Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Phải tránh tình trạng các địa phương có sản phẩm du lịch na ná nhau, đi một tỉnh đã biết toàn vùng

Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của liên kết vùng trong phát triển du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng lưu ý, phải tránh tình trạng các địa phương có sản phẩm du lịch na ná nhau, đi một tỉnh đã biết toàn vùng thì không thể đáp ứng nhu cầu trải nghiệm và giữ chân du khách.

Sáng 26/8, tại thành phố Hà Giang, 6 tỉnh Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang) phối hợp tổ chức Hội thảo "Xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch liên kết 6 tỉnh Việt Bắc", Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ chương trình "Qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ XIII.

Dự hội thảo có ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ông Đặng Quốc Khánh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang; Lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Lãnh đạo UBND và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Việt Bắc cùng đại diện các doanh nghiệp du lịch.

Khẳng định tiềm năng, lợi thế nhưng phải nhận diện được khó khăn, thách thức

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt từ sau đại dịch COVID-19, thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, nhiệm vụ đặt ra là nhanh chóng phục hồi kinh tế sau đại dịch, trong đó có phục hồi du lịch.

Điểm lại một loạt những hoạt động du lịch nổi bật trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, du lịch Việt Nam đã khởi sắc, bức tranh du lịch đã có rất nhiều điểm sáng.

1661-1661594176.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao sáng kiến liên kết, hợp tác của các tỉnh Việt Bắc (lần này do Hà Giang đăng cai) và mong muốn các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội... sẽ cùng bàn với nhau về những giải pháp về phát triển du lịch. Không chỉ nhận diện mà còn cụ thể hóa chủ trương của Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là mỗi địa phương phải có một sản phẩm độc đáo, đặc sắc và phải kết nối được các sản phẩm này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, với tiềm năng, thế mạnh của 6 tỉnh Việt Bắc và qua việc doanh nghiệp trao đổi về những sản phẩm thành công, định hướng khai thác sắp tới, cần định vị lại vị trí thương hiệu của du lịch Việt Bắc trong cách tiếp cận và mối liên hệ với các tỉnh trên toàn quốc, nhìn rộng ra tầm quốc tế và khu vực.

Các địa phương cần nhìn lại và khẳng định những tiềm năng, thế mạnh vốn có mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng Việt Bắc, về những giá trị vô giá mà các thế hệ cách mạng cùng với nhân dân các dân tộc vùng Việt Bắc, nhân dân cả nước dày công vun đắp và xây dựng, gìn giữ, để lại cho hậu thế.

Bên cạnh đó, cũng cần nhận diện rõ những khó khăn, thách thức để đưa ra những giải pháp khắc phục. Đặc biệt là vấn đề kết nối giao thông khi trong vùng chưa có sân bay, giao thông đường thủy chưa phải thế mạnh, đường bộ vẫn là điểm nghẽn khi thời gian di chuyển từ Hà Nội lên các tỉnh trong vùng và giữa các tỉnh với nhau vẫn rất dài.

Ngoài ra, điểm nghẽn về hạ tầng du lịch cũng chưa được tháo gỡ, cơ sở lưu trú trong vùng còn thiếu, chưa đủ để phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý, phát triển du lịch cộng đồng nếu không chú ý và có cách làm tốt sẽ na ná giống nhau, gây ra hiệu ứng đi 1 tỉnh đã biết hết toàn vùng.

1662-1661594175.jpg

Về sản phẩm du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng mỗi địa phương phải có một sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, mang đậm dấu ấn của địa phương và đồng thời phải kết nối được các sản phẩm du lịch của các địa phương với nhau.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, thúc đẩy để phát triển liên kết vùng phải nhìn vào thực tế. Tuy trong thể chế chính trị của chúng ta chưa có cơ chế vùng nhưng chúng ta có thể liên kết vùng trong du lịch và muốn phát triển du lịch phải dựa vào liên kết.

"Tuy vậy liên kết gì ở đây? Ai giữ vai trò liên kết? 13 năm qua các tỉnh thực hiện Chương trình Qua những miền di sản Việt Bắc đã cho thấy sự liên kết nhưng chủ yếu là ở các cấp quản lý nhà nước. Trong thực tiễn, để liên kết tạo sản phẩm thì vai trò của doanh nghiệp phải là số 1, nhà nước chỉ giữ vai trò kiến tạo, tạo lập cơ chế chính sách, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

Khi và chỉ khi doanh nghiệp nhìn thấy lợi thế và tiềm năng, lợi nhuận trong liên kết, minh bạch và công khai, gắn liền với lợi ích của cộng đồng địa phương, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân thì liên kết mới thành công. Vì thế, cần phải đặt ra vai trò của Hiệp hội du lịch các địa phương, doanh nghiệp trong các liên kết này để tạo ra sản phẩm, tạo ra sức mạnh của ngành", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

1663-1661593451.jpeg
Toàn cảnh Hội thảo.

Du lịch phải bắt đầu từ văn hóa, không thể tách rời yếu tố văn hoá

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, du lịch phải bắt đầu từ văn hóa và sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hóa. Tài nguyên văn hóa của Việt Nam phong phú, đồ sộ và đặc sắc, vì vậy, người Việt Nam cần biết phát huy những yếu tố đó, doanh nghiệp du lịch phải biết thổi hồn vào đó để tạo ra sản phẩm và từ đó kết nối để tạo ra sản phẩm khác. Phải tránh tình trạng các địa phương có sản phẩm na ná nhau. Du lịch chỉ đi 1 tỉnh đã hình dung ra các tỉnh khác rồi thì không thể đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách và giữ chân được du khách.

