Hội nghị góp ý kiến Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Ngày 6/5, tại Ninh Bình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị, Hội thảo góp ý Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương đồng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và tổ chức, cá nhân có liên quan góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), Quốc hội Khóa XV theo Kế hoạch.

3966-1651863011.jpg
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ cho biết, trên cơ sở tổng kết đánh giá những mặt được và hạn chế trong quá trình triển khai, thực thi Luật PCBLGĐ năm 2007, đồng thời tiếp thu cập nhật bổ sung những quy định mới để phù hợp với thực tiễn và các vản bản pháp luật, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan chủ trì soạn thảo đã tích cực triển khai thực hiện xây dựng và hoàn thiện Dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Qua nhiều lần xin ý kiến các bộ, ban, ngành địa phương, Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo đã hoàn thiện dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi). 

Thứ trưởng nhấn mạnh, cho tới thời điểm hiện nay, dự án đang tiến triển theo chiều hướng tích cực, Hội nghị là một bước trong quy trình xin ý kiến để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. Theo tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, dự án được trình sửa đổi dựa trên các nghị quyết của Chính phủ và được Chính phủ thông qua. Về quan điểm, xây dựng dự án luật dựa trên 4 quan điểm lớn: Thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về gia đình; Bảo đảm phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng gia đình Việt Nam và Phòng chống bạo lực gia đình trong tình hình mới; Tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp giữa các cam kết quốc tế và tình hình thực tiễn của Việt Nam; Kế thừa đầy đủ các chế định cơ bản của Luật hiện hành còn phù hợp, có điều chỉnh, sửa đổi để khắc phục những vướng mắc, bất cập và bổ sung những vấn đề mới phát sinh.

3967-1651863011.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu tập trung vào những vấn đề lớn gồm: Trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc triển khai thi hành Luật; Việc xử lý và xác minh tin báo, tố giác về bạo lực gia đình; Những quy định về phòng ngừa bạo lực gia đình 3 cấp độ. 

Một số tham luận cụ thể như: Kinh nghiệm và kỹ năng xử lý bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em; Vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nũ Việt Nam trong việc trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình; Phát huy vai trò của các cấp Hội trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình…

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều, tăng 16 điều so với Luật hiện hành. Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.
P.V