Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững
Tại các Hội nghị tiếp xúc cử tri, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho chiều sâu, đầu tư cho phát triển. Năm 2021, với sự tham mưu của Bộ VHTTDL, Bộ Chính trị đã tổ chứcHội nghị Văn hóa toàn quốc. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở: "Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất". Cái còn lại của sự phát triển bền vững phát bắt nguồn từ văn hóa. "Sau Hội nghị, chúng tôi đã nhận thấy có sự chuyển biến tích cực. 53/63 tỉnh, thành đã bắt đầu quan tâm đến văn hóa, tăng cường đầu tư cho văn hóa. Đầu tư ở đây là về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cấp di tích, di sản để phát huy giá trị. Đầu tư cho dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể. Trong đó, chú ý đến văn hóa của cộng đồng các dân tộc, nằm trong tổng thể văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhiều địa phương đã tăng mức đầu tư lên, thấp nhất cũng trên 20%", Bộ trưởng nói.
"Với trách nhiệm của mình, khi về làm đại biểu của tỉnh Kon Tum, tôi cùng lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở làm gì để tỉnh nhà phát triển, để văn hóa Kon Tum tiếp tục được bảo tồn và phát triển trong bối cảnh chúng ta có nhiều dân tộc sinh sống. Kon Tum có những nét riêng của dân tộc Tây Nguyên, không bị lẫn với những văn hóa khác. Chúng ta tiếp biến văn hóa nhưng chúng ta không đánh mất đi bản sắc văn hoá của mình. Chính vì vậy, Bộ VHTTDL bằng cái tâm, trách nhiệm của mình đã kiến nghị cho Chính phủ đề dồn nguồn lực đầu tư cho Kon Tum trong khả năng có thể", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng vui mừng thông tin đến cử tri, với sự nỗ lực và tâm huyết, trong lĩnh vực di sản, Bộ đã đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp 120 tỉ đồng để xây dựng, nâng cấp di tích Đăk Tô – Tân Cảnh. Bộ VHTTDL đã chuyển toàn bộ số tiền này về cho tỉnh Kon Tum để tỉnh làm chủ đầu tư, cùng với đó là phát huy nguồn lực, xây dựng di tích xứng tầm di tích quốc gia. Với tầm quan trọng đặc biệt như di tích quốc gia đặc biệt nhưng trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, nguồn vốn còn eo hẹp, Chính phủ cũng chỉ cho được 17 dự án. Và trong 17 dự án đó thì Kon Tum có được một dự án. Điều này cũng đã được lãnh đạo tỉnh và đông đảo cử tri ghi nhận sự nỗ lực và tâm huyết của Bộ VHTTDL.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm: "Chúng tôi cũng đã cân đối nguồn lực từ dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, phân bổ cho Kon Tum 60 tỉ. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, Bộ đã hỗ trợ Kon Tum 16,2 tỉ để thực hiện các dự án. Như vậy Bộ đã đầu tư cho tỉnh tổng cộng 180 tỉ đồng. Hy vọng Kon Tum sớm giải ngân được nguồn vốn này. Trong năm 2023, Bộ VHTTDL tiếp tục đầu tư cho Kon Tum 38 tỉ đồng cho các hạng mục chống xuống cấp di tích, 3 dự án tu bổ di tích, 16 dự án nhỏ về xây dựng nhà văn hóa thôn bản, 5 dự án trang thiết bị cho các nhà văn hóa, 1 dự án về bảo tồn văn hóa đồng bào các dân tộc, 1 dự án về bảo tồn các lễ hội tiêu biểu dân tộc Kon Tum. Lấy cái gốc là phải bảo tồn văn hóa. Với tổng mức này, chúng tôi công khai và trao đổi với lãnh đạo tỉnh, giao nhiệm vụ cho Sở VHTTDL tỉnh khẩn trương truyền tải và thực hiện các dự án nêu trên. Chúng tôi nghĩ trong khả năng của Bộ, chúng tôi đã tìm kiếm tất cả các nguồn lực có thể để cùng Kon Tum như lời hứa khi ứng cử, sẽ làm hết sức trong khả năng có thể, góp phần cùng nhân dân Kon Tum, đồng bào dân tộc Kon Tum xây dựng Kon Tum phát triển", Bộ trưởng khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, chỉ trong thời gian ngắn, Bộ đã nhìn thấy cơ hội của Kon Tum nên đã bàn bạc với tỉnh để lựa chọn nhà đầu tư, đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh được ví như cực tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế Kon Tum phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, lấy du lịch là trọng tâm vì du lịch được ví như ngành công nghiệp không khói, "con gà đẻ trứng vàng". Bộ trưởng cũng bày tỏ sự vui mừng vì nhờ giới thiệu của Bộ, tỉnh đã nhận thấy được nhà đầu tư tiềm năng, mời gọi được những "đại bàng về xây tổ".
