Đội tuyển nữ Việt Nam: Lựa chọn của huấn luyện viên Mai Đức Chung

Đá phòng ngự - phản công chính là sự lựa chọn của huấn luyện viên Mai Đức Chung trong bối cảnh, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ phải đối đầu với những đối thủ có đẳng cấp vượt trội và chiếm ưu thế về thể hình, thể lực ở Vòng chung kết Bóng đá nữ thế giới - FIFA World Cup nữ 2023.

Diện mạo của đội tuyển nữ Việt Nam đang dần hiện rõ qua 2 trận đấu giao hữu gần đây với lối chơi phòng ngự - phản công. Thậm chí, huấn luyện viên Mai Đức Chung chấp nhận cho các cầu thủ chơi với đội hình thấp, lùi sâu về phần sân nhà và tổ chức hệ thống phòng ngự nhiều lớp với số đông cầu thủ ngay trước cầu môn. Nói là chơi phòng ngự - phản công, nhưng có lẽ ông Chung đã có dụng ý dành sự ưu tiên, đảm bảo chắc chắn trong khâu phòng ngự sau đó mới tính những phương án phản công khi có cơ hội.

Thực tế, lối đá phòng ngự chặt, tận dụng cơ hội phản công nhanh của đội tuyển nữ Việt Nam đã cho thấy hiệu quả trong trận đấu giao hữu với đội tuyển Đức. Tuy để thua 1-2, nhưng vẫn có thể coi là kết quả lạc quan khi đối đầu với đội bóng xếp hạng 2 thế giới, đặc biệt tiền vệ trẻ Thanh Nhã còn ghi được bàn thắng đẹp.

Đội chủ nhà New Zealand không mạnh bằng Đức, nhưng tinh thần thi đấu và quyết tâm thì hơn hẳn. Sau chuỗi 10 trận không thắng, huấn luyện viên Jitka Klimkova và các cầu thủ nữ New Zealand đang rất cần một kết quả tích cực để giải tỏa áp lực và tìm lại sự hưng phấn trước khi bước vào cuộc đua tại Vòng chung kết Bóng đá nữ thế giới - FIFA World Cup nữ 2023. Áp lực thành tích càng lớn hơn, bởi New Zealand với vị thế chủ nhà được đặt rất nhiều kỳ vọng.

cac-trung-ve-doi-tuyen-nu-viet-nam-khong-theo-kip-toc-do-cua-cac-cau-thu-nu-new-zealand-1689046858.jpg
Các trung vệ đội tuyển nữ Việt Nam không theo kịp tốc độ của các cầu thủ nữ New Zealand

Không ngạc nhiên khi các cầu thủ nữ New Zealand nhập cuộc đầy quyết tâm, thi đấu không khoan nhượng và phô diễn sức mạnh, dù đây chỉ là trận đấu giao hữu. Huấn luyện viên Mai Đức Chung và đội tuyển Việt Nam cũng chỉ mong đối thủ chơi hết mình để có cơ hội nhìn ra những sai sót và hạn chế để kịp thời điều chỉnh trước khi bước vào những trận đấu chính thức. Hai bàn thua của đội tuyển nữ Việt Nam trước New Zealand đều đến từ những sai sót của hàng phòng ngự.

huynh-nhu-khong-co-nhieu-co-hoi-khi-doi-tuyen-nu-viet-nam-choi-phong-ngu-so-dong-truoc-chu-nha-new-zealand-1689046722.jpg
Huỳnh Như không có nhiều cơ hội, khi đội tuyển nữ Việt Nam chơi phòng ngự số đông trước chủ nhà New Zealand

Các cầu thủ nữ New Zealand chơi bóng nhanh, sẵn sàng áp sát và liên tục gây áp lực nên việc các hậu vệ mắc lỗi là khó tránh khỏi. Ngoài ra, việc đội tuyển nữ Việt Nam phải lùi đội hình quá sâu về phần sân nhà cũng khiến đối thủ có cơ hội kiểm soát trận đấu với tỷ lệ cầm bóng vượt trội, gấp đôi đội tuyển nữ Việt Nam. Đội chủ nhà có tới 27 cú sút về phía khung thành của Kim Thanh, trong khi đội tuyển nữ Việt Nam chỉ có duy nhất một cú dứt điểm đáng chú ý của Thanh Nhã. Huấn luyện viên Mai Đức Chung thừa nhận: “Sau trận đấu này, tôi sẽ phải có những điều chỉnh để các các cầu thủ thi đấu thanh thoát hơn, các động tác xử lý phải nhanh và chính xác. Khả năng chuyền bóng của cầu thủ nữ Việt Nam chưa thực sự tốt, cần phải khắc phục ngay, nhưng thể lực và tinh thần thi đấu lại là điều khiến tôi hài lòng hơn”.

co-hoi-duy-nhat-cua-doi-tuyen-la-cu-sut-bi-hau-ve-new-zealand-can-pha-cua-thanh-nha-1689046897.jpg
Cơ hội duy nhất của đội tuyển nữ Việt nam là cú sút bị hậu vệ New Zealand cản phá 

Đội tuyển nữ Việt Nam sẽ có trận đấu giao hữu cuối cùng, gặp đội tuyển nữ Tây Ban Nha vào ngày 14/7, nhưng ở thời điểm hiện tại đã có thể hình dung phần nào diện mạo của đội tuyển nữ Việt Nam với lối chơi phòng ngự - phản công khi phải đối đầu với những đối thủ có đẳng cấp vượt trội và chiếm ưu thế về thể hình, thể lực ở Vòng chung kết Bóng đá nữ thế giới - FIFA World Cup nữ 2023.

huan-luyen-vien-mai-duc-chung-va-huan-luyen-vien-jitka-klimkova-cua-doi-chu-nha-1689047037.jpg
Huấn luyện viên Mai Đức Chung và huấn luyện viên Jitka Klimkova của đội chủ nhà
Việt Hưng