Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá: Dấu ấn của Bộ VHTTDL cho thế hệ sau

Chiều ngày 10/7 tại trụ sở Bộ VHTTDL, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì cuộc họp về Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng dự cuộc họp có Thứ trưởng Đoàn Văn Việt; lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, tại Hội thảo về Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa- dấu ấn văn hóa nổi bật trong năm 2022, diễn ra sau tròn một năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Bộ VHTTDL đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao khi đề xuất xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam. Đây là bước đi quan trọng, có tính chất then chốt cho phát triển văn hóa trong những năm tiếp theo.

bo-truong-hung-chu-tri-cuoc-hop-1689041223.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì cuộc họp về Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn, việc xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2026- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm thiết thực đưa các Nghị quyết, định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam của Đảng vào cuộc sống, làm cho văn hóa không chỉ thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội mà còn là nguồn lực nội sinh quan trọng, đóng góp vào quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Xây dựng và triển khai thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa giai đoạn mới cũng được xác định góp phần quan trọng nhất vào việc tạo ra sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

"Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa không chỉ được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ủng hộ về chủ trương mà còn là sự đồng hành sát sao, gợi ý cách làm, cách nghiên cứu và đã được đưa vào những Nghị quyết quan trọng của Trung ương, Quốc hội. Bộ VHTTDL nhận thức được trọng trách khi được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao xây dựng, hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam. Đồng thời, đó cũng là nguyện vọng, mong muốn của toàn ngành nhằm để lại dấu ấn quan trọng trong phát triển văn hóa những năm tiếp theo. Vì vậy, Bộ đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Chương trình".

Bộ trưởng ghi nhận, công tác xây dựng dự thảo được triển khai khẩn trương, với khối lượng công việc được nỗ lực thực hiện trong thời gian ngắn. Bên cạnh báo cáo tác động chính sách, trên cơ sở kế thừa, tổng kết chương trình giai đoạn trước đây, chúng ta đang hình thành bộ khung, lựa chọn các dự án nhóm thành phần và lấy ý kiến các địa phương, các chuyên gia, các Bộ ngành. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, khối lượng công việc còn rất nhiều. Để có thể có được sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đề ra, Bộ trưởng lưu ý, cần trả lời cho được các câu hỏi như rà soát hồ sơ thành phần Chương trình mục tiêu về văn hóa gồm những gì? Những gì đã hoàn thiện và những gì cần tiếp tục?

"Để có câu trả lời xác đáng, trước hết dự thảo của Chương trình phải xác định rõ nội hàm, tên gọi, đặc biệt lưu ý phải xác định rõ mục tiêu đặt ra trong từng giai đoạn 5 năm, 10 năm là gì. Mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể là gì? Phải giải cơ bản bài toán để thực hiện Chương trình mang tính chất tháo gỡ những điểm nghẽn cho sự phát triển văn hóa trong những năm tiếp theo và nhiều năm tới", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho rằng, "Có bột mới gột nên hồ", để có được sản phẩm chất lượng thì các nội dung thành phần phải đầy đủ, thuyết phục. Mỗi bộ phận, đơn vị thuộc Bộ cần xác định Chương trình là việc lớn, ghi dấu ấn của toàn ngành. Vì vậy, tất cả cần phải tập trung thực hiện, để có được sản phẩm để lại cho thế hệ sau", Bộ trưởng yêu cầu.

toan-canh-cuoc-hop-1689041456.jpg
Toàn cảnh cuộc họp

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính đã báo cáo một số nội dung về quá trình xây dựng dự thảo Chương trình, xin ý kiến các địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học; cùng với đó là những vấn đề còn khó khăn, những giải pháp đặt ra để hoàn thiện nội dung Chương trình.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia đề xuất, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn mới cần phải xác định rõ những mục tiêu phù hợp. Một số nội dung cần được rà soát, hoàn thiện theo hướng gọn lại, không nên quá ôm đồm, dàn trải. "Nội hàm của văn hóa đã bao hàm yếu tố con người, nhân tố trụ cột; cho nên, có thể cân nhắc chỉ tập trung vào nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam", bà Phương nêu.

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, trong thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ đã nỗ lực, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tham góp ý kiến trong xây dựng Chương trình. Tuy nhiên, để đạt được yêu cầu đặt ra, Chương trình cần xác định từng mục tiêu gọn gàng, rõ ràng để thực hiện, đi vào trọng tâm trọng điểm.

Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho rằng, các đơn vị cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để xây dựng được một Chương trình mang tính tổng thể, bao quát, phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể để có sản phẩm đảm bảo mọi yêu cầu, tiêu chí đặt ra.

Ghi nhận những nỗ lực của các thành viên trong Ban soạn thảo, Tổ Biên tập, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, xuất phát từ tính cấp thiết trong việc xây dựng Chương trình; sự tin tưởng giao trách nhiệm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL đã cố gắng, quyết liệt để trong một thời gian ngắn đã xây dựng được dự thảo Chương trình mục tiêu. Trên cơ sở kế thừa các nội dung chương trình đã có giai đoạn trước đây, đưa ra các phương án giải quyết những yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, Chương trình đã cơ bản đưa ra những nội dung cơ bản, tuy nhiên vì thời gian ngắn nên công tác xây dựng còn gặp nhiều khó khăn.

thu-truong-viet-phat-bieu-1689041350.jpg
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu tại cuộc họp

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Tổ biên tập Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam. Bộ trưởng yêu cầu, trên cơ sở góp ý của các bộ, ngành, Tổ biên tập cần tiếp thu, hoàn chỉnh lại Chương trình.

Theo Bộ trưởng, đến 30/7, Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa.

Cho đến thời điểm trên, Hồ sơ trình Thủ tướng phải hoàn chỉnh các loại văn bản sau: Tờ trình của Bộ VHTTDL đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa; Báo cáo chủ trương về Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa; Họp hội đồng thẩm định, biên bản về kết quả hội đồng thẩm định cấp cơ sở; Báo cáo giải trình của Bộ VHTTDL trong tiếp thu ý kiến của các địa phương, các bộ ngành, các nhà khoa học.

Để hoàn thành một cách tốt nhất hồ sơ, đạt được yêu cầu đặt ra, Bộ trưởng nêu rõ: Về Tờ trình, phải bám sát format tờ trình chung của Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó nói rõ về sự cần thiết phải có Chương trình. Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa là thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết 13 và kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội văn hóa toàn quốc.

Văn hóa vừa là nguồn lực vừa là động lực phát triển, để văn hóa phải thực sự ngang hàng kinh tế, chính trị. Chương trình nhằm khắc phục sự bất hợp lý về sự thiếu hụt nguồn lực tổng thể trong vai trò hướng tới mục tiêu văn hóa thực sự là hồn cốt của dân tộc.

bo-truong-yeu-cau-1689041393.jpg
"Trên cơ sở rõ việc, rõ người, trên tinh thần chạy đua thời gian, các cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ phải tập trung cao độ, hoàn thành Hồ sơ Chương trình đạt chất lượng cao nhất, đúng thời gian đặt ra"- Bộ trưởng yêu cầu

Bộ trưởng yêu cầu, Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa phải làm rõ được các mục tiêu. Đây là điểm quan trọng nhất.

Bộ trưởng gợi mở 6 mục tiêu tổng quát gồm:

Một là: Hoàn thiện thể chế, huy động, khơi thông nguồn lực để văn hóa phát triển bền vững.

Hai là: Hình thành môi trường văn hóa cơ sở, văn hóa trong gia đình, xã hội, công sở…

Ba là: Kế thừa, phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, coi đó là báu vật của ngàn đời cha ông để lại, không làm được thì có lỗi với ông bà tổ tiên - như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói.

Bốn là: Tiếp tục chủ trương kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, đóng góp tích cực cho phát triển đất nước.

Năm là: Xây dựng, phát triển văn hóa đối ngoại, quảng bá văn hóa Việt Nam; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú nền văn hóa dân tộc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Sáu là: Xây dựng đội ngũ văn hóa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ theo tinh thần NQ 26 của BCH TƯ về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp và đội ngũ quản lý văn học nghệ thuật, văn nghệ sĩ thực hiện được nhiệm vụ chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa.

Từ các mục tiêu tổng quát đó, Bộ trưởng yêu cầu Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa đi vào các mục tiêu cụ thể, đặt ra các mục tiêu theo từng giai đoạn.

Bộ trưởng nhấn mạnh, thống nhất tên gọi Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2026- 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ trưởng giao nhiệm vụ từng đơn vị thực hiện các đầu việc, giao Vụ Kế hoạch tài chính là đầu mối tổng hợp. "Trên cơ sở rõ việc, rõ người, trên tinh thần chạy đua thời gian, các cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ phải tập trung cao độ, hoàn thành Hồ sơ Chương trình đạt chất lượng cao nhất, đúng thời gian đặt ra"- Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ VHTTDL