Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay, sau 3 năm triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương tiến hành sơ kết 3 năm triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật này.
Kết quả sơ kết cho thấy, bên cạnh việc tuân thủ các quy định pháp luật của cá nhân, tổ chức có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo cũng còn có những hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Các hành vi vi phạm này chủ yếu liên quan đến Điều 5 của Luật (các hành vi bị nghiêm cấm như phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; xâm hại đạo đức xã hội; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; trục lợi); vi phạm quy định trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như vượt quá các quyền đã được quy định trong Luật, không thực hiện nghĩa vụ; có vi phạm trong hoạt động tín ngưỡng như không đăng ký hoặc không đăng ký bổ sung hoặc tổ chức hoạt động tín ngưỡng không đúng với văn bản đăng ký; việc tiếp nhận tài trợ của cá nhân, tổ chức nước ngoài không đúng mục đích…
Các hành vi vi phạm này cần được xử lý để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thực hiện pháp luật của các cá nhân, cơ quan, tổ chức, đồng thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Trong khi đó, do chưa có quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nên nhiều hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo chưa được xử lý hoặc không thể xử lý.
Bên cạnh đó, ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022, trong đó Quốc hội quy định lĩnh vực "tín ngưỡng, tôn giáo" là một trong các lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo là 30 triệu đồng, đối với tổ chức là 60 triệu đồng.
Để xử lý kịp thời những hạn chế, vướng mắc như đã nêu trên qua thực tiễn sơ kết 03 năm triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162, đồng thời để phù hợp với các quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Luật xử lý vi phạm hành chính thì việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo ở thời điểm hiện nay là rất cần thiết.
Dự thảo nêu rõ, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo đối với cá nhân là 30 triệu đồng và đối với tổ chức là 60 triệu đồng.
Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khoẻ, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi: Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Đình chỉ hoạt động từ 3 tháng đến 6 tháng đối với người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; chức sắc, chức việc vi phạm; tước quyền sử dụng văn bản chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo từ 6 tháng đến 12 tháng… Biện pháp khắc phục hậu quả gồm: Buộc xin lỗi công khai; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được…