Nghiên cứu thấu đáo các vấn đề đại biểu quốc hội quan tâm
Khẳng định sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội bằng các ý kiến tâm huyết, rất trách nhiệm với mong muốn hoàn thiện bộ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã tiếp cận và hoàn thiện được 4 mục tiêu lớn, trong đó mục tiêu xuyên suốt, bao trùm là thể chế hóa các quan điểm của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chỉ thị 06 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc.
Cùng với đó là thực tế hóa sâu hơn về quyền con người trong Hiến pháp 2013 đã được quy định, đó là vấn đề bám sát các thông lệ quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia để không trái với quá trình hội nhập và khắc phục những bất cập của luật cũ.
Thông qua các ý kiến cho thấy, các đại biểu đã ủng hộ với 5 nhóm vấn đề mới mà trong luật đã đề cập. Tuy nhiên, như đại biểu băn khoăn và phân tích, để hoàn thiện thì cần phải tiếp tục được nghiên cứu sâu hơn, xem xét một cách thấu đáo hơn để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện.
"Cơ quan soạn thảo xin được trân trọng cảm ơn và sẽ nghiên cứu một cách thấu đáo những ý kiến của đại biểu để nghiên cứu, tham mưu báo cáo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và giải trình" - Bộ trưởng cho biết.
Mở rộng các đối tượng yếu thế
Giải trình thêm một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng cho biết, nhóm vấn đề thứ nhất đó là đối với người yếu thế. Trong Luật, các đại biểu mong muốn phải có những chính sách cụ thể hơn để bảo vệ trẻ em trong vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình.
Đây là một chủ trương xuyên suốt và một điều rất trăn trở trong tất cả các cấp lãnh đạo cũng như những người làm luật. Tinh thần này đã xuyên suốt trong quá trình xây dựng luật và đã được mở rộng hơn so với đối tượng yếu thế khác.
"Việc này thể hiện ngay trong nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình đã được quy định tại Điều 4, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em và ở nhiều nội dung khác đã ghi trong các điều luật cụ thể. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra để làm rõ thêm về nội hàm mà đại biểu quan tâm", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, nhóm vấn đề thứ hai mà đại biểu đề cập, đó là mong muốn quản lý tốt hơn nguồn tài chính được cấp, trong đó có đại biểu mong muốn giải quyết và làm rõ về cơ quan quản lý nguồn vốn này.
"Trong quá trình xây dựng Luật chúng tôi thấy rằng, nếu đề xuất trình Quốc hội về cơ chế quỹ tài chính ngoài ngân sách thì không phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước hiện nay, mà áp dụng theo cơ chế quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ, như Nghị định 93/2019. Vì vậy, không nhất thiết phải quy định thêm về vấn đề quản lý các nguồn không phải từ ngân sách", Bộ trưởng thông tin.
Đối tượng đã ly hôn, ly thân được áp dụng như thành viên của gia đình
Nhóm vấn đề thứ ba, đây cũng là vấn đề các đại biểu đánh khá nhiều thời gian để thảo luận. Đó là trách nhiệm của công an xã được ghi trong Điều 24 và khoản 3 Điều 20. Thực tế, hiện nay lực lượng công an xã đa số là công an chính quy. Trong chức năng, nhiệm vụ, phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ đó là 2 vấn đề lớn của ngành công an đang triển khai.
Theo Bộ trưởng, biện pháp này chính là hình thức về phòng ngừa xã hội và nó cũng chỉ áp dụng đối với trường hợp bạo lực gia đình do công an xử lý, cụ thể là nhóm đối tượng trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, với mục đích là làm rõ thông tin các vụ việc, chưa phải xử lý hành chính hay xử lý hình sự. Cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu sâu hơn ý kiến này.
Nhóm vấn đề thứ tư, các đại biểu cũng quan tâm khá kỹ, đó là các đối tượng được áp dụng như thành viên của gia đình, quy định tại khoản 2 Điều 3. Theo đó, nhóm đối tượng đã ly hôn, ly thân, có quan hệ gia đình trước đây thì lâu nay vẫn vi phạm nhưng đang có một khoảng trống. Vì vậy, phải đưa nhóm đối tượng này vào để áp dụng tương tự như thành viên của gia đình và điều này cũng không sai với các quy định hiện hành.
Nhóm vấn đề thứ năm là biện pháp hỗ trợ xử lý bạo lực gia đình. Ở đây có 3 biện pháp mới, gồm: Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực, thực hiện phục vụ công việc cộng đồng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các đại biểu cho rằng việc này nên cân nhắc, vì vậy cơ quan soạn thảo cùng với cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ nghiên cứu vấn đề này, nhưng phải nhìn thấy ở góc độ chúng ta sẽ lựa chọn các biện pháp giữa góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư hay thực hiện việc nhiệm vụ phục vụ cộng đồng. Như vậy vừa có ý nghĩa giáo dục tự nguyện, đồng thời thể hiện mục tiêu giúp đỡ người có hành vi bạo lực gia đình nhận thức được hành vi sai trái của mình để khắc phục và hoàn thiện.
Nhóm vấn đề thứ sáu, đó là góp ý thêm về kỹ năng soạn thảo, kỹ năng lập pháp. Về một số nội dung đang còn sót cần phải được đề cập một cách đầy đủ hơn, lượng hóa hơn, bao quát hơn ở một số điều luật. "Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo sẽ cố gắng nghiên cứu một cách thấu đáo để tiếp thu và báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp này", Bộ trưởng nhấn mạnh.