Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch cập nhật xu hướng thế giới để phát triển bền vững

Ngày 4/4, Sở Du lịch TP.HCM chủ trì tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch cập nhật xu hướng thế giới". Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong dự và phát biểu chỉ đạo.

thu-truong-phong-1712284154.jpg
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TITC

Hội thảo là dịp để các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin, góc nhìn liên quan đến các xu hướng thay đổi trong lĩnh vực du lịch inbound năm 2024, những cách thức thay đổi mô hình kinh doanh du lịch từ B2B sang B2C.

Hội thảo tập trung vào 4 nội dung chính: xu hướng du lịch thế giới hiện nay - cơ hội và thách thức; xu hướng tìm kiếm thông tin du lịch và những kỹ năng, công cụ tiếp cận phân khúc khách hàng mục tiêu; xu hướng truyền thông trên thế giới; cách tiếp cận và tìm hiểu các phân khúc thị trường khách để xây dựng các sản phẩm phù hợp để tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh du lịch.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong đánh giá cao sáng kiến của Sở Du lịch TP.HCM, công ty Oxalis Adventure và Tạp chí Tri thức Znews trong việc đề xuất, phối hợp tổ chức Hội thảo.

Thứ trưởng Hồ An Phong nhận định, Hội thảo đã nêu lên những vấn đề rất hay, rất mới, thiết thực, khoa học và thực tiễn. Xu hướng du lịch thay đổi thì các doanh nghiệp du lịch cũng phải thay đổi là yêu cầu tất yếu, trong đó yếu tố công nghệ, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng. Hội nghị mở ra nhiều vấn đề mới để nghiên cứu, tổng kết, nhận diện và triển khai trong thực tiễn. Chuyển đổi mô hình kinh doanh cũng là cơ hội đổi mới, sáng tạo, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc chuyển đổi dần mô hình kinh doanh từ B2B sang B2C là cần thiết, cần bắt đầu từ chuyển đổi trong nhận thức cho đến hành động.

Thứ trưởng cũng cho rằng, cần tổ chức thêm các hội thảo ý nghĩa này để tạo sự chuyển biến sâu rộng trong ngành Du lịch. Các doanh nghiệp cần chủ động có những kiến nghị cụ thể đến các cấp có thẩm quyền để ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, liên kết để tạo thuận lợi thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Thứ trưởng tin tưởng rằng, mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024 hoàn toàn có khả năng thực hiện được khi các doanh nghiệp du lịch chuyển mình tích cực, làm mới sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, có cách tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn.

chuyen-doi-so-du-lich-1712284435.jpg

Theo giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa: Chuyển đổi số là một trong các giải pháp chiến lược để hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính liên vùng, liên ngành, xã hội hóa và hội nhập quốc tế sâu sắc nên nhu cầu cập nhật xu thế thế giới để tận dụng thời cơ, hạn chế những rủi ro thách thức là cấp thiết, đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp du lịch phải tìm những giải pháp hiệu quả và khả thi để rút ngắn thời gian tiếp cận khách hàng mục tiêu, những công cụ mang lại những lợi thế và cùng chung tay phối hợp, liên kết chặt chẽ để thu hút, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách, gia tăng tính cạnh tranh của điểm đến, nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cam kết đồng hành với các doanh nghiệp du lịch, hy vọng qua Hội thảo, các doanh nghiệp sẽ tìm ra được những giải pháp hiệu quả, phù hợp nhất để triển khai vào thực tiễn, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chuyển đổi thành công theo mô hình B2C.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đề cập đến một số nội dung quan trọng như: xu hướng du lịch thế giới, xu hướng du lịch nội khối, sự lên ngôi của thị trường khách châu Á và sự bùng nổ của du lịch tự túc; những yêu cầu đổi mới đối với các doanh nghiệp du lịch để thích nghi, thấu hiểu du khách, tăng cường đầu tư cho xây dựng thương hiệu và các hoạt động truyền thông tiếp thị trực tiếp đến khách hàng mục tiêu, phát huy lợi thế bản địa. Xu hướng tìm kiếm về du lịch thế giới và những công cụ của Google có thể giúp doanh nghiệp du lịch tiếp cận khách hàng; Cách xây dựng sản phẩm du lịch cho từng đối tượng khách hàng trong B2C (nhận thức về điểm đến, tạo sản phẩm, tạo từ khóa); các yêu cầu cần có đối với một doanh nghiệp định hướng theo mô hình kinh doanh B2C (xây dựng sản phẩm phù hợp, xây dựng thương hiệu tốt, xây dựng các nền tảng để kinh doanh du lịch, xây dựng chiến lược marketing bài bản…).

T.H