V.League 2023-2024: VAR tù mù gây tranh cãi

Dài cổ đợi VAR mãi tới vòng đấu áp chót của lượt đi, sân Vinh lần đầu tiên mới có 1 trận đấu sử dụng công nghệ hỗ trợ trọng tài, nhưng thật đáng tiếc khi cổ động viên xứ Nghệ lại phải chứng kiến đội nhà nhận bàn thua cay đắng ở phút bù giờ từ tình huống VAR không xác định…

screenshot-237-1709604391.png
Tình huống đá phạt của Rafaelson khiến VAR bất lực, không thể xác định có lỗi việt vị hay không

Bàn thua của Sông Lam Nghệ An diễn ra ở phút 90+5, từ một tình huống đá phạt trực tiếp, tiền đạo Rafaelson thực hiện cú sút căng bị thủ môn Văn Việt cản phá, tiền vệ Tô Văn Vũ đã tung ra 2 cú sút bồi liên tiếp ngay trước vạch 16m50 và đưa được bóng vào lưới. Trọng tài Nguyễn Trung Kiên sau khi tham khảo tổ VAR và xem lại tình huống trên màn hình, dù dừng trận đấu khá lâu nhưng do không có góc máy quay chính xác nên không thể xác định cầu thủ Nguyễn Văn Vĩ, đứng dưới hàng rào khi Rafaelson đá phạt, có ở vào thế việt vị hay không? Tuy nhiên, ông Kiên vẫn quyết định công nhận bàn thắng cho Nam Định.

Ngay sau trận đấu, câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An đã lập tức gửi công văn kiến nghị tới Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Ban Tổ chức V.League 2023-2024 đề nghị xem xét lại bàn thắng gây tranh cãi của Nam Định, trong khi nhiều cổ động viên Sông Lam Nghệ An cho rằng đội nhà bị thua oan. Trưởng Ban trọng tài Đặng Thanh Hạ lên tiếng giải thích: "Nguyên tắc của VAR là nếu các góc máy không xác định được cầu thủ có việt vị hay không thì trọng tài chính là người quyết định. Trong tình huống này, các trợ lý xác định Văn Vỹ không việt vị nên bàn thắng được trọng tài công nhận là hợp lệ…”.

slna-namdinh2023-24-10-1709604533.jpg
Bàn thắng gây tranh cãi ở phút bù giờ giúp Nam Định sớm vô địch lượt đi trước 1 vòng đấu

Thực tế, VAR không thể cũng cấp hình ảnh rõ ràng với góc quay thuận lợi cho trọng tài trên sân, thậm chí "tổ tư vấn" trong xe VAR còn không thể đưa ra đường line việt vị như vẫn thường thấy trong các tình huống tương tự nên trọng tài Nguyễn Trung Kiên dù loay hoay mất hơn 5 phút vẫn không thế tìm ra lỗi và đưa ra quyết định theo kiểu “năm ăn, năm thua”. Xem lại tình huống đá phạt của Rafaelson, hầu hết các trọng tài có kinh nghiệm đều cho rằng, khó có thể xác định có lỗi việt vị hay không vì vẫn còn 1 cầu thủ Sông Lam Nghệ An nằm chắn dưới hàng rào bị che khuất hoàn toàn. VAR sử dụng ở V.League do không có đủ góc máy quay nên cũng trở nên tù mù và bất lực.

Cho dù, mục đích của VAR là tạo ra sự công bằng và minh bạch trong các trận đấu và giảm thiểu những tranh cãi xung quang các quyết định của trọng tài, nhưng do điều kiện thực tế ở V.League, mỗi trận đấu chỉ có vài máy quay phục vụ tổ VAR nên rất khó đòi hỏi chính xác tuyệt đối. Không chỉ Sông Lam Nghệ An bức xúc, gửi công văn “kiện” VAR mà trước đó các huấn luyện viên như Nguyễn Thành Công của Hà Tĩnh, Velizar Popov của Thanh Hóa cũng đã có những phản ứng. Thậm chí, lãnh đạo đội bóng xứ Thanh còn lên tiếng đề nghị, không phân công trọng tài Ngô Duy Lân cầm còi các trận đấu của câu lạc bộ Thanh Hóa sau trận đấu có VAR với câu lạc bộ Công an Hà Nội.

c08684235a8f9aa7c17090b867f83c66-1709605081.jpg
Sau trận hòa 1-1 với Thể Công Viettel, Chủ tịch câu lạc bộ Hải Phòng Văn Trần Hoàn nói VAR làm khán giả xem bóng đá tụt hứng

Chủ tịch câu lạc bộ Hải Phòng, ông Văn Trần Hoàn mới đây cũng có những nhận xét trực diện và thẳng thắn về VAR ở V.League: "VAR liên tục khiến trận đấu phải dừng lại, mất thời gian và làm cụt hứng, tụt hết cảm xúc của khán giả. Chưa kể, các góc máy camera phục vụ VAR quá ít, chưa bao quát được hết các tình huống trên sân nên khó đòi hỏi sự chính xác, công bằng. Theo tôi, nếu VAR chưa đáp ứng đầy đủ thì không nên dùng, chứ làm thế này có khi lại phản tác dụng…".

V.League hiện chỉ có 2 xe VAR được hoán cải, phục vụ các trận đấu diễn ra trên các sân từ Hà Tĩnh trở ra phía Bắc, trong khi các sân bóng ở miền Trung và miền Nam vẫn còn đợi, nhanh nhất mùa giải sau mới có thể sử dụng VAR khi VPF nhận được thêm 2 xe VAR do FIFA hỗ trợ.

Việt Hưng