Xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành Công nghiệp Văn hóa mũi nhọn

Giai đoạn 2018-2022, điện ảnh là lĩnh vực có xu hướng phát triển nhanh, giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm, giá trị gia tăng bình quân tăng 7,94%/năm.

dien-anh-1-1704870256.jpg
Điện ảnh Việt Nam - lĩnh vực có nhiều chất liệu để sáng tạo và tôn vinh văn hóa Việt. Ảnh minh họa

Công nghiệp Văn hóa ở Việt Nam bao gồm 12 lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có những tiềm năng, thế mạnh, giá trị, thị trường và mục tiêu phát triển khác nhau. Với xu thế hướng đến các sản phẩm và dịch vụ dựa trên việc khai thác những giá trị văn hoá truyền thống, Việt Nam cần lựa chọn một số lĩnh vực đặc trưng có nhiều chất liệu để sáng tạo và tôn vinh văn hóa Việt; đặc biệt các lĩnh vực cần có “dư địa” lớn, tiềm năng trở thành các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu đại diện cho hình ảnh quốc gia.

Đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, để phát huy được tối đa sức mạnh nội sinh, thúc đẩy sự phát triển của Công nghiệp Văn hóa, các lĩnh vực được lựa chọn để ưu tiên tập trung đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm đến năm 2030 cần đáp ứng được các tiêu chí về khả năng quảng bá văn hoá, hướng đến giá trị tôn vinh các yếu tố truyền thống, tiềm năng phát triển vượt bậc khi có sự hỗ trợ từ hệ thống cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Các lĩnh vực được lựa chọn phải đáp ứng yêu cầu về tiềm năng phát triển dài hạn, có chất liệu sáng tạo dồi dào dựa trên giá trị văn hoá, vị thế tầm chiến lược gắn với sự phát triển của thời đại. Việt Nam với đặc điểm về dân số trẻ, năng động, thích nghi nhanh với các xu hướng mới trên thế giới, do vậy các lĩnh vực nên được lựa chọn để tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển đến năm 2030 bao gồm: (1) điện ảnh, (2) nghệ thuật biểu diễn, (3) du lịch văn hóa, (4) thủ công mỹ nghệ, (5) phần mềm và trò chơi giải trí, (6) thiết kế.

Trong kế hoạch Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam đến năm 2030, đối với Điện ảnh - một trong 6 lĩnh vực được xác định là trọng tâm, trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu cụ thể nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Đó là cần thiết phải xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ, đầu tư đối với lĩnh vực điện ảnh; thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam; nghiên cứu, đề xuất miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các đơn vị sản xuất điện ảnh, hoàn thuế cho các đoàn làm phim nước ngoài sử dụng nguồn lực, dịch vụ quay phim tại Việt Nam.

Xây dựng cơ chế hợp tác trong phát triển điện ảnh để thu hút các đoàn làm phim vào Việt Nam; nghiên cứu ban hành cơ chế phối hợp liên ngành giữa hải quan, biên phòng, xuất nhập cảnh để tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, thời gian thông quan hàng hóa của các đoàn làm phim quốc tế vào Việt Nam; đưa Việt 21 Nam trở thành quốc gia có “trường quay ngoại cảnh” lớn trên thế giới thu hút các đoàn làm phim đến Việt Nam.

Tập trung sản xuất phim có khả năng thu hút khán giả đồng thời gắn với các sản phẩm và dịch vụ đi kèm. Đối với phim truyện, phim tài liệu gắn với phát triển các điểm đến về văn hóa, lịch sử, thiên nhiên có khả năng thu hút khách du lịch. Thu hút và hình thành các trung tâm kỹ thuật điện ảnh Việt Nam (công nghệ hậu kỳ, kỹ xảo điện ảnh) có thể cạnh tranh và tham gia thực hiện hậu kỳ cho các hãng phim lớn trên thế giới về nội dung số và kỹ xảo điện ảnh.

Tập trung đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài những ngành nghề liên quan, như: đạo diễn, sản xuất phim, kinh tế điện ảnh, biên kịch, lý luận phê bình, quay phim, thiết kế mỹ thuật, công nghệ điện ảnh truyền hình, diễn viên điện ảnh… để xây dựng và hình thành nguồn nhân lực cho lĩnh vực điện ảnh.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: giai đoạn 2018-2022, điện ảnh là lĩnh vực có xu hướng phát triển nhanh, giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm, giá trị gia tăng bình quân tăng 7,94%/năm, nguồn lực lao động bình quân tăng 8,05%/năm, số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh bình quân tăng 8,39%/năm. Doanh thu điện ảnh chiếu rạp năm 2019 đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 178 triệu USD), phim điện ảnh Việt Nam chiếm khoảng 29% doanh thu với khoảng 1,15 nghìn tỷ đồng (50 triệu USD), đây là năm doanh thu điện ảnh Việt Nam vượt mức 16% mục tiêu đề ra tại Chiến lược.

Hành lang pháp lý trong lĩnh vực điện ảnh ngày càng được hoàn thiện (Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022) đã giúp phim trong nước nhận được những ưu đãi, từ đó thu hút sự đầu tư của các đơn vị sản xuất.

Tại Việt Nam, khán giả trẻ chiếm đến 80%-90% thị phần khán giả xem phim, đây là tiềm năng lớn để phát triển điện ảnh nội địa, do vậy, trong thời gian gần đây nhiều dự án phim đã tập trung khai thác chất liệu văn hóa và lịch sử Việt. Với sự tham gia của các nhà đầu tư, các đơn vị sản xuất phim quan tâm đến những giá trị văn hóa truyền thống, nhiều dự án phim Việt đã đáp ứng cả về tính chất chuyên môn lẫn thị hiếu của khán giả, tăng sức cạnh tranh của phim Việt và qua đó quảng bá văn hóa Việt ra thế giới.

T.H