Việt Nam trúng cử Phó Chủ tịch Ủy ban bảo vệ đa dạng văn hóa của UNESCO

Trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 16 Uỷ ban liên Chính phủ (UBLCP) Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hoá (Công ước 2005) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), Việt Nam được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban, đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

5374-1676268146.jpeg
Quang cảnh phiên họp lần thứ 16 Uỷ ban liên Chính phủ (UBLCP) Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hoá (Công ước 2005) ngày 10/2 tại trụ sở Thủ đô Paris. Ảnh: TTXVN

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO nhấn mạnh việc lần thứ 2 đảm nhiệm cương vị này “tiếp tục thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, cho thấy sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu, ghi nhận đóng góp tích cực của Việt Nam trong UNESCO cũng như trong nỗ lực thúc đẩy vai trò của văn hóa, sáng tạo cho sự phát triển bền vững, bao trùm và tự cường”.

Diễn ra từ ngày 07-10/02 tại Paris, kỳ họp lần thứ 16 UBLCP Công ước 2005 đã diễn ra với sự tham dự của gần 400 đại biểu và quan sát viên từ 24 quốc gia thành viên Ủy ban và gần 100 nước, các tổ chức quốc tế và các tổ chức văn hóa, nghệ thuật. Tham dự về phía Việt Nam có Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao.

Đoàn Việt Nam đã tham gia chủ động và tích cực vào tất cả các nội dung của kỳ họp. Các quốc gia thành viên Công ước 2005 đánh giá cao chính sách và các biện pháp thiết thực của Việt Nam nhằm phát huy vai trò của văn hóa như sức mạnh nội sinh, động lực cho phát triển bền vững; bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hoá trong bối cảnh văn hóa và sáng tạo bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và quá trình toàn cầu hóa và số hóa. 

Những nỗ lực của Việt Nam để xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững và Mạng lưới thành phố sáng tạo cũng được hoan nghênh.

Về cơ hội của Việt Nam với tư cách Phó Chủ tịch Ủy ban, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cho biết. Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của Công ước 2005, đồng thời cũng tranh thủ tri thức, kinh nghiệm và các nguồn lực bên ngoài cho phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa, sáng tạo, hỗ trợ phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. 

Việt Nam cũng có nhiều cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt ra thế giới – một Việt Nam phát triển năng động, hội nhập sâu rộng, đổi mới sáng tạo, song cũng đậm đà bản sắc.

Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 gồm 24 thành viên, là cơ quan điều hành quan trọng của UNESCO về văn hóa, chịu trách nhiệm trong giám sát thực thi công ước, đề xuất các biện pháp triển khai, hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực này… để Đại hội đồng Công ước thông qua. Công ước UNESCO về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa được thông qua vào ngày 20/10/2005 và đến nay đã được 152 quốc gia phê chuẩn.

Là một trong những nước nỗ lực tham gia vào quá trình soạn thảo và sớm phê chuẩn công ước, lần đầu tiên Việt Nam trúng cử và đảm nhiệm thành công vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ và Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước UNESCO là vào nhiệm kỳ 2011-2015.

P.V