Khảo sát, thẩm định thực địa Bãi cọc Bạch Đằng để góp ý hồ sơ đề cử Di sản Thế giới

Các Bãi cọc Bạch Đằng của thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) vừa được Đoàn chuyên gia quốc tế UNESCO/ICOMOS (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc/Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế) cùng với các chuyên gia Việt Nam khảo sát, thẩm định thực địa…

Đây là hoạt động cần thiết để góp ý vào hồ sơ đề cử Di sản Thế giới đối với Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản hế giới.

Theo đó, đoàn đã khảo sát, thẩm định thực địa tại Bảo tàng Bạch Đằng; Bãi cọc Yên Giang; Bãi cọc Đồng Vạn Muối; Bãi cọc Đồng Má Ngựa. Nghe đại diện UBND thị xã Quảng Yên, các Sở, Ngành của tỉnh báo cáo về việc triển khai các nội dung công việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận các Bãi cọc Bạch Đằng trong Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc ở 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đề cử là Di sản Thế giới.

z5569459378500-48a66f83e105d97b21ef747f9a5c5a92-1719222909.jpg
Đoàn chuyên gia quốc tế UNESCO/ICOMOS khảo sát, thẩm định tại Bảo tàng Bạch Đằng. Ảnh: Trung tâm TT&VH TX Quảng Yên

Theo đánh giá của bà Ichita Shimoda, chuyên gia tư vấn quốc tế Nhật Bản, hồ sơ đề cử Di tích lịch sử Bạch Đằng trong Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc công nhận là Di sản thế giới cần phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật được hướng dẫn thực hiện công ước di sản thế giới.

Để chứng minh khẳng định giá trị của di tích trong quần thể di sản, cần tổng hợp, làm rõ và viết câu chuyện về giá trị của di tích, trong đó cần phải xác định rõ lý do đưa các Bãi cọc Bạch Đằng vào hồ sơ, phân tích rõ ý nghĩa, giá trị nổi bật toàn cầu và tính toàn vẹn của di tích trong mối quan hệ với các điểm di tích khác trong quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Theo bà Ichita Shimoda, để đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin về hồ sơ, cần phải bổ sung các hình ảnh về quần thể di tích theo đúng kích cỡ, tiêu chuẩn, quy định; tại các điểm di tích phải có bản đồ quy hoạch, bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích, có đánh dấu mốc giới, khoanh vùng, mô tả diện tích hiện trạng, tính toán quy hoạch vùng đệm, xác định cơ chế quản lý; hệ thống hồ sơ, báo cáo chuyên đề, bản vẽ; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan; hệ thống bản ảnh khu di sản đề cử và vùng đệm... Chất lượng, nội dung, thành phần hồ sơ được thực hiện theo đúng hướng dẫn thực hiện Công ước di sản thế giới năm 1972 của UNESCO.

Đây là bước thẩm định thử của Đoàn chuyên gia ICOMOS nhằm tư vấn trực tiếp vào việc hoàn thiện hồ sơ, trước khi các chuyên gia của UNESCO thẩm định chính thức vào dịp cuối tháng 8 đối với hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Sau thời gian dài xây dựng, chuẩn bị, hoàn thiện, ngày 26/1/2024, hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã được trình lên UNESCO để xét ghi danh là Di sản Thế giới. Hồ sơ do UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với UBND 2 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương xây dựng. Bộ hồ sơ gồm 2.139 trang tài liệu bản tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh, 101 sơ đồ, bản đồ, 196 bản vẽ kiến trúc, 260 bản vẽ khảo cổ, 1.141 bản ảnh, tái hiện các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, di sản phi vật thể, vật thể và kế hoạch quản lý tổng thể trên phạm vi 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang.

z5569459616942-686c8dc09b2add593a1c9b08f4848314-1719222909.jpg
Đoàn chuyên gia Quốc tế UNESCO/ICOMOS khảo sát, thẩm định tại Bãi cọc Yên Giang. Ảnh: Trung tâm TT&VH TX Quảng Yên

Đây là hồ sơ khoa học đệ trình có nhiều tiêu chí theo Công ước 1972, vừa nghiên cứu, vừa chứng minh, vừa viết với tiến độ nhanh, tích cực, khẩn trương. Để chứng minh, tuyên bố, khẳng định giá trị của quần thể, 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đã đồng thời chỉ đạo triển khai phương pháp nghiên cứu, chứng minh, tổng hợp, làm rõ và viết câu chuyện về giá trị quần thể di tích. Trong đó, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị quốc tế xác định giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể di tích Yên Tử, triển khai các chuyên đề nghiên cứu khoa học, thu thập, tổng hợp tài liệu, tổ chức khai quật, khảo cổ.

Hồ sơ tập trung hơn 100 chuyên gia trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu, viết hồ sơ và mời chuyên gia quốc tế khảo sát, làm việc với chuyên gia trong nước xây dựng hồ sơ, trong đó, nhiều chuyên gia hàng đầu của Hội Khảo cổ học Việt Nam, UNESCO, Trung tâm Karst và Di sản địa chất...

Đây là hồ sơ di sản đầu tiên ở Việt Nam theo chuỗi 18 cụm di sản với 32 điểm di tích tại liên tỉnh, địa bàn rộng lớn, địa hình đồi núi phức tạp.

Tại văn bản phúc đáp, UNESCO cho biết hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đáp ứng tất cả các yêu cầu kỹ thuật được hướng dẫn thực hiện công ước Di sản thế giới. Đồng thời đề nghị cung cấp bổ sung các hình ảnh về quần thể di tích theo đúng kích cỡ, tiêu chuẩn, quy định. Hồ sơ cũng sẽ được gửi đồng thời tới Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế (ICOMOS). Trên cơ sở đánh giá hồ sơ, các cơ quan của UNESCO đã cử đoàn chuyên gia tới khảo sát, đánh giá thực tế.

H.A