
Buổi làm việc nằm trong khuôn khổ chương trình “Khóa đặc huấn quốc tế Vovinam - Việt Võ Đạo 2025” do Tổng Liên đoàn Vovinam - Việt Võ Đạo Thế giới phối hợp cùng Viện Khoa học Huấn luyện Võ thuật Việt Nam và Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội từ ngày 5 đến 14/7.
Tại buổi làm việc, Tiến sĩ Võ Danh Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật Thế giới, Giám đốc Trung tâm Hợp tác và Đổi mới Sáng tạo (Viện Khoa học Huấn luyện Võ thuật Việt Nam) - đã báo cáo tổng thể chương trình Khóa đặc huấn, nêu bật những kết quả nổi bật như: Khoá đặc huấn đã thu hút gần 60 võ sư, huấn luyện viên, môn sinh đến từ 18 quốc gia tham dự; Kết nối với hơn 150 học viên hệ thống trường IVS. Trong thời gian diễn ra, các học viên được tham gia các hoạt động viếng Tổ đường, về nguồn tại Thạch Thất và giao lưu biểu diễn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Khóa đặc huấn năm nay còn đánh dấu một bước ngoặt quan trọng là kết nối võ thuật truyền thống với quảng bá văn hóa, du lịch quốc gia.
Đại diện đơn vị phối hợp nghệ thuật, Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Trinh - Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam - trình bày về ý nghĩa của sự kết hợp giữa võ đạo - văn hóa - biểu diễn dân gian, khẳng định mô hình huấn luyện - truyền cảm hứng thông qua các giá trị truyền thống dân tộc có thể trở thành điểm sáng trong xây dựng bản sắc văn hóa Việt.
Phát biểu tại buổi tiếp, PGS. TS Nguyễn Danh Hoàng Việt - Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam - bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao những nỗ lực của đoàn và các đơn vị liên quan. Cục trưởng nhận định: “Chương trình đã khẳng định tầm vóc quốc tế và bản sắc văn hóa võ Việt. Đây không chỉ là một hoạt động chuyên môn, mà còn mang ý nghĩa bang giao, đóng góp tích cực vào quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè thế giới - đặc biệt là nước Pháp”.

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam Nguyễn Danh Hoàng Việt đặc biệt xúc động khi ngày Quốc khánh Pháp 14/7/2025, đoàn Võ sư quốc tế đã có mặt tại Hà Nội và chọn đúng thời điểm này để báo cáo chính thức với Cục Thể dục thể thao Việt Nam, như một biểu tượng văn hóa giao lưu bền chặt giữa 2 quốc gia. Cục trưởng đề xuất tiếp tục duy trì, mở rộng các mô hình tương tự trong tương lai, gắn kết giữa thể thao - văn hóa - du lịch.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, Võ sư Trần Nguyên Đạo - Chủ tịch Hội đồng Võ sư Thế giới thuộc Tổng Liên đoàn Vovinam - Việt Võ Đạo Thế giới - đã khái quát về phong trào Vovinam toàn cầu, bao gồm các hệ thống hoạt động tại châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Úc và châu Á. Ông nhấn mạnh vai trò đặc biệt của Việt Nam trong công tác đào tạo, truyền thừa và tổ chức các sự kiện quốc tế, đồng thời kiến nghị cần tiếp tục xây dựng một hệ sinh thái võ thuật quốc tế lấy Việt Nam làm trung tâm huấn luyện - kiểm định - lan tỏa giá trị.
Cũng trong ngày, đoàn có buổi làm việc với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, thảo luận về khả năng gắn kết võ thuật với phát triển du lịch văn hóa - tâm linh - cộng đồng. Các mô hình thí điểm được đề cập bao gồm: Du lịch võ đạo tại Thạch Thất (quê hương Sáng tổ Nguyễn Lộc). Các đợt đặc huấn võ thuật kết hợp với du lịch các vùng miền có lịch sử võ thuật như: Bình Định, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, đoàn đã đến thăm và chào xã giao PGS. TS Nguyễn Danh Thái - Nguyên Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc gia Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Thế giới (WVVF) tại tư gia ở Từ Sơn (Bắc Ninh). Cuộc gặp gỡ mang đậm nghĩa tình của các thế hệ kế thừa trong làng võ đạo Việt Nam.

Lần đầu tiên trong lịch sử, một khóa huấn luyện võ thuật truyền thống được kết nối chính thức với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Cục Thể dục thể thao Việt Nam. Không còn là một hoạt động khép kín trong võ đường, Vovinam đang được hoạch định như một cầu nối văn hóa - giáo dục - thể thao xuyên biên giới.
Buổi làm việc kết thúc trong tinh thần đoàn kết - cởi mở - hợp tác chiến lược, đánh dấu một cột mốc đáng nhớ trong hành trình quốc tế hóa môn phái Vovinam - Việt Võ Đạo. Sự ghi nhận từ lãnh đạo ngành Thể thao, sự góp mặt của các nghệ sĩ, học giả, nhà giáo, nhà quản lý, đã cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của mô hình võ thuật kết hợp văn hóa - giáo dục - ngoại giao nhân dân.