Bế mạc cuộc thi tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023

Ngày 11/5, tại Nhà hát Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra lễ tổng kết và trao giải cuộc thi tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023. Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du Lịch Tạ Quang Đông tham dự sự kiện.

Đến dự lễ bế mạc và trao giải có các đại biểu: Về phía Trung ương có: PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi; NSND Trịnh Thúy Mùi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Thành viên Ban chỉ đạo; NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Thành viên Ban chỉ đạo;...

Về phía tỉnh Thanh Hóa có: Ông Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa; Ông Phạm Nguyên Hồng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, Đồng Trưởng ban tổ chức; Ông Đỗ Quang Trọng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, Phó Trưởng ban tổ chức...

1681-1683895549.jpg
PGS, TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi và NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao giải sáng tạo cho các thí sinh.

Cuộc thi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa tổ chức.

Cuộc thi tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023 có 38 nghệ sĩ của 09 đơn vị nghệ thuật Tuồng và Dân ca trên cả nước về tham gia. Với các trích đoạn đặc sắc, các nghệ sĩ đã thể hiện tình yêu nghề nồng cháy với loại hình nghệ thuật tuồng và dân ca kịch đã hấp dẫn lôi cuốn người xem.

Phát biểu tổng kết, đánh giá về chuyên môn nghệ thuật, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá: Đối với nghệ thuật Tuồng, với các trích đoạn bao gồm truyền thống và hiện đại. Các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật đã đầu tư khá kỹ về chất lượng nghệ thuật. Nhiều trích đoạn truyền thống như "Kim Lân quan đèo", "Nữ tướng Đào Tam Xuân", "Chung vô diệm", "Bách đao Diệm Thiên Hùng"; "Mạnh Lương bắt ngựa"… và Tuồng hiện đại trong cuộc thi lần này có 02 trích đoạn: "Bà Tư lành", Đông Nhật trong vở "Người cáo".

1682-1683895549.jpg
Các thí sinh nhận giải nhất của cuộc thi.

Các trích đoạn tham gia cuộc thi lần này được khai thác dựa trên các yếu tố tự sự, kịch tính, tự tình để làm cơ sở cho nghệ sĩ biểu diễn, phát huy được những yếu tố cơ bản của thanh - sắc - thục - tinh - khí - thần. Các trích đoạn được các NSND, NSƯT những người có tay nghề cao truyền dạy nên nhiều nghệ sĩ đã thể hiện hết mình để phô diễn tài năng. Cuộc thi lần này không có giới hạn độ tuổi, nhiều nghệ sĩ đã có nhiều năm trải nghiệm trong nghề lại được học tập, rèn luyện kỹ càng, có nhiều kinh nghiệm biểu diễn nên các phần trình diễn đạt chất lượng cao kể cả ở những trích đoạn về Tuồng hiện đại vốn không phải là thế mạnh của nghệ thuật Tuồng.

Về Dân ca kịch là một loại hình nghệ thuật sân khấu hình thành và phát triển trên những bài hát dân ca. Cuộc thi tài năng sân khấu lần này có 2 loại hình Dân ca kịch tham gia đó là Dân ca kịch Bài Chòi và Dân ca kịch Huế. Với số lượng áp đảo, Dân ca kịch Bài Chòi chiếm 90% số lượng đăng kí dự thi gồm các trích đoạn về đề tài lịch sử như: Bùi Thị Xuân hồi triều; Chế Mân trong Độc dược....; đề tài hiện đại có Trong góc khuất; Một mạng người; Nỗi đau tình mẹ; Chuyện bên dòng sông Thu…

Cũng tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đánh giá, bên cạnh những trích đoạn mẫu mực mang đến cuộc thi, vẫn còn có một số điểm cần trao đổi với các đơn vị và các nghệ sĩ như sau: Về lựa chọn trích đoạn, có nhiều đơn vị chưa đầu tư để nâng cao chất lượng nghệ thuật, chưa mời các đạo diễn, tác giả bố cục lại, làm mới trích đoạn tham gia cuộc thi mà chỉ trích một số đoạn gán ghép lại với nhau.

Về đầu tư cho dàn dựng, trong cuộc thi, vẫn còn thấy nhiều nghệ sĩ biểu diễn chỉ quan tâm tới kỹ thuật hát múa, mà quên mất tình huống hoàn cảnh nhân vật đang diễn ra. Về phối hợp biểu diễn, có một số trích đoạn xử lý không gian, thời gian để ánh sáng tối chưa hợp lý; chưa phối hợp kỹ lưỡng với hệ thống âm thanh.

1683-1683895549.jpg
Các thí sinh nhận giải nhì của cuộc thi.

Qua đó, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị: "Cục Nghệ thuật biểu diễn cần có hướng dẫn, đề nghị các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật không đăng ký 01 tiết mục mà có 2 diễn viên trong cùng một đơn vị tham gia một cuộc thi ở các cuộc thi lần sau. Các nhà hát cần mời các thầy dạy vai, truyền vai và phải đầu tư hơn nữa về trình độ chuyên môn. Cục Nghệ thuật biểu diễn cần tổ chức nhiều cuộc tập huấn để nâng cao tay nghề đào tạo cho các chỉ đạo nghệ thuật và diễn viên để không ngừng nuôi dưỡng tài năng".

Kết thúc cuộc thi, ban tổ chức đã trao 08 giải nhất, trao 09 giải nhì, và trao 02 giải xuất sắc cho người dàn dựng trích đoạn có sáng tạo, đạt hiệu quả cao và người hướng dẫn ca diễn. Nhân dịp này, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng trao 07 giải thưởng cho các nghệ sĩ, diễn viên đã có sự cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt phần dự thi trong cuộc thi lần này.

Cuộc thi tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2023 là cơ hội để các diễn viên thể hiện sự đam mê nghề nghiệp, phô diễn tài năng cũng như khát khao sáng tạo, cống hiến, nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với nghề nghiệp mà nhiều thế hệ nghệ sĩ đi trước đã gây dựng nên.

Đồng thời, đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước quản lý ghi nhận và vinh danh các diễn viên tài năng nghệ thuật truyền thống, phát hiện tài năng nghệ thuật để động viên, khích lệ các nghệ sĩ diễn viên có nhiều đóng góp cho sự nghiệp nghệ thuật truyền thống trong những năm qua. Đồng thời, là cơ hội để khán giả xứ Thanh và du khách được sống trong không khí của nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch với các tài năng nghệ thuật tiêu biểu.

T.N