Đắk Lắk xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, đặc thù thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa

Tỉnh Đắk Lắk có dân số gần 1,9 triệu người với 49 dân tộc, bao gồm các dân tộc tại chỗ và các dân tộc di cư đến từ các vùng miền trong cả nước. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, đặc sắc quy tụ, đã tạo cho Đắk Lắk một nền văn hóa đa dạng và phong phú. 

Tiềm năng và nguồn lực

Trong thời gian qua, để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, Đắk Lắk đã ban hành một số cơ chế, chính sách và văn bản chỉ đạo điều hành liên quan đến phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa.

Là tỉnh có vị trí quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và định hướng phát triển thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, có hệ thống giao thông thuận tiện, kết nối với toàn vùng và khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam; có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch và dịch vụ, du lịch... Bên cạnh đó, Đắk Lắk đa dạng về văn hóa dân tộc người (49/54 dân tộc) đã tạo cho nơi đây có nền văn hóa hết sức đa dạng và phong phú. Với các tiềm năng, lợi thế sẵn có Đắk Lắk đang từng bước định hướng, xây dựng nền công nghiệp văn hóa như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, quảng cáo, du lịch văn hóa...

le-hoi-ca-phe-1712037269.jpg
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột - thương hiệu sự kiện mang dấu ấn riêng đặc sắc của Đắk Lắk

Đối với nguồn lực về sản phẩm văn hóa: Có thể nói Đắk Lắk là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, có nhiều di tích lịch sử văn hóa, cộng thêm sự đa dạng về thành phần dân cư đã tạo cho nơi đất một nền văn hóa vô cùng phong phú, đặc trưng là văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Đặc biệt, vào năm 2025, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại; năm 2008 được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài ra, còn có 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 43 di tích được xếp hạng với 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia, 24 di tích cấp tỉnh. Đây là nguồn lực vô cùng to lớn để phát triển ngành Du lịch - được xác định là ngành Công nghiệp Văn hóa mũi nhọn, có giá trị cao, thu hút nhiều lao động, thông qua đó, làm cho giá trị văn hóa của dân tộc được thấm sâu, được lan tỏa trong nước và quốc tế.

Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa xây dựng và định hướng trở thành một sản phẩm du lịch đặc thù trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức khôi phục và xây dựng nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với văn hóa cồng chiêng; tổ chức giao lưu văn hóa giữa các buôn làng, hướng dẫn tổ chức ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc định kỳ. Đặc biệt từ năm 2006 đến nay, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được đình kỳ tổ chức 2 năm một lần, được công nhận là lễ hội quy mô cấp quốc gia đã trở thành sự kiện văn hóa lớn nhất của tỉnh.

Và để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đồng thời tạo điều kiện để Di sản văn hóa phi vật thể này có thể tồn tại lâu dài và phát triển bền vững, ngành Văn hóa đã tổ chức duy trì Chương trình biểu diễn văn hóa Cồng chiêng phục vụ Nhân dân địa phương và du khách định kỳ. Ngoài ra tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên tổ chức biểu diễn phục vụ khách du lịch. Cùng với đó, đoàn Ca múa Dân tộc tỉnh cũng thường xuyên tổ chức biểu diễn để quảng bá tại các tỉnh, thành trên cả nước. Đây có thể nói là sản phẩm văn hóa đặc sắc, đậm chất Tây nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, tạo điểm nhấn trong việc thu hút khách du lịch cũng như quảng bá về văn hóa Cồng chiêng đến du khách trong nước và quốc tế.

Việc phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư và cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa nghệ thuật của quần chúng Nhân dân... Cùng với sự phát triển của xã hội, các thiết chế văn hóa ngoài công lập ra đời với quy mô lớn và hoạt động hiệu quả, tạo điểm nhấn cho thành phố Buôn Ma Thuột để thu hut khách như: Bảo tàng Thế giới cà phê, Đường sách cà phê; khu du lịch cộng đồng Ako Dhong, khu du lịch Ko Tam...

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức xã hội, doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động văn hóa; thực hiện tốt các công tác xã hội hóa như Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, các chương trình nghệ thuật chào năm mới và các ngày lễ lớn...; một số thiết chế văn hóa cơ sở được xây dựng có sự chung tay của Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân... Sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trực tiếp tham gia xây dựng thiết chế văn hoá, cũng đồng thời là người bảo vệ, duy trì hoạt động của các thiết chế đó đã bảo đảm mức hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân, đồng thời, tạo điều kiện cho người dân tham gia sáng tạo các giá trị văn hóa.

Các hoạt động giao lưu, đối ngoại quốc tế về văn hóa, hợp tác trên lĩnh vực văn hóa, du lịch ngày càng được quan tâm. Phát triển văn hóa gắn liền với phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh và con người Đắk Lắk đến với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập.

bieu-dien-cong-chieng-1712037572.jpg
Cồng chiêng chính là biểu tượng vừa mang tính văn hóa vừa gắn liền với tâm linh, tín ngưỡng

Bảo tồn, phát huy và không ngừng sáng tạo

Từ nền tảng đó, để phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa đạt hiệu quả cao, Đắk Lắk xác định cần có cơ chế, chính sách phù hợp, đặc thù để thúc đẩy phát triển Công nghiệp Văn hóa.

Đó là tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong Nhân dân để nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, từ đó có những hành động thiết thực để vừa bảo tổn, phát huy những di sản văn hóa vô giá của cha ông, đồng thời không ngừng nỗ lực sáng tạo để làm giàu thêm vốn văn hóa dân tộc mình. Đắk Lắk là tỉnh đa văn hóa, đa dân tộc, cần tiếp tục quan tâm, đầu tư công tác đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn sâu, những người am hiểu văn hóa làm công tác nghiên cứu để thực hiện nhiệm vụ sưu tầm và nghiên cứu khoa học.

Tiếp tục quan tâm đầu tư để đa dạng hóa sản phẩm văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Tây Nguyên đã được công nhận, cũng như đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa và tăng cường công tác quảng bá để những di sản này trở thành điểm đến không thể thiếu cho khách tham quan du lịch cũng như thực hiện tốt mục tiêu giáo dục công chúng trên địa bàn tỉnh.

Nghiên cứu, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển ngành Công nghiệp Văn hóa trong thời kỳ mới nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa các ngành, các cấp bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp nhằm thúc đẩy phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa.

Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa. Thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành Công nghiệp Văn hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Đổi mới và phát triển các ngành sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa truyền thống như in ấn, xuất bản, phát hành, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, giải trí, quảng cáo, triển lãm.

Tiếp tục xây dựng các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng như du lịch, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, du lịch văn hóa... đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

Quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng; phát huy vai trò tuyên truyền, giáo dục của các đơn vị, tổ chức văn hóa nhằm phát triển nâng cao hiểu biết, sự cảm thụ dối với các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng, người tiêu dùng. Cần tích cực hơn nữa công tác ngoại giao văn hóa, đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người, văn hóa, du lịch Đắk Lắk đến với các tỉnh, thành trong cả nước và bạn bè thế giới thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch, các hoạt động của Tuần văn hóa, Năm văn hóa và Ngoại giao văn hóa.

T.H