Sau khi Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đưa ra lệnh cấm đội tuyển Nga và các câu lạc bộ của họ tham gia tất cả các giải đấu kể từ tháng 2 năm ngoái và lệnh trừng phạt đó vẫn đang tiếp tục được duy trì, đã có nhiều đồn đoán về động thái tiếp theo của Liên đoàn bóng đá Nga (RFU). Trong đó, việc chuyển từ cơ quan quản lý châu Âu sang liên đoàn 47 quốc gia châu Á đã được người đứng đầu RFU, Aleksander Dyukov, đưa ra như một lựa chọn khả thi để cho phép đội tuyển quốc gia Nga và các câu lạc bộ tiếp tục thi đấu ở các giải quốc tế.
Ý kiến này càng được củng cố khi Hội đồng Olympic châu Á tuần trước cho biết, các vận động viên từ Nga và Belarus có thể sử dụng các nội dung thi đấu vòng loại ở châu Á cho Thế vận hội Mùa hè Paris 2024 nếu họ bị loại khỏi cuộc thi châu Âu. Tuy nhiên, ông Almisehal cho biết, “vụ chuyển nhượng lớn này” chỉ có thể được xem xét sau khi được AFC đánh giá kỹ lưỡng. "Điều đó thực sự cần một nghiên cứu kỹ lưỡng: Điều đó sẽ bổ sung thêm điều gì cho châu lục? Bóng đá ở châu Á sẽ được lợi gì từ động thái đó?".
Almisehal vừa được bầu vào Hội đồng FIFA hôm thứ Tư tuần này. Ông tỏ ra không mấy mặn mà trong việc đón nhận một trong những cường quốc thể thao trên thế giới là Nga. "Trong những năm gần đây, chúng tôi không thấy một giao dịch như vậy nên sẽ cần phải nghiên cứu sâu hơn để đánh giá xem liệu nó có hợp lý hay không, liệu nó có trở thành một yêu cầu thực sự cần thiết hay không"- Almisehal nói.
Alexey Sokoryn, cựu thành viên Hội đồng FIFA và nhà tổ chức World Cup 2018 của Nga, đã có mặt tại đại hội hôm thứ Tư, làm tăng thêm suy đoán rằng các cuộc thảo luận sẽ diễn ra giữa các quan chức Nga và châu Á. Tuy nhiên, Almisehal nhanh chóng bác bỏ thông tin này: "Hôm nay chúng tôi có bốn thành viên khác của Hội đồng FIFA ở đây với tư cách khách mời. Tôi chưa nghe bất cứ điều gì về ý định của người Nga trong việc thực hiện một bước như vậy, nhưng nếu nó trở thành chính thức thì nó sẽ được xử lý bởi các cơ quan có liên quan, cho dù đó là AFC, FIFA hay UEFA. Nhưng thành thật mà nói, tôi chưa nghe bất cứ điều gì về điều này và đó chỉ là suy đoán trên các phương tiện truyền thông".
Việc di chuyển giữa các liên minh theo kiểu như thế này là rất hiếm. Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ Kazakhstan từng rời AFC vào năm 2000 để trở thành thành viên chính thức của UEFA hai năm sau đó, trong khi Australia chuyển sang châu Á từ châu Đại Dương vào năm 2006. Tuy nhiên, động thái của Australia ít được người châu Á ủng hộ, đặc biệt là khi họ đã giành được một trong những suất của châu lục này tại mọi vòng chung kết World Cup kể từ đó.
Ravshan Irmatov, Phó Chủ tịch Hiệp hội bóng đá Uzbekistan, gia nhập AFC vào năm 1994 sau khi Liên Xô tan rã, cho biết ông không phản đối ý tưởng về việc người Nga thực hiện một động thái tương tự. Cựu trọng tài World Cup cho biết: “Tôi luôn cho rằng mình không muốn trộn lẫn chính trị với thể thao. Đó là bóng đá. Chúng tôi là những người làm thể thao, không phải chính trị. Nếu Ủy ban điều hành của AFC quyết định (Nga có thể tham gia), thì tại sao không?".