Cần đánh giá rõ việc sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19

Sáng 11/4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng’’. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp.

tvqh-11-1681194468.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: TTXVN

Vẫn còn hạn chế trong quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết trong quá trình giám sát, Đoàn giám sát đã bám sát thực hiện đúng kế hoạch đề ra, tiến hành khảo sát thực tiễn tại các địa phương, làm việc với các cơ quan hữu quan, làm việc nhiều lần với các bộ ngành, cơ quan để tổng hợp số liệu.

Mặc dù đợt giám sát này Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) không yêu cầu Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố phải báo cáo nhưng khuyến khích Hội đồng nhân dân tự tổ chức giám sát, từ đó, một số HĐND các địa phương tổ chức giám sát và có báo cáo rất tốt. Hệ thống các báo cáo còn có báo cáo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng đoàn giám sát cho biết: Kết quả đạt được của việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; các bộ, ngành, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để triển khai các quy định về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; đảm bảo an sinh xã hội; phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trên cơ sở đó, Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ lãi suất và các chính hỗ trợ trực tiếp trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp.

Công tác huy động nguồn lực phòng, chống dịch được thực hiện chủ động, góp phần kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, cấp bách của đại dịch. Đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch. Các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác dưới nhiều hình thức, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền.

Công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực huy động để phục vụ cho công tác phòng chống dịch về cơ bản đã được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, thực hiện theo các chủ trương, chính sách đã ban hành.

Về việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng đoàn giám sát khẳng định, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng được ban hành tương đối toàn diện, đồng bộ. Theo đó, Quốc hội ban hành 7 Luật, 2 Nghị quyết chuyên đề về y tế và nhiều Nghị quyết có nội dung liên quan, Chính phủ và các bộ, ngành cũng ban hành nhiều Nghị quyết, Nghị định, Thông tư, Quyết định…

Trong giai đoạn vừa qua, hoạt động của y tế cơ sở và y tế dự phòng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và đã được minh chứng trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19.

Đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, 100% huyện có Trung tâm y tế, 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, 92,4% trạm y tế có bác ỹ làm việc, 71% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. Ngoài ra còn có hàng chục ngàn phòng khám tư nhân, phòng khám bác sỹ gia đình, bệnh viện tư nhân tương đương tuyến huyện.

Bên cạnh đó, nhân lực từng bước được củng cố cả về số lượng và chất lượng; Cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của y tế cơ sở từng bước được đổi mới; Khả năng và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở ngày càng được nâng lên; Hệ thống y tế dự phòng được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn bộ máy, tổ chức đồng bộ từ trung ương tới địa phương.

Báo cáo của Đoàn giám sát cũng nêu tồn tại, hạn chế trong việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng như hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh, tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống dịch. Có nhiều khó khăn trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn lực từ ngân sách nhà nước. Các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai từ sau các vụ việc tiêu cực phát sinh. Còn xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ việc đến mức phải xử lý hình sự. Vướng mắc về thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán chưa được các cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn kịp thời hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...

Báo cáo của Đoàn giám sát cũng nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm chính trong các tồn tại, hạn chế thuộc về Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ban, ngành và các địa phương. Đoàn giám sát đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm với 27 bài học cụ thể cùng với việc đề xuất 2 nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế và về tổ chức thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng Đoàn giám sát cho biết, với mục tiêu tháo gỡ dứt điểm khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe kết quả thực hiện giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Đoàn giám sát đã triển khai công việc rất công phu, nỗ lực làm việc với Chính phủ về một số vấn đề lớn của chuyên đề.

Cần nhận thức rõ giám sát tối cao để đánh giá tổng thể

Phát biểu tại Phên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, trong dự thảo Nghị quyết đánh giá 6 khuyết điểm, tồn tại về huy động nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, hệ thống pháp luật chưa bao quát để điều chỉnh tình huống phát sinh; khó khăn trong phân bổ, quản lý và thanh quyết toán ngân sách nhà nước; chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xác định tài sản của các nguồn tài trợ; chưa chủ động được nguồn vaccine….

Trong tồn tại về cơ sở y tế, y tế dự phòng cũng có một số tồn tại như nhận thức, tổ chức hệ thống, thiếu nguồn lực, trình độ chuyên môn, chính sách không thoả đáng, đầu tư y tế, cơ sở dự phòng không thoả đáng và không tương xứng….

tvqh-11a-1681194570.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: TTXVN

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn về nguyên nhân được nêu trong Nghị quyết: “nguyên nhân chính của những tồn tại trên là do hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát, chưa điều chỉnh hết các quan hệ tình huống phát sinh tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống”. Do đó đề nghị chỉ rõ khoảng trống pháp luật? Hiện nay, đã có đầy đủ các luật để phòng, chống dịch bệnh cũng đã có; có chăng chỉ chưa có ở mức cao hơn trạng thái bình thường và thấp hơn tình trạng khẩn cấp?

Bên cạnh đó, khi bước vào đại dịch COVID-19, nhiều cơ quan đề nghị tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền là không công bố, nhưng thực tế đã áp dụng toàn bộ các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp.

