1.000 huấn luyện viên, vận động viên tập huấn nâng cao kỹ năng về dinh dưỡng, tâm lý thể thao và phòng chống Doping

Sáng 11/7, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội tổ chức Lớp tập huấn: “Nâng cao kỹ năng về dinh dưỡng, tâm lý thể thao và phòng chống Doping trong tập luyện và thi đấu cho các đội tuyển thể thao quốc gia".

Lớp tập huấn có sự tham gia của 1.000 huấn luyện viên, vận động viên các đội tuyển thể thao quốc gia với sự đồng hành của thương hiệu Yangmiwa - thực phẩm bảo vệ sức khoẻ của Nhật Bản. Tới dự có bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao.

3-1720685328.jpg
Toàn cảnh Lớp tập huấn. Ảnh: Văn Duy

Chuyên đề "Vai trò và đặc điểm của thực phẩm bổ sung trong thể thao thành tích cao" của PGS. TS Nguyễn Xuân Ninh - Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam - cho biết: Vận động viên đỉnh cao có cường độ vận động rất lớn trong tập luyện và thi đấu, vì vậy, khẩu phần ăn cần năng lượng và dinh dưỡng lớn, thậm chí cao hơn 5-6 lần so với người không tập luyện. Với nhu cầu lớn như vậy, khẩu phần ăn tự nhiên khó có thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, do đó, có thể dẫn đến một số bệnh lý liên quan như: Thiếu năng lượng làm chỉ số BMI và mỡ thấp, mệt mỏi, giảm thành tích thi đấu; Teo và đau nhức cơ xương do lượng protein cung cấp không đủ; Bệnh đau nhức xương, thoái hóa xương khớp do thiếu canxi, vitamin D và các khoáng chất khác; Bệnh thiếu máu do thiếu sắt, folate nhất là ở vận động viên nữ, bệnh suy giảm miễn dịch và suy nhược, lão hóa nhanh do sản sinh nhiều chất oxy hóa trong khi tập luyện.

Các thực phẩm bổ sung (TPBS) được sử dụng với mục đích bổ sung dinh dưỡng cho các bữa ăn tự nhiên bị thiếu hụt, rất tiện lợi như các bữa ăn thay thế, bữa ăn nhanh gọn ngay trước, trong và sau khi thi đấu, tập luyện. Bữa ăn giúp bổ sung nhanh năng lượng với các môn sức bền, kéo dài, giữa các trận thi đấu, với các trận quay vòng liên tiếp sau một vài ngày, khi di chuyển nhỡ bữa… Vấn đề cần chú ý là chọn loại thực phẩm bổ sung nào cho phù hợp nhu cầu, thời điểm và liều lượng sử dụng là bao nhiêu? Ngoài ra, cũng có những vận động viên bị mắc một số bệnh lý mạn tính (đái tháo đường, huyết áp, rối loạn tiêu hóa…) hoặc một số môn thi đấu đòi hỏi giảm cân, hoặc tăng khối cơ nhanh, thì việc sử dụng TPBS là biện pháp cần thiết và hiệu quả.

PGS. TS Nguyễn Xuân Ninh cho biết thêm, để lựa chọn sản phẩm TPBS phù hợp, cần có sự cân nhắc của huấn luyện viên, Bác sỹ dinh dưỡng thể thao, chất lượng sản phẩm, giá cả… để phát huy đúng tác dụng, tránh lãng phí và có thể gặp phải sản phẩm kém chất lượng gây nhiều tác dụng phụ, dính doping/chất cấm. Cục Thể dục thể thao, các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia nên coi TPBS là có hiệu quả với vận động viên đỉnh cao, cần có kế hoạch hợp lý hằng năm về kinh phí, chủng loại TPBS, theo từng bộ môn thể thao, góp phần nâng cao thành tích vận động viên.

Chuyên gia Bùi Thị Phương Thảo - Dược sĩ chuyên môn Yangmiwa - đã khuyến nghị phác đồ thực phẩm bảo vệ sức khoẻ dành cho vận động viên, người tập thể thao. Hướng dẫn bổ sung thực phẩm trong giai đoạn trước, trong và sau thi đấu nhằm tăng thể lực cho vận động viên. 

2-1720685363.jpg
TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội - trình bày chuyên đề. Ảnh: Văn Duy

Trình bày chuyên đề "Thực trạng việc huấn luyện tâm lý cho các vận động viên cấp cao của Việt Nam", TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội - nhấn mạnh: Thực trạng công tác huấn luyện và điều chỉnh tâm lý cho vận động viên các môn thể thao đối kháng trực tiếp cấp cao Việt Nam còn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục mới có thể nâng cao thành tích thi đấu.

Nội dung và thời lượng huấn luyện tâm lý còn thiếu và ít, chưa coi trọng việc rèn luyện và vận dụng kỹ năng tự điều chỉnh tâm lý thi đấu cho vận động viên nên số lượng vận động viên có trạng thái tâm lý xấu trước thi đấu còn có tỷ lệ cao. Việc sử dụng các biện pháp điều chỉnh tâm lý trước thi đấu còn chưa đa dạng và chưa đạt hiệu quả cao. 

