Bổ sung nhiều nội dung mới
Nghiên cứu dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), ThS. Nguyễn Thị Hường nhất trí với nội dung của dự thảo Luật đã đưa khái niệm “công nghiệp điện ảnh” và “thị trường điện ảnh” tại khoản 4 Điều 3; đồng thời quy định rõ tại khoản 2, khoản 3 Điều 6: “Phát triển thị trường điện ảnh trong nước gắn với các sản phẩm, dịch vụ điện ảnh phụ trợ đi kèm và các ngành kinh tế khác” và “Chủ động hội nhập thị trường điện ảnh khu vực và thế giới; đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng giao lưu, quảng bá phim với các nước trong khu vực và trên thế giới”.
Theo ThS. Nguyễn Thị Hường đây là một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này, bởi một khung pháp lý đầy đủ và hiệu quả sẽ là cơ sở quan trọng trong việc bảo hộ quyền tác giả, bảo hộ doanh nghiệp điện ảnh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập sâu rộng quốc tế, góp phần phát triển thị trường điện ảnh cạnh tranh minh bạch, lành mạnh theo các cam kết quốc tế, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, nhưng cũng góp phần hạn chế tác động bất lợi của các Hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương mà Việt Nam đã ký kết với các nước và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Hiệp định thương mại WTO.
Về vấn đề xuất khẩu phim, dự thảo Luật quy định Phim xuất khẩu phải có Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng. Tuy nhiên, ThS. Nguyễn Thị Hường cho rằng, quy định này chưa thực sự bao quát, dường như có sự phân biệt giữa việc phim xuất khẩu theo hình thức truyền thống với phim xuất khẩu trên Internet. Vì vậy, Ban Soạn thảo cần cân nhắc sao cho bảo đảm tính dễ tiếp cận, dễ thực hiện, bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính theo quy định tại khoản 4 Điều 5 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về vấn đề sản xuất phim, ThS. Nguyễn Thị Hường cho biết, Luật Điện ảnh hiện hành: (i) chưa quy định cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thu hút đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam cũng như thu hút đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực điện ảnh; (ii) có quy định về việc khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật, tuy nhiên chưa có những văn bản hướng dẫn hay chính sách cụ thể, cơ chế nhằm ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh; (iii) sự thiếu bình đẳng, bất cập trong việc áp dụng chính sách đầu tư phát triển điện ảnh Việt Nam giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân là vấn đề “nóng” trong nhiều năm qua. Vì vậy, việc đầu tư cho sản xuất phim, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng điện ảnh còn gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này đã quy định khá chi tiết tại chương II gồm 4 điều từ Điều 12 đến Điều 15, bên cạnh việc việc khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật, đồng thời đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ trong đó quy định về chế tài chặt chẽ hơn đối với cơ sở điện ảnh sản xuất phim, nhà sản xuất phim, biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên và các thành viên khác trong đoàn làm phim, vấn đề cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, vấn đề sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên.
Về vấn đề phát hành phim, phổ biến phim và vấn nạn vi phạm bản quyền: Việc phổ biến phim trên không gian mạng đã được đề cập tại Điều 22 Dự thảo Luật Điện ảnh. Như vậy, có thể thấy phổ biến phim trên mạng đã nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Điện ảnh.Theo đó, tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng: “ Phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 32 Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim”. Nhìn chung, quy định này phù hợp với xu thế phát triển và thực tiễn ở nhiều nước, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề bản quyền tại Việt Nam được đặt ra khi nhiều bộ phim trước khi công chiếu đã bị phát lậu trên nền tảng Internet, có bộ phim bị độc giả vô tư livestream khi đang chiếu rạp nhưng mức phạt lại quá nhẹ. Theo thống kê của Cục Điện ảnh, hiện có hơn 400 website phim tiếng Việt đang công khai chiếu hàng chục nghìn bộ phim trên internet trong khi các tác phẩm chưa được chủ các website này mua bản quyền, có nhiều trang web phát lậu và liên tục đổi tên miền để vi phạm bản quyền, những trang này có lượt truy cập lên đến cả trăm triệu view mỗi tháng. Một trong những lý do khiến các website phim lậu ngang nhiên tồn tại đó là việc xử phạt vi phạm bản quyền ở Việt Nam quá nhẹ so với lợi ích mà các web phim lậu thu được. Để các nhà làm phim an tâm, nhiều nhà làm phim đề nghị cần phải có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn vấn nạn trên.
ThS. Nguyễn Thị Hường cho rằng, đây cũng là một trong những vấn đề trọng tâm được Ban soạn thảo hết sức chú trọng trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Điện ảnh. Đồng thời, để xử lý triệt để các hành vi xâm phạm, cũng cần phải có sự trợ giúp tích cực từ phía các nhà mạng và sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ phía các cơ quan có thẩm quyền (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính,…) trong công tác phối hợp xử lý vấn nạn này.
