Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm sẽ diễn ra ngày 28/3 tại Hà Nội

Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 28/3 tại Trung tâm Thể thao Ba Đình với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, cán bộ đầu ngành trong lĩnh vực Thể dục thể thao; các nhà báo, phóng viên chuyên theo dõi hoạt động Thể dục thể thao của ngành trong nhiều năm qua.

h-1-1743002244.webp
Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 28/3 tại Hà Nội

Hội thảo nhằm Phê duyệt Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) giai đoạn 2026-2046 (gọi tắt là Chương trình). Đại diện các địa phương, ban, ngành và đại diện nhiều Trung tâm Đào tạo Huấn luyện Thể dục thể thao trong cả nước sẽ tham dự Hội thảo góp ý Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 sắp tới. 

Đại diện Phòng thể thao thành tích cao (Cục Thể dục thể thao Việt Nam) chia sẻ, Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 là đề án có giá trị của cả nước chứ không riêng ngành thể thao. Vì thế, ý kiến trao đổi tới từ các đơn vị địa phương sẽ giúp ngành thể thao xây dựng tốt nhất về sự đồng bộ để đạt được tính thực tiễn tốt nhất.

Theo báo cáo của ông Hoàng Quốc Vinh - Trưởng Phòng Thể thao thành tích cao - tại buổi làm việc với lãnh đạo Cục Thể dục thể thao Việt Nam và các phòng, ban chuyên môn nhằm rà soát công tác chuẩn bị Hội thảo cho biết: Tính đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho Hội thảo đã hoàn tất. Ban Tổ chức đã nhận được tương đối đầy đủ các tham luận (dự kiến sẽ có 13 tham luận được các nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Thể dục thể thao trình bày tại Hội thảo), nội dung chương trình của Hội thảo. Cùng với đó, công tác lễ tân khánh tiết, cơ sở vật chất... phục vụ cho Hội thảo được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng.

h-2-1743002244.webp
Hội thảo nhằm Phê duyệt Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) giai đoạn 2026-2046

Sự kiện được tổ chức lần này chủ yếu tập trung vào các nội dung chính gồm: Phát triển lực lượng vận động viên, trọng tài chuyên môn trình độ cao trên toàn quốc đáp ứng được nhiệm vụ giành huy chương tại các kỳ Olympic, ASIAD theo Chiến lược phát triển Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.

Cùng với đó, tập trung bàn thảo về việc tìm ra các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế; ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ, đảm bảo cho việc tập luyện và thi đấu của vận động viên thể thao thành tích cao; xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù của thể thao thành tích cao.

Ngoài ra, các mục tiêu cụ thể về thành tích, huy chương cho vận động viên đỉnh cao Việt Nam tại đấu trường châu lục và thế giới được đặt ra đối với từng giai đoạn cũng được đưa ra bàn luận và lấy ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học và những người làm công tác huấn luyện các môn thể thao trọng điểm, đỉnh cao.

Từ năm 2025-2045, Thể thao Việt Nam sẽ trải qua 5 kỳ Olympic, 6 kỳ ASIAD và 11 kỳ SEA Games. Ngành Thể dục thể thao phải đầu tư từng đối tượng phù hợp, nhóm môn trọng điểm để hiện thực hóa khát vọng nâng tầm thành tích tại các đấu trường ASIAD, Olympic. Riêng với năm 2025, Thể thao Việt Nam sẽ tham dự 3 Đại hội Thể thao quốc tế lớn là SEA Games 33, Đại hội Thể thao trẻ châu Á và Đại hội Thể thao mùa Đông châu Á.

Để chuẩn bị cho các kỳ Olympic, ASIAD và SEA Games trong giai đoạn này ngành Thể thao đã xác định tập trung đầu tư 17 môn trọng điểm gồm: Bơi, Điền kinh, Bắn súng, Thể dục dụng cụ, Cử tạ, Đấu kiếm, Boxing, Taekwondo, Xe đạp, Cầu lông, Bắn cung, Judo, Vật, Đua thuyền (thuộc nhóm Olympic) và Wushu, Cầu mây, Karate (nhóm ASIAD).

a-1743002248.jpeg
Ngành Thể dục thể thao xác định tập trung đầu tư 17 môn trọng điểm

Về quy hoạch vận động viên trọng điểm: Hàng năm đầu tư khoảng 165-170 vận động viên trọng điểm ở 17 môn thể thao trọng điểm, cụ thể số lượng gồm: Điền kinh (3), Bắn súng (18), Bắn cung (9), Taekwondo (10), Cử tạ (12), Boxing (6), Đấu kiếm (6), Thể dục dụng cụ (6), Xe đạp (4), Judo (5), Vật (5), Bơi (5), Cầu lông (5), Đua thuyền (34), Karate (5), Wushu (12), Cầy mây (18). 

Ngày 14/3/2025, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 675/QĐ-BVHTTDL về Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nhiệm vụ cụ thể đặt ra phải thực hiện trong năm 2025 là: “Xây dựng, trình phê duyệt Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026 - 2046”. Chính vì vậy, các ý kiến đóng góp, đánh giá kết quả khi thực hiện nhiều nội dung liên quan tới thể thao thành tích cao của người làm chuyên môn tại Hội thảo lần này có giá trị quan trọng giúp xây dựng nội dung của Chương trình đạt hiệu quả và tính thực tiễn cao nhất.

Trước đó, năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030. Năm 2024, Bộ tiếp tục tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại mỗi Hội nghị kể trên, nhiều ý kiến được đưa ra giúp nhà quản lý nắm bắt thêm vấn đề khi bắt tay triển khai đầu tư, phát triển thể thao thành tích cao.

Mỹ Hạnh