo gỡ điểm các nghẽn trong hoạt động du lịch; Triển khai các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh; Tạo điều kiện thuận lợi đi lại đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; Cải thiện điều kiện hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du khách. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương quan tâm đến công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực du lịch; công tác xúc tiến quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, tăng đầu tư cho du lịch… Bố trí kinh phí để triển khai xây dựng một số đề án trọng tâm của ngành Du lịch đã được giao tại Kế hoạch số 2862/KH-BVHTTDL ngày 11/8/2021 thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Chỉ đạo Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch kịp thời triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch ở trong và ngoài nước theo chương trình, kế hoạch đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt.

P.V