Vừa qua, Bộ VHTTDL cũng đã tổ chức Diễn đàn du lịch, thu hút hơn 400 doanh nghiệp đến với Kon Tum. Chỉ trong thời gian ngắn, từ sau Hội nghị đến ngay, lượng khách đến với Kon Tum tăng đột biến, với gần 800.000 lượt khách đến với địa bàn Kon Tum. Tổng thu từ du lịch đạt 184 tỉ. Đây là đóng góp nhỏ nhoi của Bộ VHTTDL để cùng với Kon Tum trong kiến tạo và phát triển.
Về những vấn đề cụ thể mà lãnh đạo huyện Đăk Glei và Ngọc Hồi đề xuất, Bộ trưởng cho rằng đây là những nguyện vọng chính đáng và Bộ ủng hộ. Việc lập hồ sơ nâng cấp di tích chiến thắng Đăk Pek thành di tích lịch sử quốc gia, Bộ trưởng đề nghị Giám đốc Sở VHTTDL phải hướng dẫn huyện thực hiện hồ sơ, đánh giá lại giá trị của di tích; xem xét, đưa vào hệ thống quy hoạch để báo cáo. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, xếp hạng là để khẳng định giá trị của di tích, để tính toán vấn đề đầu tư chứ không phải xếp hạng xong thì có đầu tư ngay. "Toàn quốc hiện nay trên 40.000 di tích được xếp hạng, trong đó có nhiều cấp độ khác nhau như cấp Chính phủ, Bộ và tỉnh. Theo sự phân cấp, những di tích nào là nhà nước, cụ thể là nhà nước TƯ, là các chương trình mục tiêu phải có đầu tư. Nhưng cũng có những di tích cấp tỉnh đầu tư, cấp huyện đầu tư và xã hội hóa. Hiện nay chúng tôi đang chỉ đạo theo hướng đầu tư xã hội hóa. Nguồn lực đầu tư công chỉ có vai trò dẫn dắt, "vốn mồi". Trong sâu thẳm, di tích, tượng đài đúng cần phải làm nhưng cố gắng giữ di tích, tượng đài trong lòng dân", Bộ trưởng nhấn mạnh.
"Tôi mong cử tri Kon Tum coi tôi như những người con của quê hương, cùng chúng tôi hoàn thành trách nhiệm. Còn một ngày làm đại biểu hoặc sau này làm công dân thì tôi nguyện sẽ cố gắng tìm các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như Kon Tum. Ngay chiều nay và ngày mai, tôi sẽ trao 10 căn nhà tình nghĩa cho tỉnh, mỗi căn nhà có trị giá 70 triệu đồng cho bà con nghèo, gia đình chính sách", Bộ trưởng chia sẻ.
Giải đáp thuyết phục những vấn đề cử tri quan tâm
Cũng tại các Hội nghị tiếp xúc cử tri, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng giải đáp những vấn đề được các cử tri quan tâm. Liên quan đến vấn đề quản lý tài nguyên đất đai, Bộ trưởng cho rằng, đây là nguyện vọng chính đáng của bà con cử tri. "Trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu đặt ra là phải quản lý tốt nguồn lực tài nguyên này, phân bổ đều đặn, minh bạch, công khai. Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, nếu ta không quản lý tốt, ta không làm tốt thì sau này sẽ rất khó khăn", Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời ông thông tin: Ngày 16/6 vừa qua, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành 4 Nghị quyết quan trọng tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, là Nghị quyết 18, 19, 20 và Nghị quyết số 21. Trong đó, Nghị quyết 18 nhấn mạnh nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
"Tôi hy vọng các Cấp ủy Đảng và tất cả các đảng viên chúng ta quán triệt tất cả các Nghị quyết này, trong đó có Nghị quyết 18 để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tránh xung đột trong vấn đề thu hồi đất, tránh sử dụng đất không đúng mục đích, gây lãng phí, thất thoát và vi phạm pháp luật", Bộ trưởng nói.