Chúng ta không bán sản phẩm địa phương, doanh nghiệp có mà là bán sản phẩm mà khách có nhu cầu. Vì thế, sản phẩm của Hà Giang phải khác Tuyên Quang, khác Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và ngược lại. Bên cạnh đó, các sản phẩm, tour, tuyến du lịch của 6 tỉnh này cũng phải được kết nối với các địa phương khác trên cả nước.

1664-1661593451.jpeg

Về công tác chuyển đổi số trong du lịch, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong bối cảnh cách mạng 4.0, cần phải phá thế riêng biệt trong du lịch ở mỗi địa phương. Phải xây dựng được các ứng dụng (app) du lịch của 6 tỉnh thành, liên thông, kết nối với app chung của Tổng cục Du lịch và việc truy cập phải nhanh gọn, tiện ích, đầy đủ thông tin.

Một vấn đề nữa cũng được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặt ra là vấn đề đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho du lịch. Bộ trưởng cho rằng với một ngành giàu tiềm năng, có nhiều thế mạnh phát triển như du lịch, để phát triển du lịch một cách bài bản, mạnh mẽ nên chăng tính đến việc có Sở Du lịch riêng để làm nhiệm vụ chuyên sâu về công tác quản lý du lịch. Bộ trưởng cho rằng các tỉnh Việt Bắc có thể nghiên cứu mô hình của 14 địa phương trên cả nước đã có Sở Du lịch.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, để phát triển du lịch phải có lực lượng đủ sức, đủ lực, đủ điều kiện nghiên cứu, cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, hoàn thiện công cụ pháp luật trong lĩnh vực du lịch. Bộ trưởng đề nghị các địa phương, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp cùng với Bộ kiến nghị Nhà nước tháo gỡ, điều chỉnh luật cho phù hợp.

Bên cạnh đó, cũng cần ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp làm du lịch ngay từ nội địa từng tỉnh để kết nối với nhau. Vai trò của Hiệp hội Du lịch các địa phương cũng cần được phát huy để có sự tính toán, tham mưu, hiến kế cho phát triển du lịch.

1665-1661593451.jpeg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bí Thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh cùng các đại biểu thăm các gian hàng trưng bày tại Hội thảo.

Đặc biệt nhấn mạnh vai trò của nhân dân trong phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định phải dựa vào dân, chỉ có người dân mới làm du lịch tốt.

"Níu giữ chân khách đôi khi không phải là khách sạn nguy nga mà là thái độ phục vụ cô dọn phòng; điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn không chỉ ở món ăn ngon mà là phong cách phục vụ, nụ cười tỏa nắng của những người dân bản địa thật thà, chân tình, khẳng khái...

Vì vậy phải đào tạo, hướng dẫn, phải thực hành văn hoá, nếu du lịch tách ra những yếu tố đó, chộp giật, kiếm tiền nhanh thì chỉ được 1 lần mà thôi", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định, sức mạnh của nguồn nhân lực phải bắt nguồn từ những kiến tạo của Đảng, Nhà nước, tháo gỡ những điểm nghẽn pháp luật, mô hình tổ chức quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp và phát huy vai trò của nhân dân. Khi giải quyết được những khó khăn, tồn tại thì du lịch của Việt Bắc sẽ có thể phát triển không những ngang bằng mà còn vượt bậc với các địa phương khác.

Giao thông là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc kết nối du lịch

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh khẳng định sau 12 năm triển khai, chương trình hợp tác du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch của các tỉnh, đưa vùng Việt Bắc trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Theo ông Đặng Quốc Khánh, Hà Giang xác định du lịch là một trong ba đột phá của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025 và tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng để phục vụ phát triển du lịch, liên kết vùng.

1666-1661593451.jpeg
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Hội thảo.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nhấn mạnh, hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc kết nối du lịch của các địa phương. Khách du lịch không có nhiều thời gian, việc chỉ di chuyển giữa 2 tỉnh giáp nhau mà mất 7-8 giờ đồng hồ thì không thể thuyết phục được du khách. Bên cạnh đó, hạ tầng điện, viễn thông cũng phải được chú trọng.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cũng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp 6 tỉnh Việt Bắc cần xây dựng kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch cụ thể, thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện, có giải pháp khắc phục kịp thời những hạn chế.

1667-1661593450.jpeg
Lễ ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc giai đoạn 2022-2027.
1668-1661594176.jpg
Lễ công bố 3 sản phẩm du lịch liên kết vùng 6 tỉnh Việt Bắc.
1669-1661594176.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý trao Cờ luân lưu đăng cai chương trình năm 2023 cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương.

Tại hội thảo, lãnh đạo UBND 6 tỉnh Việt Bắc đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2022-2027 và công bố 3 sản phẩm du lịch liên kết vùng Việt Bắc gồm: Sản phẩm "Hành trình kết nối di sản UNESCO Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn"; sản phẩm "Huyền thoại sông Gâm và con đường di sản cách mạng Việt Bắc"; sản phẩm "Từ chiến khu cách mạng Tân Trào đến mặt trận biên giới Vị Xuyên".

Kết thúc hội thảo, UBND tỉnh Hà Giang đã bàn giao biểu trưng luân phiên đảm nhiệm vai trò trưởng nhóm chương trình hợp tác năm 2023 cho tỉnh Tuyên Quang.

Xuân Trường