V-League 2022: Trọng tài kém hay thực sự có vấn đề?

V-League 2022 trở lại với 2 vòng đấu khởi động mà tâm điểm chính là các quyết định của trọng tài. Sẽ có án phạt được đưa ra với việc đình chỉ làm nhiệm vụ với những ông vua sân cỏ đã mắc sai lầm, nhưng nỗi lo thường trực với các đội bóng thì vẫn còn đó… 

xuan-nam-ghi-ban-bang-tay-van-duoc-trong-tai-cong-nhan-1657507381.jpg
Xuân Nam ghi bàn bằng tay vẫn được trọng tài công nhận

Chỉ 2 vòng đấu đã có 3 sự cố nghiêm trọng xảy ra liên quan tới các trọng tài. Trên sân Hàng Đẫy, trận Viettel gặp Hà Tĩnh, trợ lý trọng tài Ngô Quốc Toàn dù có vị trí quan sát thuận lợi nhưng vẫn phạm sai lầm, trong khi trọng tài chính Nguyễn Mạnh Hải cũng bỏ sót lỗi. Sự yếu kém của các trọng tài tiếp tục bộc lộ ở các trận đấu của vòng 6, thậm chí còn phạm phải sai lầm nghiêm trọng hơn, dẫn đến việc làm thay đổi kết quả các trận đấu.

Trận đấu giữa chủ nhà Sài Gòn FC và Topenland Bình Định trên sân Thống Nhất không quá căng thẳng, nhưng sau bàn thắng ghi được bằng tay của tiền đạo Nguyễn Xuân Nam, các cầu thủ Sài Gòn FC dù phản ứng quyết liệt nhưng vẫn không thể thay đổi quyết định của trọng tài. Topenland Bình Định đã được hưởng lợi sau quyết định công nhận bàn thắng không hợp lệ, trong khi tại Thanh Hóa, sau tình huống thổi phạt 11m của trọng tài Trần Văn Lập, các cổ động viên trên sân Thanh Hóa phản ứng dữ dội, lãnh đạo câu lạc bộ Thanh Hóa bức xúc vì cho rằng, đội nhà bị trọng tài thổi ép, gây ức chế cho các cầu thủ. Mặc dù câu lạc bộ Thanh Hóa đã quyết định sẽ làm văn bản kiến nghị gửi Liên đoàn bóng đá Việt Nam và Ban trọng tài, nhưng với lỗi nhận định rất khó để xử lý.

trong-tai-tran-dinh-thinh-tung-bi-nhac-nho-vi-thay-doi-quyet-dinh-sau-khi-xem-man-hinh-lon-tren-san-lach-tray-anh-nguyen-quang-minh-1657507267.jpg
Trọng tài Trần Đình Thịnh từng bị nhắc nhở vì thay đổi quyết định sau khi xem màn hình lớn trên sân Lạch Tray. Ảnh: Quang Minh

Sự yếu kém của các trọng tài không chỉ khiến các đội bóng bức xúc, dẫn đến những phản ứng tiêu cực mà tai hại hơn còn gây ảnh hưởng tới cả giải đấu. Tất nhiên, trọng tài mắc sai sót sẽ phải bị xử lý, nhưng dù án phạt nghiêm khắc đến mấy cũng không thể thay đổi kết quả trận đấu. Chịu thiệt thòi nhất vẫn là các đội bóng bị thua oan bởi tiếng còi không chính xác của các vị vua sân cỏ và những bức xúc không được giải tỏa rất dễ dẫn đến phản ứng dây chuyền từ các đội bóng. Đã có nhiều cảnh báo được đưa ra khi V-League 2022 trở lại sau quãng nghỉ dài gần 4 tháng. 3 sự cố liên tiếp xảy ra ở 2 vòng đấu, liên quan tới các quyết định của trọng tài khiến nhiều người không khỏi lo ngại khi nhìn vào chất lượng của các trọng tài. 

Dư luận hoài nghi về các quyết định gây tranh cãi của trọng tài và đặt câu hỏi, liệu các vị vua sân có ít kinh nghiệm, kém bản lĩnh, yếu về năng lực, trình độ hay còn bị chi phối bởi những yếu tố ngoài chuyên môn? Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, khi các quyết định bất lợi từ phía trọng tài thường nhắm vào các đội bóng yếu thế ở V-League, trong khi các đội bóng đại gia, có thế lực và nhiều quan hệ lại thường được hưởng lợi. Vấn đề khiến nhiều người cảm thấy không thể yên tâm là dù bị nhắc nhở, cảnh cáo, xử phạt nhiều, nhưng công tác trọng tài vẫn không được cải thiện, thậm chí ngày càng đáng lo ngại hơn. Tỷ lệ các trọng tài mắc sai sót sau mỗi vòng đấu luôn ở mức cao và ngay cả những trọng tài có đẳng cấp FIFA cũng hay mắc sai lầm.

Thực tế, không phải đến bây giờ sau những sự cố liên tiếp, các đội bóng ở V-League và Ban Tổ chức mới cảm thấy bất an bởi công tác trọng tài vẫn luôn được coi là mắt xích yếu nhất trong bộ máy điều hành. Nhiều đội bóng than phiền về chất lượng của các trọng tài quá kém dẫn đến sai sót. V-League 2022 mới chỉ trải qua 6 vòng đấu và cuộc đua chỉ thực sự “nóng” ở giai đoạn cuối mùa giải với những trận đấu khốc liệt, quyết định số phận các đội bóng nếu trọng tài làm không tốt, rất dễ dẫn đến phản ứng dây chuyền.

trong-tai-v-league-it-duoc-cac-doi-bong-tin-tuong-1657507310.jpg
Trọng tài V-League ít được các đội bóng tin tưởng
Việt Hưng