Xuân về đất Tổ xem múa trống đu

Theo tiếng trống trầm bổng, chúng tôi tìm về mảnh đất Hạ Bạc, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ trong những ngày đầu Xuân để tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Mường nơi đây. Trong kho tàng văn hóa phong phú ấy, điệu múa trống đu được biết đến như một loại hình nghệ thuật đặc sắc không thể thiếu của người Mường mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

trong-du-1674385936.jpg
Ảnh: phutho.gov.vn

Bên ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Mường, các nghệ nhân dân gian đang say sưa biểu diễn điệu múa trống đu một cách thuần thục với các động tác: lăn trống, vần trống, tung trống, vê trống, gõ trống…
 
Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hoạch, người đã có hơn 50 năm thực hành và gìn giữ loại hình nghệ thuật độc đáo này chia sẻ, múa trống đu khởi đầu chỉ có hai người tượng trưng cho người bố và người con; sau được nâng lên để phục vụ nhân dân trong những dịp sinh hoạt văn hóa hay khi Tết đến, Xuân về nên đã được bổ sung từ 4-5 người. Người múa chính mặc trang phục màu đỏ, chít khăn đỏ; người phụ họa mặc trang phục và chít khăn màu nâu đỏ. Tiết tấu của múa trống đu khi dồn dập khi uyển chuyển.

Chỉ là những đạo cụ bình thường nhưng sự phối hợp ăn ý của người sử dụng chúng đã tạo nên những âm thanh mang đặc trưng sắc thái của dân tộc Mường, vừa da diết,vừa mãnh liệt. Nó thể hiện ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc; là sự đoàn kết giữa tình làng nghĩa xóm, giảm đi ranh giới sang hèn trong xã hội; là khát vọng hướng tới tương lai hạnh phúc, an khang thịnh vượng của người dân lao động.

Hiện nay múa trống đu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa của người Mường trong các dịp hội hè, lễ tết, mừng nhà mới, cầu mùa, mừng thọ… Từ gõ trống làm vui, múa trống đã trở thành nghệ thuật. Ban đầu, múa trống đu chỉ sử dụng 3 hoặc 5 người. Về sau, trong quá trình lan tỏa ra cộng đồng, múa trống đu được dàn dựng số lượng người tham gia đông hơn để không khí thêm sôi động.

Ông Hoạch cho biết, cái khó nhất của múa trống đu không chỉ ở trình độ nghệ thuật biểu diễn mà đòi hỏi người múa phải có một sức khỏe dẻo dai, một sự cảm thụ sâu sắc về ý nghĩa của điệu múa mới có thể thực hiện nhiều động tác khó đến như vậy. Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hoạch múa trống đã hơn nửa thế kỷ, nhưng với ông, mỗi lần thể hiện là một lần ông có thêm những trải nghiệm về cuộc đời. Nhìn ông múa trống, khi tung trống lên cũng như khi xoay vần trống, nằm múa trống vẫn toát lên tinh thần và sắc thái vững vàng, động tác uyển chuyển, kỹ thuật điêu luyện.

Kết hợp với những động tác múa say sưa, ông Hoạch như mang lại cho người xem những cảm xúc dồn nén, bứt phá, tung tẩy theo tiếng trống khi khoan thai, lúc vui tươi, khi trầm lắng, vừa da diết, vừa mãnh liệt đến khó tả. Những động tác nằm ôm trống bằng hai chân, tung trống lên cao đón trống bằng chân, bồng trống, cặp trống vào hai chân rồi quay vòng tròn cùng trống giống như hình tượng người cha đang bế đứa con, đùa giỡn, cưng nựng.

Qua lời chia sẻ của ông Hoạch và bà con khu Hạ Bạc, chúng tôi được biết, đối với đồng bào Mường, múa trống đu được coi là báu vật cha truyền con nối. Hầu như tất cả nam giới ở đây đều có thể múa được trống đu, bởi đơn giản là vì tình yêu họ dành cho gia đình, cho xóm làng thân yêu. Không những thế, để gìn giữ và bảo tồn điệu múa độc đáo của dân tộc, bản thân ông Hoạch và lớp thế hệ những người biết điệu múa trống đu gốc đã truyền dạy điệu múa này cho con cháu. Thông qua những buổi tập luyện tại đội văn nghệ của khu dân cư, nhiều nam, nữ thanh niên đã hiểu hơn về nguồn gốc, giá trị nghệ thuật và giá trị nhân văn của múa trống đu, từ đó thêm yêu hơn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Và cho đến nay, điệu múa này đã được thế hệ trẻ đón nhận với tình cảm trân trọng nhất.

Ước mong lớn nhất của ông Hoạch cũng như người dân xã Đồng Thịnh là điệu múa truyền thống của dân tộc Mường sẽ được lưu truyền, quảng bá rộng rãi hơn nữa, qua đó giữ gìn những tinh hoa văn hóa của dân tộc đến muôn đời sau. Từ năm 1986 đến nay, ông Hoạch đã dạy múa trống đu cho hàng nghìn người yêu thích loại hình này. Đặc biệt, hiện nay các trường học trên địa bàn xã Đồng Thịnh đã đưa điệu múa trống đu vào giảng dạy mà ông Hoạch chính là người hướng dẫn cho các em học sinh.

Ông Đinh Quang Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đồng Thịnh cho biết, để gìn giữ và bảo tồn điệu múa độc đáo của dân tộc Mường, xã đã đưa nghệ thuật múa trống đu vào biểu diễn tại các sự kiện của địa phương;tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn, phục vụ tại các sự kiện lớn của huyện, tỉnh. Hằng năm, xã cũng hỗ trợ kinh phí, tạo thuận lợi cho đội văn nghệ luyện tập, biểu diễn. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật múa trống đu - di sản quý báu của đồng bào dân tộc Mường ở Đồng Thịnh nói riêng và huyện Yên Lập nói chung.

Xuân đã về trên những sắc lá xanh non của những cánh rừng keo, rừng bạch đàn đang sắp đến mùa thu hoạch, người dân đất Tổ lại náo nức chuẩn bị cho mùa lễ hội đầu năm mới. Không chỉ có trống đu ở Yên Lập; còn có múa Chuông, múa Rùa, múa Lập Tĩnh ở Thanh Sơn, múa Xúc tép, múa Chim Gâu ở Đoan Hùng… tất cả sẽ tạo nên một bức tranh rực rỡ sắc màu trong dòng chảy văn hóa vô tận của vùng đất Tổ cội nguồn.

TTXVN