Đội tuyển Việt Nam và chu kỳ vô địch Đông Nam Á

Lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) mới đây thổ lộ rằng, rất muốn rút ngắn chu kỳ vô địch Đông Nam Á vốn kéo dài tới 10 năm, dù thực tế đội tuyển Việt Nam cũng chỉ mới lên ngôi 2 lần vào năm 2008 và 2018…

aff-suzuki-cup-2018-e1622608360762-1718765845.jpg
Đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018

Thực ra, khoảng cách 10 năm được xác lập giữa 2 lần lên ngôi vô địch của đội tuyển Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Calisto năm 2008 và Park Hang-seo năm 2018 không hẳn đã là chu kỳ. Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đang là đội bóng giàu thành tích nhất với 7 lần vô địch, tiếp đến là Singapore với 4 lần lên ngôi, đều không theo chu kỳ nào. Đội tuyển Việt Nam mới có 2 lần vô địch cách nhau 10 năm và không ai biết chắc khi nào sẽ lặp lại với lần thứ ba.

Bóng đá Đông Nam Á đang chứng kiến quá nhiều thay đổi với làn sóng nhập tịch cầu thủ mới nổi lên và lập tức đem đến thành công khi đội tuyển Indonesia có lần đầu tiên giành quyền đi tiếp vào vòng loại thứ ba World Cup 2026 khu vực châu Á. Philippines từ lâu cũng đã dựa vào nguồn cầu thủ nhập tịch đang thi đấu tại châu Âu và Mỹ để tăng cường thêm sức mạnh cho đội tuyển, nhưng chỉ bóng đá nữ gây được ấn tượng với chức vô địch Đông Nam Á, còn đội tuyển bóng đá nam thì vẫn chưa tạo được bước đột phá đáng kể nào.

park7892-1-1718765969.jpg
Nhưng Quang Hải và đồng đội cũng đã 2 lần lỗi hẹn khi không thể vượt qua Thái Lan tại AFF Cup 2020 và 2022

Singapore sau lần cuối cùng lên ngôi vô địch Đông Nam Á tại AFF Cup 2012 đã biệt tăm trong các trận chung kết suốt 12 năm qua, trong khi đội tuyển Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo dù liên tiếp gặt hái được thành công ở sân chơi châu lục, nhưng cũng chỉ có thêm 1 lần đăng quang tại AFF Cup 2018 và sau đó phải nhận 2 thất bại liên tiếp trước Thái Lan tại AFF Cup 2020 và 2022. Chắc chắn sẽ không tồn tại chu kỳ cố định nào cho các đội tuyển giành ngôi vô địch Đông Nam Á mà hoàn toàn phụ thuộc vào thực lực và điều kiện thực tế.

Vậy nên, chuyện Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nói rằng: “Đội tuyển Việt Nam từng vô địch AFF Cup sau chu kỳ 10 năm, giờ chúng ta nỗ lực làm điều đó trong 6 năm…”, thực ra chỉ là mong muốn. Bóng đá đâu thể nói trước được điều gì, như ông Troussier từng mơ cùng đội tuyển Việt Nam đi dự World Cup nhưng lại bị “chìm xuồng” ngay ở “vùng trũng” Đông Nam Á khi để thua 3 trận liên tiếp trước Indonesia, khiến đội tuyển Việt Nam tụt dài trên Bảng xếp hạng FIFA và phải dừng bước ngay sau vòng loại thứ hai ở khu vực châu Á.

448095480-780390560961526-6550585514695155987-n-1718766091.jpg
Tân huấn luyện viên Kim Sang-sik được giao chỉ tiêu đưa đội tuyển lọt vào chung kết ASEAN Cup 2024

Tân huấn luyện viên Kim Sang-sik dù rất nỗ lực góp nhặt lại những hy vọng và huy động gần như tất cả nguồn lực với sự trở lại của các cựu binh, nhưng vẫn không thể cứu vãn được tình thế. ASEAN Cup 2024, đội tuyển Việt Nam tiếp tục nằm cùng bảng với Indonesia và Philippines, bên cạnh còn có Myanmar và Lào nên cuộc đua giành vé vào bán kết được dự báo rất khó lường. Chưa kể, thời điểm đội tuyển tham dự ASEAN Cup 2024 còn trùng với Lịch thi đấu của các câu lạc bộ tại các Cúp châu Á mùa giải 2024-2025, nên việc tập hợp lực lượng chắc chắn sẽ khó khăn hơn khi các đội bóng không có nghĩa vụ bắt buộc phải nhường quân cho đội tuyển.

Rút ngắn chu kỳ vô địch, nói thì đơn giản nhưng cũng phải xem “thiên thời, địa lợi “ và đặc biệt “nhân hòa” như thế nào mới có cơ hội. Thiết thực nhất là VFF phải khẩn trương tìm được “quân xanh” chất lượng cho đội tuyển thi đấu, tập rượt trong dịp FIFA Days tháng 9, 10 và 11 tới, đừng như kiểu Troussier từng bỏ qua quãng nghỉ FIFA Days hay chỉ tập trung đội tuyển cho có và tập chay cùng cầu thủ trẻ như hồi đầu năm 2023. “Văn ôn, võ luyện” mà lơ là, không chăm chỉ đổ mồ hôi thì đừng mong rút ngắn chu kỳ thành công.

lichthidau-aseanchampionship24-1718766189.png
Đan Phượng