Về vấn đề về chính sách người có công, Bộ trưởng nhấn mạnh: Đây là chính sách Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm. Đất nước bình yên hôm nay, chúng ta phải trân trọng , biết ơn, khắc ghi công lao của anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh để có ngày đất nước nở hoa độc lập, có cuộc sống hôm nay. Đây là đạo lý, luơng tâm, trách nhiệm. Sắp tới 27/7, phải it nói lại và làm bằng việc làm cụ thể. Thắp nén nhang cho người đã khuất, chuyển một phần quà và không chờ vào suất của Nhà nước. Nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế nhưng nếu biết lồng ghép bằng nguồn xã hội hoá, phát huy tinh thần đền ơn đáp nghĩa, chúng ta sẽ lo được. Như vậy chắc chắn sẽ rất ấm lòng vì thân nhân các anh hùng, liệt sĩ họ không đòi hỏi đồng tiền mà họ quan tâm đến các hành xử của chính quyền và thế hệ đi sau.
Liên quan đến bảo hiểm y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng sau khi có Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, qua khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Kon Tum trên địa bàn tỉnh cho thấy, có gần 52.000 trường hợp, riêng huyện Đăk Glei là 6.000 trường hợp. Còn tính chung trên toàn quốc là hơn 4 triệu, theo báo cáo của bảo hiểm y tế. Đây là con số rất lớn. "Tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng đã có ý kiến, tôi xin tiếp thu ý kiến này. Là đại biểu Quốc hội và là thành viên của Chính phủ, chúng tôi sẽ trao đổi trực tiếp với Lãnh đạo Bộ, ngành liên quan, tiếp tục đeo bám để các Bộ, ngành sớm trình Chính phủ xem xét, sửa đổi", Bộ trưởng cho biết.
"Tôi hy vọng những gì thực tiễn đã kiểm điểm, khó khăn, đặc biệt là chính sách với đồng bào DTTS sớm được giải quyết. Mong các Cấp ủy Đảng giải thích, tuyên truyền, vận động để nhân dân tin tưởng. Một mặt chúng ta nhờ chính sách Nhà nước hỗ trợ. Mặt khác động viên bà con để vươn lên làm giàu một cách chính đáng trên mảnh đất của mình. Tôi nghĩ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị phải cùng chính quyền hướng dẫn cho nhân dân biết cách làm ăn, cách làm giàu, liên kết, phát triển kinh tế hộ. Từ kinh tế hộ để rồi kinh tế tập thể. Có như vậy chúng ta mới vươn lên được. Thiên nhiên ban tặng cho chúng ta sâm ngọc linh, có bản làng đẹp nếu biết quy hoạch, nếu biết cách làm như những địa phương khác làm thì tôi tin con đường đủ ăn, khá giả vươn lên làm giàu sẽ trong tương lai rất gần", Bộ trưởng nói.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng đã giải đáp một cách thuyết phục, thấu lý, đạt tình những vấn đề nóng như đầu tư kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, tăng giá xăng dầu, tăng học phí... được các cử tri nhiệt liệt hoan nghênh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao tặng nhà tình nghĩa cho tỉnh Kon Tum
Cũng trong dịp này, hướng tới kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã trao tượng trưng 5 căn nhà tình nghĩa là quà của Bộ trưởng cho các gia đình chính sách, người có công, người nghèo... tỉnh Kon Tum. Đồng thời, Bộ trưởng đã chuyển kinh phí hỗ trợ 5 căn nhà cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum để trao cho các gia đình chính sách và người nghèo.Trị giá mỗi căn là 70 triệu đồng, tổng trị giá 700 triệu đồng.
Dự chương trình trao quà có Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn; Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum U Huấn; lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh Kon Tum và các Cục, Vụ... Bộ VHTTDL.
Được biết, trong những năm qua, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức chương trình xã hội hóa có ý nghĩa "Bánh chưng xanh" để kêu gọi các Mạnh thường quân để thực hiện các hoạt động từ thiện và trao nhà tình nghĩa.