Về vấn đề phân loại phim, quy định tại dự thảo đã kế thừa được kinh nghiệm thực tế, có sự tiếp thu các ý kiến của các nhà phổ biến phim trong quá trình biên soạn và có sự tham khảo kinh nghiệm của các nước. Việc bổ sung phim loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi đối với các phim vốn chỉ được phép chiếu cho người xem từ đủ 13 tuổi trở lên với điều kiện xem cùng cha mẹ và người giám hộ. Bổ sung phim loại K trong bảng phân loại phim thể hiện Ban soạn thảo đã rất cầu thị lắng nghe ý kiến góp ý, tạo điều kiện không chỉ cho doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện cho các gia đình nhiều thế hệ trong việc thụ hưởng các tác phẩm điện ảnh trong hệ thống các rạp.
Ths.Nguyễn Thị Hường cũng lưu ý vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý và thực thi pháp luật nhằm giảm những hạn chế về tác động tiêu cực từ xâm lấn về văn hóa là vô cùng quan trọng. Việc quản lý sản xuất phim, giám định phim, phổ biến phim thông qua các chế tài đủ mạnh sẽ góp phần hạn chế sự xâm lấn của văn hóa độc hại, đem đến cho công chúng những tác phẩm có giá trị, có chất lượng cao.
Lượng hóa cụ thể hơn các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển điện ảnh
Theo ThS. Nguyễn Thị Hường để hoàn thiện chính sách, pháp luật thì giải pháp căn cơ là xây dựng, ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi) thay thế Luật Điện ảnh hiện hành, trên cơ sở đó rà soát tổng thể để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hệ thống các văn bản dưới Luật về điện ảnh bảo đảm phù hợp với Luật Điện ảnh (sửa đổi) và các Luật khác có liên quan. Việc quy định chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển điện ảnh. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển điện ảnh được quy định trong Luật cần được lượng hóa cụ thể hơn để bảo đảm minh bạch, khả thi.Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chính sách về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển điện ảnh, kể cả sản xuất, phát hành, phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị phải trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, khả thi.
Góp ý nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tới đây, ThS. Nguyễn Thị Hường đề xuất một số nội dung cụ thể:
Một là, về chiến lược công nghiệp văn hóa: cần chú trọng: (i) thúc đẩy thực hiện việc đầu tư công trung hạn để có những thiết chế văn hóa cấp quốc gia theo yêu cầu của Chiến lược công nghiệp văn hóa; (ii) tăng cường chức năng quản lý nhà nước trong thực hiện chỉ đạo các hãng phim, đặt hàng tạo ra những bộ phim mà công chúng đón nhận, xây dựng đề án xác định thương hiệu Liên hoan phim; (iii) thông qua Liên hoan phim quốc tế giới thiệu điện ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế và tăng cường hơn nữa việc quảng bá phim Việt Nam, xuất khẩu tác phẩm điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
Hai là, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim: Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh thông qua cơ chế thông thoáng, đảm bảo tính đặc thù của hoạt động nghệ thuật, từ đó nâng dần số lượng và chất lượng phim Việt Nam phục vụ nhân dân, bảo vệ nền điện ảnh dân tộc; sửa đổi quy định về thành lập cơ sở sản xuất phim, đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; hoàn thiện hơn nữa việc quy định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh để hỗ trợ sản xuất phim Việt Nam và thưởng cho những phim Việt Nam có giá trị nội dung, nghệ thuật và tính nhân văn; áp dụng chính sách hỗ trợ, khuyến khích về tài chính đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện dự án sản xuất phim tại Việt Nam.
Ba là, tạo bình đẳng, hỗ trợ, khuyến khích hoạt động phát hành và phổ biến phim Việt Nam: Cần tạo sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp điện ảnh trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong hoạt động phát hành, phổ biến phim; tạo hành lang pháp lý tăng cường hỗ trợ phát hành, chiếu phim Việt Nam, đặc biệt đối với phim nghệ thuật trong hệ thống rạp chiếu phim nhằm bảo vệ và phát triển điện ảnh dân tộc.
Bốn là, khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước: Việc đẩy mạnh xã hội hóa và tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, xã hội có thể tham gia quảng bá điện ảnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính sách phát triển điện ảnh. Vì vậy, cần nghiên cứu bãi bỏ quy định về việc đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài để phù hợp với thực tiễn và quy định của các bộ luật khác có liên quan; sửa đổi quy định tại Luật Điện ảnh về tổ chức Liên hoan Phim quốc gia và quốc tế, Tuần phim nhằm tăng cường xã hội hóa theo hướng tạo hành lang pháp lý và khuyến khích các tổ chức có chuyên môn, có đủ nhân lực và tài chính được phép phối hợp và đăng cai tổ chức các sự kiện xúc tiến quảng bá điện ảnh trong nước và ở nước ngoài.
Năm là, đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật: (1) Cần bổ sung những quy định mới trong Luật Điện ảnh phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ điện ảnh và CMCN 4.0 nhằm tạo hành lang pháp lý trong việc quản lý phát hành, phổ biến phim trên không gian mạng; bổ sung các quy định trong Luật làm cơ sở pháp lý cho các đơn vị lưu trữ khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ lưu chiểu, lưu trữ đầy đủ và đúng thời hạn phim điện ảnh Việt Nam dưới dạng kỹ thuật số,...; (2) Cần kết hợp giữa giải pháp pháp lý và giải pháp công nghệ đối với những hành vi sử dụng công nghệ để xâm phạm bản quyền, đẩy mạnh và chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm soát, hậu kiểm.