V.League đã có tiền lệ khi các câu lạc bộ bị cấm đoán, không được ký hợp đồng tài trợ với các đối tác cùng ngành hàng với Nhà tài trợ của giải. Thậm chí, Điều lệ giải có cả điều khoản ràng buộc với quy định “tài trợ độc quyền” dành cho Nhà tài trợ của giải đấu. Cụ thể: “Các câu lạc bộ không được khai thác tài trợ với các nhãn hàng và ngành hàng cạnh tranh với Nhà tài trợ chính kể từ ngày Điều lệ giải ban hành hoặc khi có thông báo chính thức từ Công ty VPF".
Mùa giải 2023, Hoàng Anh Gia Lai sau khi ký hợp đồng tài trợ với Nhà tài trợ Thái Lan để quảng bá cho thương hiệu nước tăng lực Carabao đã bị VPF ngăn cản và xảy ra xung đột lợi ích dẫn đến việc câu lạc bộ đâm đơn kiện ra tòa. Mặc dù sau đó vụ việc đã được dàn xếp và đôi bên đã có những thỏa hiệp theo hướng “dĩ hòa vi quý”, nhưng Hoàng Anh Gia Lai vẫn nộp đơn kiện lên tòa án quận Nam Từ Liêm, nơi đặt trụ sở của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF).
Hoàng Anh Gia Lai quyết làm lớn chuyện, đòi VPF phải xóa bỏ quy định “độc quyền tài trợ” dù cho tới giờ, khi hợp đồng với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã kết thúc, “Sói đêm - Night Wolf” cũng không còn song hành với V.League, trong khi “Trâu nước - Carabao” thì vẫn trên ngực áo cầu thủ và xuất hiện đầy sân Pleiku. Nhiều khả năng, V.League sẽ chia tay với Nhà tài trợ cũ sau khi kết thúc hợp đồng và lại thay tên, đổi họ sau khi tìm được đối tác tài trợ mới. Nỗi lo “đụng hàng”, xung đột lợi ích với các câu lạc bộ lại hiển hiện một khi VPF vẫn quyết giữ quy định “độc quyền” để bảo vệ lợi ích của đối tác tài trợ cho giải đấu.
Không loại trừ khả năng sau nước tăng lực, V.League sẽ được tài trợ bởi một ngân hàng đang nổi lên ở sân chơi chuyên nghiệp, thậm chí còn vươn tới cả giải hạng Nhất, hạng Nhì. Nếu LPBank trở thành Nhà tài trợ cho giải đấu, thêm một lần nữa Hoàng Anh Gia Lai bị đặt vào thế khó khi vừa ký hợp đồng để gắn thêm tên, thậm chí đổi cả logo của câu lạc bộ theo style của LPBank. Ở V.League hiện tại, còn có Ngân hàng SHB tài trợ và từ lâu đã gắn tên gọi với câu lạc bộ Đà Nẵng, ngân hàng Bắc Á tài trợ cho Sông Lam Nghệ An, cả Công an Hà Nội cũng nhận được tài trợ từ LPBank. Nếu chọn LPBank làm Nhà tài trợ chính và gắn liền với tên gọi V.League, chắc chắn VPF sẽ rất đau đầu khi phải thỏa hiệp để dung hòa lợi ích với các câu lạc bộ, bằng không sẽ lại xảy ra chuyện “vô phúc đáo tụng đình”
Chung quy cũng bởi quy định độc quyền, dù Bóng đá Việt Nam đã chuyển mình theo mô hình chuyên nghiệp từ 1/4 thể kỷ, nhưng vẫn giữ “lệ làng” với những “đặc sản” của riêng mình. Ngay như chuyện định vị thương hiệu cho giải đấu, tính ra V.League đã có tới hơn chục lần thay tên kể từ mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên vào năm 2000-2001 với tên gọi ban đầu Strata V.League, rồi tới nước tăng lực Sting V.League từ mùa giải 2003, bánh Kinh Đô năm 2004 rồi quay trở lại nước tăng lực Number One, cửa nhôm Euro Window, Petro Việt Nam Gas, Ngân hàng Eximbank, xe Toyota, Nuti Cafe, Wake-Up 247, thiết bị điện LS... trước khi Night Wolf xuất hiện và đồng hành với V.League trong 3 mùa giải và vừa đáo hạn.
V.League thay đổi tên gọi theo Nhà tài trợ thậm chí còn nhiều hơn các câu lạc bộ nên cũng khó trách sân chơi chuyên nghiệp loạn cào cào với các thương hiệu, ngành hàng, dù chưa thể chứng minh được sự sung túc và mang tới nguồn thu ổn định cho các câu lạc bộ.
Theo thống kê, kể từ năm 2000, V.League đã có 12 lần thay đổi tên gọi. Cụ thể, Strata V.League ở mùa giải 2000-2002, Sting V.League năm 2003, Kinh Đô V.League năm 2004, Number One V.League năm 2005, Euro Windown V.League 2006, Petro Việt Nam Gas từ năm 2007-2010, Eximbank V.League từ năm 2011-2014, Toyota V.League từ năm 2015-2017, Nuti Cafe V.League năm 2018, Wake-Up 247 V.League 1 từ năm 2019-2020, L.S V.League 1 2021, Night Wolf V.League 1 từ 2022-2024 và sắp tới sẽ lại tiếp tục gắn với Nhà tài trợ mới từ mùa bóng 2024-2025.