Qua quá trình nghiên cứu bằng phương pháp tổng hợp tài liệu tham khảo, quan sát sư phạm và phỏng vấn, đề tài các chuyên gia đã chọn được 5 biện pháp chung khắc phục tâm lý xấu trước thi đấu cho vận động viên các môn thể thao đối kháng. Cụ thể là nâng cao nhận thức vai trò của huấn luyện và điều chỉnh tâm lý cho huấn luyện viên và vận động viên cấp cao Việt Nam; tăng nội dung và thời lượng huấn luyện tâm lý cho vận động viên cấp cao Việt Nam; tăng cường cho vận động viên tham gia các cuộc đấu nội bộ và thi đấu dã ngoại, các cuộc thi đấu giao hữu trong nước và quốc tế. Sử dụng các phương tiện kiểm tra đa dạng để phát hiện sớm các trạng thái tâm lý xấu ở vận động viên; Sử dụng đồng bộ các biện pháp điều chỉnh tâm lý thích hợp và đặc hiệu cho từng trạng thái tâm lý xấu khác nhau.

Từ đó, theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý, khi huấn luyện tâm lý cho các vận động viên, huấn luyện viên cần nâng cao năng lượng tâm lý bằng các biện pháp huấn luyện tâm lý - sử dụng phương pháp đối đãi cá biệt cho từng vận động viên; Sử dụng năng lượng tâm lý hợp lý, đúng thời điểm thích hợp để đạt hiệu quả cao nhất. Nâng cao năng lực, ý chí, nghị lực trong tập luyện và thi đấu cho các vận động viên; Nâng cao sự tự tin, khát vọng chiến thắng chính bản thân mình trong tập luyện và thi đấu; Giáo dục đạo đức nhân cách, lối sống lành mạnh, khiêm tốn cho các vận động viên. Cùng với đó là thường xuyên giáo dục nâng cao ý chí phấn đấu cho mỗi vận động viên vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đoàn kết, yêu thương, tinh thần khát vọng dâng hiến cho Thể thao Việt Nam, phấn đấu có thành tích cao nhất đem lại niềm tự hào cho quê hương, đất nước.

tap-huan1-1720685611.jpg
Các đại biểu và huấn luyện viên, vận động viên Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội tham gia Lớp tập huấn. Ảnh: Văn Duy

TS. Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhắc nhở vận động viên, huấn luyện viên các đội tuyển: Bắn cung, Bắn súng, Cử tạ, Boxing, Judo, Canoeing, Rowing, Xe đạp, Cầu lông, Điền kinh, Bơi, từ nay đến ngày tham dự thi đấu Olympic Paris 2024 cần giữ gìn và duy trì sức khỏe, tập luyện, đi lại, ăn, ở, sinh hoạt bảo đảm an toàn, phấn khởi, tự tin, không căng thẳng, luôn vui vẻ, tự tin, yêu đời. Không tự gây áp lực tâm lý về chỉ tiêu thành tích hay bất cứ lý do nào làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể lực và tinh thần; Trước và trong thi đấu luôn duy trì năng lượng tích cực, một trí tuệ sáng suốt đảm bảo từng đợt, từng trận thi đấu một cách hiệu quả nhất.

"Có những thời điểm, những lúc khó khăn nhất, các bạn hãy luôn tự nhủ đất nước ta nhỏ bé, chúng ta còn nghèo, còn nhiều khó khăn song không bao giờ được nhụt chí, hãy bung hết sức lực 200% về thể chất và tinh thần để vượt qua chính mình và đối thủ.

Chúng ta hãy luôn tự tin và chiến đấu hết mình vì màu cờ, sắc áo của Thể thao Việt Nam, của Tổ quốc Việt Nam, thi đấu với một tinh thần quả cảm, một trái tim thép, một cái đầu thông minh vì 100 triệu dân trong đó có gia đình, bạn bè, đồng đội, thầy cô luôn ủng hộ và tiếp sức cho bạn. Hãy chiến thắng mang vinh quang trở về", TS. Nguyễn Mạnh Hùng kết thúc chuyên đề về một vấn đề được xem là điểm yếu cốt tử của vận động viên Việt Nam khi thi đấu tại các đấu trường quốc tế.

Buổi tập huấn kết thúc bằng chuyên đề “Phòng chống Doping trong thể thao” của ThS. BS Nguyễn Đoàn Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Doping và Y học Thể thao.

Sau buổi tập huấn, chiều cùng ngày, các chuyên gia của thương hiệu Yangmiwa khám và tư vấn dinh dưỡng cho hơn 50 huấn luyện viên, vận động viên đang tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội với mong muốn các huấn luyện viên, vận động viên sử dụng an toàn, hiệu quả TPBS đối với mỗi môn thể thao. 

Phương Mai