Đội tuyển Việt Nam: Tân huấn luyện viên và bài toán hai trong một

Tuy Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vẫn chưa công khai danh tính, nhưng điều chắc chắn tân huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam sẽ phải đảm nhận luôn vai trò dẫn dắt đội tuyển U23 Việt Nam sau khi hai huấn luyện viên Park Hang-seo và Gong Oh-kyun đều đã ra đi…

tan-huan-luyen-vien-doi-tuyen-viet-nam-nhieu-kha-nang-se-dan-dat-ca-doi-tuyen-va-u23-viet-nam-1676001791.jpg
Tân huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam nhiều khả năng sẽ dẫn dắt cả đội tuyển và U23 Việt Nam

Công thức “hai trong một” được áp dụng rộng rãi ở “vùng trũng” Đông Nam Á và một vài nước châu Á, nhưng nhìn rộng ra thế giới thì lại không có nhiều quốc gia áp dụng mô hình này. Đặc biệt với các huấn luyện viên tới từ châu Âu, nơi luôn có sự phân biệt rạch ròi giữa đội tuyển và các đội trẻ. Bóng đá Việt Nam tất nhiên có đặc điểm riêng khi VFF vẫn thường có thói quen “khoán gọn” cả đội tuyển và U23 Việt Nam cho một huấn luyện viên dẫn dắt. Từ thời Tavares tới Weigang, sau này có Calisto, Riedl… đều cùng lúc nắm cả hai đội tuyển theo kiểu “một công đôi việc” vừa để bổ sung cho nhau, vừa tiết kiệm chi phí trả lương cho huấn luyện viên ngoại.

Thời ông Park, tuy gặt hái được vô số thành công cả với đội tuyển và U23 Việt Nam, nhưng sau gần 4 năm “chạy show” qua lại giữa hai đội tuyển, đặc biệt là ở những thời điểm cả hai đội đều tập trung và thi đấu như tại Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, Vòng chung kết U23 châu Á hay SEA Games… huấn luyện viên người Hàn Quốc nhiều khi phải giao lại đội tuyển U23 cho các trợ lý để tập trung cho đội tuyển. Nhận thấy những bất cập và mệt mỏi, sau SEA Games 31, huấn luyện viên Park Hang-seo đã quyết định rút lui, giao đội tuyển U23 lại cho huấn luyên viên Gong Oh-kyun dẫn dắt tại Vòng chung kết U23 châu Á 2022.

huan-luyen-vien-park-ang-seo-tung-tra-lai-doi-u23-viet-nam-sau-gan-4-nam-kiem-nhiem-thheo-phhuong-an-2-trong-1-1676001890.jpg
Huấn luyện viên Park Hang-seo từng trả lại đội U23 Việt Nam sau gần 4 năm kiêm nhiệm

Nhìn sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia có thời điểm giao hầu hết các đội tuyển lớn bé cho huấn luyện viên Shin Tae-yong. Mãi tới gần đây, ông thầy người Hàn mới quyết định buông tay, trả lại đội tuyển U22 cho huấn luyện viên Indra Sjafri. Ngay cả Thái Lan, vốn đang theo đuổi mô hình bóng đá châu Âu, nhưng khi gặp khó cũng đã từng giao đội tuyển U23 cho huấn luyện viên Mano Polking dẫn dắt. Keisuke Honda sau nhiều năm làm “tổng quản”, mới đây cũng đã quyết định từ chức huấn luyện viên đội tuyển và giờ chỉ còn dẫn dắt U22 Campuchia tập trung cho SEA Games 32.

Trên thực tế, Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng đã đôi lần tính bỏ phương án “hai trong một” để các huấn luyện viên, đặc biệt là tập trung cho đội tuyển, nhưng chỉ sau thời gian ngắn lại quay về cách làm cũ. Tân huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam sắp được bổ nhiệm nhiều khả năng vẫn sẽ phải đối diện với bài toán “hai trong một” để tính toán ưu tiên cho đội tuyển hoặc U23 Việt Nam tùy từng thời điểm. Năm nay, đội tuyển Việt Nam sẽ chỉ có hai trận tại Vòng loại World Cup 2026, nhưng U23 Việt Nam lại khá bận rộn với các giải đấu từ SEA Games 32, Vòng loại U23 châu Á, ASIAD 19…

Phương án “hai trong một” tuy có thuận lợi khi huấn luyện viên nắm cả đội tuyển và lứa cầu thủ kế cận để dễ dàng bổ sung cho nhau, nhưng về lâu dài thì chưa chắc đã tốt khi các huấn luyện viên phải chịu nhiều áp lực, bị phân tâm vào các mục tiêu khác nên không thể toàn tâm, toàn ý lo cho đội tuyển. Để có thể cạnh tranh một suất vé tham dự World Cup trong vòng 4 đến 8 năm tới, đội tuyển Việt Nam hiện đang nằm trong top 100 của FIFA, xếp hạng 17 châu Á cần phải tạo ra đột phá để vươn tầm. Tân huấn luyện viên cũng không nhất thiết ôm đồm quá nhiều việc thay vì chỉ tập trung cho đội tuyển.

Việt Hưng