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Trần Quang Phương nhấn mạnh, nếu ghi nguyên nhân là do khoảng trống pháp lý là không có. Đồng thời nêu quan điểm, phải chăng cách vận dụng các biện pháp trước tình trạng chưa khẩn cấp và tình trạng khẩn cấp chưa nhuần nhuyễn trong thực tiễn chỉ đạo. Chưa công bố nhưng lại thực hiện tình trạng khẩn cấp là do nhận thức không thống nhất. Nhận thức không thống nhất ngay cả trong quá trình triển khai công việc, trong quá trình tổ chức thực hiện và trong giải quyết hậu quả sau này về thanh quyết toán các nguồn lực.

Băn khoăn về đánh giá này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần xem xét, đồng thời đề nghị Bộ Y tế, các cơ quan của Chính phủ cho ý kiến thêm đánh giá này. Nếu không sẽ rơi vào tình trạng làm không được thì đổ cho hệ thống pháp luật. Tuy hệ thống pháp luật vẫn còn chưa hoàn thiện, đồng bộ, nhưng chủ yếu vẫn là văn bản dưới luật và sự điều hành cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là chuyên đề giám sát tối cao, với phạm vi rộng và tầm quan trọng lớn, không phải chỉ là tổng kết một Nghị quyết của Trung ương hay một Nghị quyết của Quốc hội, mà cần nhận thức rõ giám sát tối cao là để đánh giá tổng thể việc thực hiện hệ thống pháp luật, nhìn nhận rõ thực tế, những hạn chế, tồn tại, yếu kém để có biện pháp khắc phục khả thi, rút ra những bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề như: Dự thảo Nghị quyết đã đạt được yêu cầu đặt ra chưa? tên Nghị quyết đã phù hợp chưa? Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, một số nội dung trong báo cáo giám sát còn chung chung, chưa đủ rõ, cần sửa đổi để làm rõ vấn đề, quy rõ trách nhiệm một cách cụ thể, rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Nhấn mạnh phạm vi giám sát là rất rộng, liên quan đến cả việc huy động, sử dụng, quản lý nguồn lực, thanh quyết toán nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đoàn giám sát lưu ý trình bày rõ hiện trạng thanh quyết toán các nguồn trong và ngoài nước, làm rõ còn bao nhiêu chưa được thanh quyết toán, bao nhiêu chưa được chi trả, có thất thoát, sai phạm gì không, việc quản lý, sử dụng nguồn lực cụ thể cho phòng, chống dịch ra sao, lượng vaccine thừa, quá hạn cụ thể là bao nhiêu?

Hiện nay, trong báo cáo giám sát chưa làm rõ các thông tin liên quan đến nội dung này, chưa đưa ra địa chỉ cụ thể về các địa phương, cơ quan, đơn vị còn tồn tại, hạn chế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần đánh giá kỹ lưỡng, cung cấp số liệu cụ thể để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Đối với nội dung về nguyên tắc phân định giữa khám, chữa bệnh và y tế dự phòng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giải trình rõ cơ sở đề xuất sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để chi cho y tế dự phòng. Về y tế cơ sở, tình hình phát triển còn nhiều vướng mắc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ngành y tế hay thuộc về các địa phương, đề xuất mô hình, hệ thống, biên chế của y tế cơ sở ra sao để khắc phục những tồn tại hiện có, từ đó đưa ra định hướng cụ thể để triển khai trên phạm vi cả nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn của các đề xuất trong báo cáo giám sát. Theo đó, Nghị quyết 30 đã quy định cho phép thực hiện các biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách. Tuy nhiên, những biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách này cũng được quy định cụ thể ở các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan ban hành, và các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chấp hành theo những biện pháp đã được quy định. Việc sử dụng biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách theo Nghị quyết 30 không phải là áp dụng biện pháp đặc thù một cách tùy tiện, không phải là hợp thức hóa sai phạm.

Đối với những đề xuất giải pháp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng còn thiếu cơ sở chính trị, một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc các cơ quan khác, một số vấn đề nằm ngoài phạm vi giám sát như: Việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, việc nâng cao chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế… sẽ nằm trong các nội dung công việc khác đang triển khai như sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, cải cách tiền lương… Vì vậy, cần rà soát, nghiên cứu lại các đề xuất để đảm bảo cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn đầy đủ, vững chắc, cụ thể, đúng phạm vi giám sát, đúng thẩm quyền.

tvqh-11b-1681194601.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, là cơ quan tham mưu giúp việc cho Chính phủ về lĩnh vực y tế, Bộ Y tế nhận thấy nhiều nội dung liên đến công tác chống dịch COVID-19; xây dựng hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng được Quốc hội quan tâm xem xét, đây là cơ hội cho ngành thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị nêu rõ và sâu hơn bối cảnh khó khăn chưa có tiền lệ của đại dịch COVID-19 để làm rõ những giải pháp đưa ra trong tình hình cấp bách, khi đất nước còn hạn chế trong nguồn lực tài chính, nguồn lực công nghệ. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã rất linh hoạt, sáng tạo, giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra, nhưng bối cảnh đó cũng làm bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng, triển khai, huy động nguồn lực.

Cụ thể, Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đặc biệt trong lúc nguồn lực còn hạn chế, việc tiếp cận nguồn vaccine quốc tế ban đầu còn khó khăn. Việc tập trung được nguồn lực cho công tác chống dịch trong thời gian qua là nỗ lực, cố gắng vượt bậc, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, điều này cần được làm rõ khi đánh giá, tổng kết việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực trong thời gian qua.

V.T