Đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi các chính sách bảo hiểm xã hội cho người tham gia

Các quyền lợi an sinh cho người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong quý I/2022 được đảm bảo kịp thời, đầy đủ và chính xác.

Chiều 28/4, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) quý I/2022.

2363-1651305384.jpg

Đại diện BHXH Việt Nam tại buổi họp. 

Hơn 1,453 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau do bị mắc COVID-19

Phát biểu tại sự kiện, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, thời gian qua, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là thu nhập và việc làm của người lao động, gây khó khăn nhất định cho việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của ngành BHXH Việt Nam.

Tuy nhiên, toàn ngành BHXH Việt Nam đã chủ động, quyết tâm, “biến khó khăn, thách thức thành động lực”, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, tiếp tục đảm bảo kịp thời, đầy đủ các quyền lợi an sinh cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Tính đến hết quý I/2022, đã có: trên 16,4 triệu người tham gia BHXH đạt 32,47% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,77% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, tăng 16,09% so với cùng kỳ năm 2021); trên 13,4 triệu người tham gia BHTN đạt 26,57% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,05% so với cùng kỳ năm 2021; trên 85,3 triệu người tham gia BHYT đạt 87,44% dân số.

Với mục tiêu luôn đặt quyền và lợi ích của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN lên hàng đầu, trong quý I/2022, nắm bắt và bám sát tình hình thực tiễn, ngành BHXH Việt Nam đã luôn chủ động và tích cực phối hợp cùng với các bộ, ban, ngành liên quan, kịp thời có những giải pháp tích cực trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho người tham gia thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Kết quả, trong quý I/2022, toàn ngành đã giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho trên 2 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021; trên 308 nghìn lượt người hưởng chế độ thai sản; gần 199 nghìn lượt người hưởng mới các chế độ BHTN; gần 27,8 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT;…

Về tình hình giải quyết chế độ BHXH cho người lao động bị nhiễm COVID-19, bà Đinh Thị Thu Hiền - Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH, cho biết trong tháng 4, ngành BHXH đã giải quyết cho 805.706 người hưởng với số tiền 957 tỷ đồng. Tính trong 4 tháng đầu năm 2022, cơ quan BHXH đã giải quyết cho hơn 1,453 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau do bị mắc COVID-19 với số tiền 1.495 tỷ đồng.

Nỗ lực chuyển đổi số, hiện đại hóa

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hoàng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) đã chia sẻ về tình hình triển khai việc liên thông cơ sở dữ liệu (CSDL) với Bộ Công an và kết quả bước đầu thực hiện thí điểm việc sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp trong khám chữa bệnh BHYT. Ông Phương cho biết, BHXH Việt Nam đã kết nối thành công CSDL quốc gia về dân cư ngay từ khi CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức.

Tính đến nay, hệ thống đã xác thực khoảng 40 triệu thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ trên 21 triệu bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư.

Từ ngày 11/2/2022, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an (trực tiếp là Cục C06) thực hiện xác thực thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư qua CCCD để đối chiếu, đồng bộ số CCCD từ CSDL quốc gia về dân cư sang CSDL của BHXH. Tính đến nay, số lượng xác thực lấy số CCCD là khoảng 48 triệu trường hợp, số xác thực thành công là khoảng 40 triệu.

Ngày 28/2, Bộ Y tế có Công văn số 931/BYT-BH gửi các Sở Y tế và các cơ sở KCB trên toàn quốc về việc triển khai thí điểm khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp. Ngày 1/3, BHXH Việt Nam cũng đã có Công văn số 533/BHXH-CSYT gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai nội dung này.

Ông Phương cho biết, tính đến nay, toàn quốc đã có hơn 4.000 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp với khoảng 40 nghìn lượt tra cứu thành công phục vụ khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp.

Cũng tại hội nghị, ông Lò Quân Hiệp - Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra (BHXH Việt Nam), đã thông tin về hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử của ngành.

Ông Hiệp cho biết, trong năm 2020 và 2021, ngành BHXH Việt Nam đã chủ trì và phối hợp thực hiện thanh kiểm tra tại 24.104 đơn vị, phát hiện gần 77.221 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền truy thu gần 276 tỷ đồng; các đơn vị khắc phục ngay số tiền 1.523 tỷ đồng trên tổng số 4.508 tỷ đồng nợ BHXH, BHTN, BHYT. Đồng thời, qua thanh tra, cơ quan BHXH đã yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH gần 14,8 tỷ đồng, về quỹ BHTN 3,3 tỷ đồng, về quỹ BHYT 142,2 tỷ đồng.

Theo thống kê sơ bộ của BHXH Việt Nam, tính đến hết quý I/2022, đã có gần 5.160 tin, bài, phóng sự, chuyên mục, tọa đàm,... truyền thông về chính BHXH, BHYT, BHTN và các hoạt động của ngành được các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương thực hiện đăng tải, phát sóng (tăng gấp gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2021). Qua đó, đã đảm bảo truyền tải kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN đến với đông đảo người lao động và nhân dân trên cả nước; giúp người dân hiểu rõ về chính sách, tạo sự đồng thuận trong khâu tổ chức thực hiện, đưa các chính sách này đi sâu vào cuộc sống.
N.H