Hiệu quả từ phong trào “Chống rác thải nhựa” ở Gia Lai

Tỉnh Gia Lai sau 3 năm phát động triển khai Phong trào “Chống rác thải nhựa” đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức, hình thành thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành, Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản về việc đẩy mạnh phong trào “Chống rác thải nhựa”; tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh… Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tổ chức ký Bản cam kết thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” với các cơ quan, đơn vị, hội, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, công tác tuyên truyền về “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn được da dạng hóa bằng các hình thức: loa phát thanh; nhóm Zalo, Facebook của các cấp Hội; treo băng rôn tuyên truyền tại trụ sở cơ quan, đơn vị nhân các ngày kỉ niệm: Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…

gia-lai-1659017104.jpg

Người dân tái sử dụng bình nhựa để trồng rau xanh

Trong 3 năm thực hiện phong trào, ngành Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh tổ chức 430 đợt tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về môi trường nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của mỗi công chức, viên chức, người lao động và hội viên phụ nữ.

Để thực hiện các nội dung cam kết chống rác thải nhựa hiệu quả, các cấp Hội phụ nữ ở các địa phương trong tỉnh đã thành lập 178 mô hình, câu lạc bộ: “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”, “Nói không với túi ni lông”, “Giảm thiểu rác thải nhựa”… với 5.420 thành viên tham gia. Thông qua các mô hình, câu lạc bộ “Nói không với rác thải nhựa”, phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện và các cấp Hội phụ nữ đã phát 2.000 túi xách sử dụng nhiều lần; hỗ trợ hàng ngàn sọt rác; tặng nhiều giỏ nhựa, gùi, túi vải, hộp đựng thức ăn cho các thành viên tham gia câu lạc bộ, mô hình. Từ đó, nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của chất thải nhựa, hình thành thói quen đi chợ bằng giỏ xách nhựa, túi vải cho chị em phụ nữ tại cơ sở.

Bà Rơ Ô H' Rin - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Đức Cơ (Gia Lai) - cho biết: Mô hình “Đi chợ bằng giỏ nhựa” triển khai ở thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) từ năm 2020 đến nay đã tạo thói quen cho người dân về việc không sử dụng túi ni lông, góp phần nâng cao nhận thức cho các hội viên về chống rác thải nhựa. Đặc biệt, Hội còn hướng dẫn hội viên ở các buôn, làng người đồng bào dân tộc thiểu số phân loại rác thải, giữ gìn môi trường sạch, đẹp.

gia-lai-2-1659017092.jpg

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn tồn tại, hạn chế như: thói quen sử dụng sản phẩm từ nhựa, túi ni lông do giá thành rẻ, tiện dụng. Bên cạnh đó, việc phân loại rác thải nhựa, tỉ lệ thu gom, tái chế thấp; công nghệ sản xuất, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần chưa được phổ biến, giá thành còn cao. Hiệu quả hoạt động của một số câu lạc bộ chưa rõ nét.

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đặc biệt là với Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh trong tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về môi trường; đẩy mạnh phong trào “Chống rác thải nhựa”; duy trì, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả; phát hiện và khen thưởng kịp thời gương cá nhân, tập thể thực hiện tốt phong trào “Chống rác thải nhựa”.

Minh Anh