Côn Đảo phấn đấu giảm 30% lượng rác thải nhựa vào năm 2025

Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động giảm rác nhựa du lịch tại Côn Đảo,  vừa qua, UBND huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đã tổ chức Lễ ký cam kết “Côn Đảo - Điểm đến giảm nhựa”. Chiến dịch được thực hiện với nguồn tài trợ từ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do WWF - Việt Nam phối hợp triển khai cùng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Đây là một trong những nỗ lực thiết thực của UBND huyện Côn Đảo và WWF - Việt Nam với kỳ vọng góp phần giảm thiểu lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường, đồng thời hạn chế giảm tồn đọng rác thải nhựa tại Khu bảo tồn biển Côn Đảo. Theo cam kết với WWF - Việt Nam, UBND huyện Côn Đảo phấn đấu đưa Côn Đảo trở thành điểm đến giảm nhựa, với mục tiêu giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra ngoài môi trường vào năm 2025, ghi tên mình trở thành địa phương thứ 9 tại Việt Nam tham gia vào chương trình Đô thị giảm nhựa toàn cầu của WWF.

nhua-1649907775.jpg

Hoạt động triển lãm diễn ra trong khuôn khổ tuần lễ tại Côn Đảo

Chào mừng Lễ ký cam kết “Côn Đảo - Điểm đến giảm nhựa”, từ ngày 21 đến 27/3, UBND huyện Côn Đảo phối hợp với WWF - Việt Nam khởi động chuỗi hoạt động giảm rác nhựa trong du lịch tại Côn Đảo cùng thông điệp “Đến không mang theo nhựa, đi để lại yêu thương”; Tổ chức tuần lễ giảm nhựa; Triển lãm “Du hí biển nhựa” kết hợp “Ngày hội Đổi rác lấy quà”; Phát Sổ tay giảm nhựa khi du lịch Côn Đảo cho du khách…

Chuỗi hoạt động khởi động này sẽ là bước đầu để mỗi cá nhân, mỗi khách du lịch khi đến Côn Đảo đều có thể đóng góp một phần trách nhiệm của mình trong việc xây dựng hình ảnh Côn Đảo tươi đẹp, giảm nhựa, sạch và trong lành.

Trước đó từ quý IV/2020, Côn Đảo khởi động Đề án “Côn Đảo - Nói không với túi ni lông và Hướng đến mục tiêu không rác thải nhựa” nhằm giảm thiểu sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần này tại huyện đảo này. Đề án là nỗ lực của UBND huyện Côn Đảo, phòng Tài nguyên và Môi trường, WWF - Việt Nam cùng các cơ quan đơn vị địa phương nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức và hiểu biết của tiểu thương, người dân và du khách về tác hại của việc sử dụng nhựa dùng một lần, đặc biệt là túi ni lông với kỳ vọng thay đổi thói quen sử dụng của người dân, hướng tới giảm thiểu, nói không với túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần tại Côn Đảo. 

Theo đó, chuỗi các hoạt động bao gồm hệ thống bảng tuyên truyền tại khu vực chợ Côn Đảo với thông điệp “Tôi chọn giảm túi ni lông - Để Côn Đảo mãi là thiên đường” đã được triển khai và thu hút sự quan tâm của người dân và khách du lịch nhiều ngày qua. Bên cạnh đó, hoạt động ký gửi giỏ xách cho bà con khi đi chợ cũng sẽ được triển khai nhằm giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông. Cụ thể, người dân và khách du lịch nếu không có, hoặc quên mang theo túi đựng cá nhân thì có tới quầy ký gửi để được cấp giỏ xách đựng đồ thay cho túi ni lông. Giỏ xách là các loại túi có quai xách, kích thước lớn, làm bằng nhiều loại chất liệu khác nhau như: túi vải, túi cói, túi lưới, túi bạt… phù hợp với nhu cầu mua sắm thường ngày của bà con.

Theo kế hoạch, để có được dữ liệu làm cơ sở để triển khai thực hiện các bước tiếp theo, các thành viên dự án sẽ thực hiện nhiều khảo sát về hiện trạng sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần tại chợ Côn Đảo. Khảo sát bước đầu sẽ thống kê, rà soát được hiện trạng sử dụng túi ni lông khó phân huỷ trong sinh hoạt tại địa điểm này nói riêng và trên địa bàn nói chung, đánh giá sự ảnh hưởng của rác thải là túi ni lông đối với môi trường Côn Đảo. Trên cơ sở này, Ban điều hành dự án đã nghiên cứu kỹ để có thể đưa ra phương án tuyên truyền, vận động và hỗ trợ bà con hiệu quả.

Do đặc thù nằm giữa biển, Côn Đảo chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ rác nhựa đại dương, nhất là ở các khu rừng ngập mặn, các bãi đá. Những năm qua, do lượng khách du lịch tăng nhanh chóng nên các bãi rác tại huyện cũng gặp phải tình trạng quá tải. Hiện rác ở Côn Đảo còn tồn đọng khoảng 70.000 tấn. Do vậy, vấn nạn rác thải nhựa hiện đang là một trong những vấn đề nhức nhối trong quá trình phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của chính quyền và người dân nơi đây.

Phương Trang