Để nâng cao thành tích của Thể thao Việt Nam cần có những cơ chế, chính sách đột phá

Ngày 21/12 tới, tại Hà Nội, Cục Thể dục thể thao sẽ tổ chức Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030. Đây là Hội nghị lần đầu tiên được tổ chức nhằm tìm lời giải cho những vấn đề cấp bách của Thể thao Việt Nam.

dinh-huong-0-1702909080.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo trong cuộc họp báo cáo công tác chuẩn bị Hội nghị

Hội nghị được kỳ vọng sẽ tìm ra nhiều giải pháp nhằm phát triển thể thao, đặc biệt là nâng cao thành tích của Thể thao Việt Nam trên trường quốc tế.

Chỉ đạo về nội dung tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - nhấn mạnh: Báo cáo trung tâm cần cô đọng, ngắn gọn, phân tích rõ để thấy được những vấn đề mà thực trạng đặt ra và giải pháp để khắc phục. Bộ trưởng mong muốn sau Hội nghị, Thể thao Việt Nam rút ra được những kinh nghiệm quý, tạo được sự đồng thuận trong xã hội để phát triển thể thao thành tích cao; Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị sẽ là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, nhấn được vào trọng tâm, trọng điểm là những khó khăn, vướng mắc của thể thao Việt Nam để từ đó cùng luận bàn, tìm cách tháo gỡ.

Bộ trưởng yêu cầu, ngành Thể thao cần phân tích để thấy rõ nguyên nhân của những thành công và tồn tại, hạn chế qua việc tham dự các kỳ Đại hội và gần đây nhất là tại ASIAN Games 19 để từ đó rút ra bài học cần thiết. Thể thao Việt Nam cũng cần phải xem lại công tác cũng như quy trình từ công tác phát hiện, đào tạo, huấn luyện. Chúng ta đã thực sự xây dựng đội ngũ những người thầy, chuyên gia giỏi cho công tác huấn luyện? Về công tác này cần kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, nếu việc huấn luyện chưa thực sự hiệu quả. Cục Thể dục thể thao cũng cần nghiên cứu xem xét, kiến nghị gì với Bộ, để Bộ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội và các cấp có thẩm quyền tháo gỡ những vướng mắc về chế độ, chính sách cho tập huấn, thi đấu nâng cao thành tích, nhất là việc huy động được các nguồn lực xã hội hóa để phát triển thể thao Việt Nam nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng.

dinh-huong-1-1702909079.jpg
Hội nghị được kỳ vọng sẽ tìm ra nhiều giải pháp nhằm phát triển thể thao, đặc biệt là nâng cao thành tích của Thể thao Việt Nam trên trường quốc tế

Về nội dung, dự kiến Hội nghị định hướng phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2030 sẽ tập trung vào 2 nội dung chính: Định hướng mục tiêu và giải pháp phát triển thể thao thành tích cao trong thời gian tới, đặc biệt là các kỳ Olympic, ASIAN Games và SEA Games từ nay cho đến năm 2030; Thảo luận các giải pháp cụ thể nhằm giành huy chương Olympic tại các kỳ năm 2024 và 2028; huy chương vàng ASIAN Games năm 2026 và 2030, huy chương vàng SEA Games vào các năm 2025, 2027, 2029.

Hội nghị dự kiến sẽ có các tham luận được trình bày từ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực Thể dục thể thao. Trong đó, nội dung tham luận tập trung vào các vấn đề: Đổi mới, sáng tạo trong phát triển thể thao thành tích cao; Các giải pháp ứng dụng khoa học trong công tác huấn luyện, đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao; Đổi mới công tác quản lý huấn luyện viên, vận động viên đội tuyển tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia; Công tác xã hội hóa thể thao thành tích cao.

grabf77ca2093786-fd189aad1d2d0c4368f1289e5d8e691f-20230613084650-1702948320.jpg
Cua-rơ Nguyễn Thị Thật đã giành tấm vé tham dự Olympic Paris 2024

Ông Ngô Ích Quân - Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 2 (Cục Thể dục thể thao) - cho biết: "Hội nghị được tổ chức với mong muốn qua ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các huấn luyện viên, vận động viên để thấy rõ thực trạng của Thể thao Việt Nam, những tồn tại, hạn chế, các nguyên nhân chủ quan, khách quan. Từ đó, đề ra các giải pháp để nâng cao thành tích thi đấu của Thể thao Việt Nam tại các đấu trường quốc tế mà điểm nhấn sẽ là ASIAN Games, Olympic và SEA Games".

“Qua các ý kiến thảo luận tại Hội nghị, chúng ta cũng sẽ thấy được bài học kinh nghiệm từ các nước, nhất là các nước trong khu vực để tiếp thu, vận dụng một cách sáng tạo phù hợp với thực tiễn tại nước ta”, ông Ngô Ích Quân cho biết thêm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội, nơi thường xuyên đóng góp 70% huy chương của Đoàn Thể thao Việt Nam tại các kỳ Đại hội quốc tế - bày tỏ mong muốn: "Hội nghị lần này sẽ đánh giá thực chất về thực trạng phát triển của Thể thao Việt Nam, cả về thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao". Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, thời điểm quan trọng đánh dấu bước chuyển mình lớn của Thể thao Việt Nam phải kể đến là SEA Games 22 tổ chức vào năm 2003.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng tự hào, Thể thao Việt Nam cũng còn những tồn tại, hạn chế, dẫn đến thành tích chưa được như mong muốn. Đó là bộ máy tổ chức nhiều lần thay đổi; Chế độ tiền công cho vận động viên chưa theo kịp mặt bằng chung của xã hội.

dinh-huong-2-1702909080.jpeg
Điểm nhấn của Thể thao Việt Nam thời gian qua là tấm huy chương vàng Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh

Một vấn đề nữa cũng là chúng ta vẫn chưa có những cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực Thể dục thể thao. Vì thế, dẫn đến những hạn chế trong việc kêu gọi xã hội hóa. Hiện tại cũng chỉ có một số Liên đoàn làm tốt công tác này nhờ sự phổ cập và là môn được đông đảo người hâm mộ yêu thích là Bóng đá, Bóng chuyền. Các môn còn lại, đa số các Liên đoàn, Hiệp hội đều eo hẹp về kinh phí.

Một điểm khó khăn nữa của Thể thao Việt Nam là lực lượng vận động viên còn mỏng. Hiện việc phát triển lực lượng mới chỉ trông chờ vào một vài đơn vị mạnh như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quân đội. Nhiều địa phương do khó khăn nên cũng chưa đào tạo được nhiều lực lượng vận động viên ở tuyến cơ sở dẫn đến tình trạng nhiều đội tuyển không có được lực lượng bổ sung hùng hậu.

Vì thế, giới chuyên môn hy vọng, Hội nghị sẽ tìm ra được nhiều giải pháp và sau đó sẽ nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để Thể thao Việt Nam phát triển như kỳ vọng. Đó cũng là mong muốn của những người hằng ngày, hằng giờ tâm huyết với sự nghiệp phát triển thể dục thể thao.