Lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình.

bao-luc-gia-dinh-1711010568.jpg

Nghị định quy định về xây dựng, duy trì, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, duy trì, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, duy trì, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình.

Mục đích xây dựng dự thảo Nghị định: Bám sát và quy định chi tiết khoản 3 Điều 43 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình giao Chính phủ quy định và chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về phòng, chống bạo lực gia đình. Việc ban hành Nghị định này để quy định việc xây dựng, thu thập, cập nhật, duy trì, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân; đáp ứng được các yêu cầu về chuyển đổi số và cải cách hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Quan điểm xây dựng dự thảo Nghị định: Quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình giao, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hiệu lực thi hành giữa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Bảo đảm tính minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho việc thực thi có hiệu quả, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Bảo đảm quyền con người trong quá trình thực thi Luật, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành; xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Dự thảo Nghị định có 4 Chương, 22 điều bao gồm:

Chương I. Những quy định chung, gồm 4 điều (từ Điều 1 đến Điều 4).

Chương II. Xây dựng, duy trì, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu gồm 6 điều (từ Điều 5 đến Điều 10).

Chương III. Trách nhiệm xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu, gồm 10 điều (từ Điều 11 đến Điều 20).

Chương IV. Điều khoản thi hành, gồm 2 điều (Điều 21, Điều 22).

Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định

Chương I. Quy định chung Chương này gồm: Điều 1. Phạm vi điều chỉnh; Điều 2. Đối tượng áp dụng; Điều 3. Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; Điều 4. Nguyên tắc xây dựng, thu thập, cập nhật, duy trì, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình.

Chương II. Xây dựng, duy trì, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình Chương này gồm: Điều 5. Nguồn thu thập dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; Điều 6. Tạo lập, cập nhật dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; Điều 7. Quản lý, duy trì Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; Điều 8. Khai thác, sử dụng dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; Điều 9. Kết nối, chia sẻ dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; Điều 10. Điều kiện bảo đảm xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình.

Chương III. Tổ chức, thực hiện: Chương này quy định: Điều 11. Trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Điều 12. Trách nhiệm của Bộ Công an; Điều 13. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp; Điều 14. Trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Điều 15. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông; Điều 16. Trách nhiệm của Bộ Tài chính; Điều 17. Trách nhiệm và quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Điều 18. Trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp; Điều 19. Cơ quan Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại địa phương; Điều 20. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc khai thác và sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu.

Chương IV. Điều khoản thi hành. Chương này quy định: Điều 21. Hiệu lực thi hành; Điều 22. Trách nhiệm thi hành.

Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình là tập hợp thông tin về nội dung quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình được xây dựng, duy trì, quản lý, khai thác và sử dụng thống nhất trên toàn quốc; được chuẩn hóa, số hóa, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước, xây dựng chính sách phòng, chống bạo lực gia đình và nhu cầu tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Thông tin về nội dung quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình trong Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình gồm: a) Văn bản chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch về phòng, chống bạo lực gia đình được cơ quan Nhà nước ban hành; b) Số người được thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; hình thức cơ quan, tổ chức cá nhân thực hiện thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; c) Số vụ bạo lực gia đình; người bị bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình; các biện pháp ngăn chặn; biện pháp hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình; nguyên nhân, hậu quả của bạo lực gia đình; người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình; kinh phí thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; d) Số người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình; đ) Số công trình nghiên cứu khoa học đã thực hiện; hình thức hợp tác, đối tác và nguồn kinh phí tiếp nhận từ hoạt động hợp tác quốc tế; e) Số tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống bạo lực gia đình được khen thưởng, hình thức khen thưởng hằng năm, khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề; g) Số đơn thư khiếu nại, tố cáo về phòng, chống bạo lực gia đình được thanh tra, kiểm tra, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Nguyên tắc xây dựng, duy trì, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình: Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình được xây dựng, duy trì, quản lý, khai thác và sử dụng thống nhất trên toàn quốc.

Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình được xây dựng, cập nhật đầy đủ, chính xác và kịp thời; duy trì hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác và sử dụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình phải phù hợp với khung kiến trúc hệ thống thông tin quốc gia, quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước, các quy định về bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và các quy định pháp luật khác có liên quan; đáp ứng tiêu chuẩn về cơ sở dữ liệu và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ thông tin.

Việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và pháp luật có liên quan.

Thời gian lấy ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân cho Dự thảo từ ngày 18/3 đến 18/5/2024.

T.H