Bồi dưỡng nhân lực qua giải vô địch quốc gia
Giải vô địch Điền kinh quốc gia 2024 kết thúc tại Đồng Nai tháng 11 vừa qua, Điền kinh Việt Nam lựa chọn ngay các vận động viên tài năng, đạt thành tích cao, đầu tư trọng điểm để hướng tới ASIAD 2030. Giải năm nay thu hút hơn 500 vận động viên đến từ 52 đội tuyển tỉnh, thành phố và ngành đua tranh 50 bộ huy chương (24 của nam, 24 của nữ và 2 nội dung tiếp sức hỗn hợp 4x100m và 4x400m). Chung cuộc, đội Hà Nội nhất toàn đoàn với 8 huy chương vàng, đội Quân đội nhì với 7 huy chương vàng và đội thành phố Hồ Chí Minh về ba với 5 huy chương vàng. Toàn giải có 17 đơn vị giành huy chương vàng, Hải Phòng xếp thứ 12 với 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 1 huy chương đồng. Như vậy, so với năm ngoái giành 3 huy chương vàng, năm nay Điền kinh Hải Phòng đánh mất 2 huy chương vàng.
Sau gần 1 tuần tranh tài, bên cạnh các tuyển thủ quốc gia vẫn bảo vệ được thành tích, trong đó Nguyễn Thị Oanh vô đối ở 3 cự ly 1.500m, 5.000m, 3.000m vượt chướng ngại vật, thì giải có 7 kỷ lục quốc gia bị phá, là kỳ giải có nhiều kỷ lục nhất suốt mấy năm qua. Các vận động viên trẻ, nguồn tài năng cũng có thành tích tốt tại giải này. Rõ nhất ở nội dung 400m rào nam, thành tích về tay các vận động viên dưới 20 tuổi với Lê Quốc Huy (Quảng Nam, 19 tuổi) giành huy chương vàng và Nguyễn Trung Quốc (Hải Phòng) giành huy chương đồng.
Ở giải năm nay, 2 vận động viên giành huy chương vàng năm ngoái cho Hải Phòng là Hoàng Thanh Giang (nhảy xa nữ) và Vũ Đức Anh (nhảy cao nam) chỉ giành huy chương bạc bởi bằng thành tích với đối thủ nhưng lại kém chỉ số phụ. Tuy nhiên, niềm vui còn khi chân chạy trẻ Nguyễn Trung Quốc lần đầu giành huy chương đồng giải vô địch quốc gia và Hoàng Thanh Giang bảo vệ thành công huy chương vàng ở nội dung 7 môn phối hợp nữ. Tấm huy chương vàng của Giang với tổng điểm 5.338 điểm, bỏ xa người về nhì Nguyễn Lan Anh (4.797 điểm). Giờ đây, người đẹp Thanh Giang hướng tới SEA Games 33 vào năm tới. Và cũng như các vận động viên khác đoạt thành tích tại giải, nhất là những gương mặt trẻ sẽ được lựa chọn để hướng tới mục tiêu lớn trước mắt.
Mục tiêu lớn
Ở các môn thể thao đỉnh cao Việt Nam, ngoài Bóng đá xây dựng chiến lược thì môn thể thao số 1 là Điền kinh cũng được yêu cầu xây dựng chiến lược phát triển. Tuy nhiên, khi Chính phủ ban hành Chiến lược thì Điền kinh Việt Nam chuyển hướng thành đề án. So với chiến lược có tầm cao hơn, có trách nhiệm từ nhiều phía thì đề án nhỏ hơn, nhưng quan trọng vẫn là tuyển chọn, đào tạo và huấn luyện ra vận động viên tốt nhất.
