Khánh Hòa phát huy thế mạnh du lịch thể thao biển

Với nhiều bãi biển, cung đường biển đẹp, các vịnh biển trong xanh, lại thêm đường Nha Trang - Đà Lạt “nối biển và hoa”, Khánh Hòa có điều kiện để phát triển du lịch thể thao.

Nhiều năm qua, thể dục thể thao cho mọi người tại Khánh Hòa liên tục được phát triển qua từng năm. Đặc biệt, sự phát triển nhanh của hoạt động thể thao biển, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế thể thao, du lịch thể thao, đa dạng các hình thức tập luyện, vui chơi thể thao cho nhân dân và du khách đến với Khánh Hòa, có đóng góp tích cực đưa tỷ lệ người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên của tỉnh đạt 38,9% dân số và 36,5% số hộ gia đình đạt gia đình thể thao vào năm 2024. 

bong-da-bb-1734765274.jpg

Với lợi thế có vùng biển đẹp, nhiều đảo nên các hoạt động thể thao biển ở Khánh Hòa phát triển rất đa dạng như: Lặn biển thể thao giải trí, Môtô nước trên biển, lướt sóng, chèo thuyền, thuyền buồm, cano kéo dù, ca nô kéo phao, flyboard, đi bộ dưới đáy biển, câu cá thể thao, lướt ván diều, bóng chuyền bãi biển, bóng đá bãi biển, bóng ném bãi biển, đá cầu bãi biển, chạy việt dã trên cát, bơi biển,… và các hoạt động thể thao giải trí khác.

Mỗi nhóm thể thao được hình thành phụ thuộc vào thuộc tính của môi trường, phương thức giải trí và liên quan đến thiết bị, dụng cụ, phương tiện…, không những phục vụ cho dân cư vùng biển, những người ham thích mà còn cho cả du khách, từ đó thể thao biển là giải pháp hữu ích góp phần làm nên sức hấp dẫn đặt trưng của du lịch biển. Bên cạnh đó, thể thao biển đã trở thành hoạt động thi đấu định kỳ ở các giải trong tỉnh Khánh Hòa và quốc gia. Với lợi thế của địa phương, hiên nay, Khánh Hòa có cụm sân Bóng chuyền bãi biển và Bến Du thuyền Quốc tế đảm bảo đăng cai tổ chức các giải Bóng chuyền bãi biển và giải Thuyền buồm quốc gia, quốc tế.

Các môn thể thao bãi biển của Khánh Hòa như: Bóng đá bãi biển, Bóng chuyền bãi biển đã khẳng định được thành tích nhất định tại các giải quốc gia. Đối với Bóng chuyền bãi biển, Khánh Hòa đã về nhất trong 3 kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc gần đây và liên tiếp giành huy chương vàng các giải vô địch quốc gia; đối với đội tuyển bóng đá bãi biển Khánh Hòa đã đăng quang ngôi vô địch vào các năm 2009, 2012, 2013, 2014, 2018 và 2019.

Bên cạnh đó là không ít khó khăn từ chủ quán và khách quan mà đơn vị đang khai thác, tổ chức hoạt động thể thao biển đã và đang đối mặt, như:  Qua thực tiễn quản lý ở địa phương cho thấy, việc tập trung đầu tư phát triển các loại hình thể thao giải trí biển phần lớn kết hợp du lịch tại Khánh Hòa vẫn còn mang tính tự phát, thiếu sự đầu tư phát triển, phong trào tập luyện trong quần chúng nhân dân phát triển chủ yếu mang tính tự phát. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho thể thao biển chưa được quan tâm đầu tư từ nhà nước, như cầu phao, bến cảng, sân thể thao biển,…. từ đó tạo ra rào cản phát triển các loại hình thể thao biển. Hoạt động thể thao biển ở Khánh Hòa chỉ có thể hoạt động từ tháng 12 đến tháng 09, cao điểm là từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm. Những tháng rơi vào mùa mưa, bão phải ngừng hoạt động. Chính yếu tố thời tiết này đã gây khó khăn cho các đơn vị khai thác, kinh doanh dịch vụ thể thao biển và người chơi cũng hạn chế tham gia.

bc-1734765389.jpg

Hoạt động thể thao biển không đơn thuần đem lại sức khỏe cho người tham gia tập luyện, mà còn đóng góp cho phát triển du lịch, kinh tế - xã hội tại Khánh Hòa. Theo thống kê hiện tại, Khánh Hòa có khoảng 40 doanh nghiệp tham gia tổ chức các hoạt động thể thao biển, chủ yếu là hoạt động thể thao giải trí biển. Với lượng khách tham gia hoạt động thể thao giải trí biển trung bình khoảng 2000 lượt khách/ngày và mức giá mỗi dịch vụ trung bình khoảng 500.000đồng/lượt, tùy vào từng hoạt động thể thao khác nhau. Từ đó, ước doanh thu từ dịch vụ hoạt động thể thao khoảng 1 tỷ đồng/ngày, bên cạnh đó, nó cũng gián tiếp phục vụ cho các hoạt động kinh tế thể thao như: sản xuất, cung cấp các dịch vụ hàng hóa, dịch vụ liên quan đến thể thao biển (trang thiết bị, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch, marketing, việc làm,…).

Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Sở Văn hoá và Thể thao Khánh Hòa đề xuất, kiến nghị với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch một số giải pháp phát triển trong thời gian tới đối với hoạt động thể thao biển, đặc biệt là thể thao giải trí biển, như: Sớm ban hành Thông tư, văn bản hướng dẫn về về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với  các môn thể thao biển đang phát triển hiện nay. Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các môn thể thao để làm cơ sở cho các tổ chức triển khai kinh doanh hoạt động thể thao, đơn vị sản xuất trang thiết bị thể thao áp dụng và là cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý thể thao xem xét cấp phép cho các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao. Ban hành hướng dẫn cụ thể về hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước, những hoạt động nào là hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước hoặc là môn thể thao giải trí dưới nước để thuận lợi hơn trong công tác quản lý của các cơ quan nhà nước. Hướng dẫn việc chấp thuận và công bố sản phẩm du lịch mạo hiểm (đối với các sản phẩm du lịch mạo hiểm là hoạt động thể thao mạo hiểm) theo hướng chỉ thẩm định, kiểm tra một lần nhằm hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các doanh nghiệp triển khai đầu tư, tổ chức hoạt động thể thao mạo hiểm nói chung và thể thao giải trí biển nói riêng.

Lê Minh