Huấn luyện viên Nguyễn Đăng Viễn miệt mài đóng góp cho Thể thao người khuyết tật Việt Nam

Hơn 20 năm gắn bó với Thể thao người khuyết tật, huấn luyện viên Nguyễn Đăng Viễn được biết đến là người thầy “khá mát tay”. Bởi các học trò của thầy đã mang về rất nhiều huy chương vàng, bạc, đồng ở các giải trong trong nước, các kỳ Para Games, ASIAN Para Games… Đặc biệt, vận động viên Võ Thanh Tùng đã xuất sắc giành tấm huy chương bạc nội dung 50m tự do ở Paralympic Rio 2016. 

2023 là năm thành công của đội tuyển Bơi người khuyết tật Việt Nam. Tại ASIAN Para Games 4 vừa được diễn ra hồi tháng 10 tại Hàng Châu (Trung Quốc), vận động viên Lê Tiến Đạt đã xuất sắc mang về tấm huy chương vàng duy nhất cho đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam ở nội dung Bơi 100m ếch nam (hạng thương tật SB5). Ngoài ra, đội tuyển Bơi cũng đóng góp cho đoàn Thể thao Việt Nam tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật 2 tấm huy chương bạc của "kình ngư" Đỗ Thanh Hải, Vi Thị Hằng; 2 tấm huy chương đồng của Vi Thị Hằng và Hà Văn Hiệp. Trước đó, tại ASEAN Para Games 12 được tổ chức ở Campuchia, đội tuyển Bơi giành 28 huy chương vàng, 19 huy chương bạc, 26 huy chương đồng, phá 17 kỷ lục Đại hội. Để có được thành tích này là sự nỗ lực không ngừng của các vận động viên người khuyết tật song cũng là thành quả của huấn luyện viên Nguyễn Đăng Viễn - người thầy luôn tận tâm với nghề, chỉ bảo tận tình cho các vận động viên.

thay-vien-1700433079.jpg
Huấn luyện viên Nguyễn Đăng Viễn

Huấn luyện viên Nguyễn Đăng Viễn tốt nghiệp chuyên ngành Bơi - Đại học Thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh năm 1990. Sau đó vài năm, thầy Viễn tham gia huấn luyện môn Bơi tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao Tân Bình. Đến năm 2002, để chuẩn bị cho kỳ Para Games tổ chức ở Việt Nam 2003, thầy Viễn mới chuyển sang huấn luyện cho vận động viên người khuyết tật. Thời điểm đó, thể thao người khuyết tật có rất ít huấn luyện viên nên bằng cái tâm và tình thương đối với các em, thầy Viễn đã “dốc sức” đào tạo các cô, cậu học trò khuyết tật.

Do đặc thù huấn luyện người khuyết tật cấp bậc từ nặng đến nhẹ, mỗi loại khuyết tật lại có cách huấn luyện khác nhau vì có người bị khuyết tật tay, chân, người lại khiếm thị hoặc tự kỷ. Nhất là đối với những vận động viên bị khiếm thị, huấn luyện viên phải theo sát vì khi gần về đích mà không chạm vào người để báo thì em sẽ lao vào thành bể.

Cho đến giờ, thầy Viễn vẫn còn nhớ đã có lần khi huấn luyện cho Nguyễn Thị Hảo - một vận động viên khiếm thị - chỉ một chút lơ là không tập trung, thầy đã không báo hiệu cho Hảo khi em sắp về đích nên cô bị đâm vào thành bể. Do đó, để học bơi đòi hỏi cả huấn luyện viên lẫn vận động viên phải nỗ lực gấp nhiều lần so với người bình thường. Đặc biệt đối với người khuyết tật, họ thường mặc cảm, tự ti nên nhiều khi cũng khó để họ tìm đến với thể thao. Trước mỗi cuộc thi, thầy Viễn đều tìm hiểu kỹ về đối thủ, phân tích tên tuổi, thành tích, thế mạnh và truyền thụ chiến thuật, giúp vận động viên nắm chắc phần thắng. Để có được lứa trò giỏi đòi hỏi người thầy phải tận tâm với nghề. Huấn luyện viên Nguyễn Đăng Viễn luôn lấy thành tích mà học trò đạt được làm niềm vui và động lực giúp thầy tiếp tục “sát cánh” cùng các vận động viên khuyết tật trên con đường chinh phục đỉnh cao.

Sau mỗi mùa giải, thầy Viễn lại tiếp tục công việc huấn luyện hàng ngày cho các học trò. Đội tuyển Bơi đã có 4 suất đạt chuẩn tham dự Paralympic Paris 2024 gồm các vận động viên: Lê Tiến Đạt, Trịnh Thị Bích Như, Đỗ Thanh Hải, cự ly tiếp sức 4x50m 20 điểm nam, nữ. Thầy Viễn cho biết: “Paralympic là đấu trường lớn nhất do vậy, thầy trò chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để đạt thành tích tốt nhất”.

thay-vien-2-1700433355.jpg
Thầy Nguyễn Đăng Viễn (áo vàng) cùng các học trò đội tuyển Bơi người khuyết tật Việt Nam tại ASIAN Para Games 4

Hơn 20 năm qua, huấn luyện viên Nguyễn Đăng Viễn dẫn dắt các vận động viên của đội tuyển Bơi người khuyết tật Việt Nam, đào tạo nhiều thế hệ thành danh cho Thể thao người khuyết tật nước nhà như: Nguyễn Thị Hảo - vận động viên khiếm thị đại diện Việt Nam tham dự Paralympic năm 2004 tại Athens (Hy Lạp); Nguyễn Quang Vương tham dự Paralympic Bắc Kinh năm 2008; Đỗ Thanh Hải, Vi Thị Hằng, Trịnh Thị Bích Như, Danh Hòa… là những vận động viên có nhiều thành tích tốt ở các kỳ Para Games.

Hiện nay, với vai trò là huấn luyện viên trưởng đội tuyển Bơi người khuyết tật Việt Nam, điều mà huấn luyện viên Nguyễn Đăng Viễn còn trăn trở đó là, nhiều vận động viên đã lớn tuổi, thi đấu nhiều năm. Trong khi đó, môn Bơi đòi hỏi thể lực. Muốn có lớp kế thừa cần có sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước nhiều hơn nữa để nhiều em đến tập luyện.

Với những đóng góp cho Thể thao người khuyết tật, huấn luyện viên Nguyễn Đăng Viễn đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động Hạng Ba, Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 5 lần liên tiếp gần đây đạt danh hiệu "Huấn luyện viên Thể thao người khuyết tật tiêu biểu toàn quốc"…

Phương Mai