Xuyên suốt mục tiêu đề án đến năm 2045 được Liên đoàn Điền kinh đưa ra là: “Tới năm 2035, trong 5 kỳ SEA Games tiếp theo, điền kinh ở 3 thứ hạng đầu nhưng thường xuyên ở vị trí hạng nhì hoặc nhất. Từ năm 2035 đến 2045 luôn ở thứ hạng nhất, nhì SEA Games. Tới ASIAD năm 2030, phấn đấu 1 huy chương vàng, từ 2 đến 3 huy chương bạc, huy chương đồng. Tới năm 2028 sẽ có 2 tuyển thủ đạt chuẩn dự Olympic bằng suất chính thức. Tới ASIAD 2034, phấn đấu 2 huy chương vàng, từ 3 đến 4 huy chương bạc, huy chương đồng để đứng hạng 9 tới 12 toàn đoàn, phấn đấu có từ 3 đến 4 vận động viên đạt chuẩn dự Olympic”. Theo giới chuyên môn, mục tiêu như vậy là cao, phải nỗ lực và có sự đầu tư lớn mới hy vọng hoàn thành. Nhìn lại SEA Games 32, điền kinh đứng thứ nhì với 12 huy chương vàng nhưng đến ASIAD 19 năm 2023 không đoạt tấm huy chương nào và tiếp đó không có vận động viên giành vé tới Olympic để thấu hiểu điều đó.
Và ngay sau giải Điền kinh quốc gia 2024 vừa khép lại, điền kinh bắt đầu thực hiện chương trình của năm 2025 và hướng tới ASIAD 2030. Thời gian có 6 năm chuẩn bị, việc huấn luyện như thế nào cần chi tiết, khoa học. Trước mắt, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đưa ra giải pháp là huấn luyện người tốt nhất hướng tới mục tiêu thành tích cao. Điều này đòi hỏi phải tập trung huấn luyện viên và vận động viên đội tuyển quốc gia hằng năm với khoảng 100 vận động viên và đội tuyển trẻ khoảng 120 vận động viên. Đi cùng đó là bảo đảm đội ngũ huấn luyện viên chuyên môn phù hợp.
Để làm tốt cũng cần sự thay đổi, xem lại việc đội tuyển điền kinh tập huấn theo nhóm môn ở các địa điểm như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng và Bắc Ninh còn phù hợp hay không. Điền kinh là môn chu kỳ, để ra 1 vận động viên tốt phải mất ít nhất 2 chu kỳ Olympic (8 năm), do vậy, đề án cần chia cột mốc là 8 hoặc 10 năm để có lộ trình tổng thể và vững chắc. Bên cạnh đó, cần đội ngũ chăm sóc y tế, cơ chế dinh dưỡng… bảo đảm cho sự phát triển. Yếu tố quyết định là sân bãi đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, Điền kinh Việt Nam chưa có Liên đoàn Điền kinh từng ý kiến với Cục Thể dục thể thao về một cơ chế sân bãi luyện tập tốt nhất cho vận động viên đội tuyển nhưng vẫn chưa thể thực hiện được. Cuối cùng là nguồn kinh phí chi đầu tư dài hơi từ Trung ương đến địa phương cần có thêm nguồn lực từ xã hội hóa, nhưng việc này không dễ.
Điền kinh là môn số 1 nên tất thảy các địa phương trong cả nước đều đầu tư, đào tạo vận động viên đỉnh cao. Chỉ riêng nội dung chạy dài của môn này thôi đã có sức hút kỳ lạ, thu bộn tiền qua từng giải đấu. Ở Hải Phòng hay trên toàn quốc, điền kinh nhận sự quan tâm lớn, đích thực là môn nữ hoàng nhưng nghịch lý ở chỗ, các công ty tổ chức sự kiện tổ chức giải lại thu lớn, thì các giải điền kinh do cấp quản lý Nhà nước thực hiện lại rất ít thương hiệu đồng hành. Chiến lược của Chính phủ đề ra, yêu cầu phải huy động các nguồn lực xã hội, đề án của điền kinh cần sự rõ ràng việc này để có thêm nguồn kinh phí bảo đảm sự đầu tư bền vững, hoàn thành mục tiêu cao.